Việc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng có văn bản yêu cầu thực hiện cách ly tập trung, có thu phí đối với người dân từ Hà Nội, TP HCM và các tỉnh thành có dịch về địa phương, đã thu hút được sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Để làm rõ hơn vấn đề này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng.
PV: Xuất phát từ đâu mà Đà Nẵng đưa ra quy định cách ly tập trung và có thu phí đối với tất cả công dân từ Hà Nội, TP HCM và các tỉnh thành có dịch đến địa phương? Liệu việc Đà Nẵng ban hành văn bản chỉ đạo ấy có trái luật không, thưa ông?
Ông Lê Trung Chinh: Việc có những quan điểm khác nhau về chủ trương này trên mạng xã hội là chuyện bình thường. Tuy nhiên đó là quan điểm của số ít mà thôi.
Chủ trương này của TP Đà Nẵng là thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh trong tình trạng nguy cấp và gần nhất là chỉ thị của Chính phủ trong việc giãn cách xã hội, hạn chế người dân đi lại, nhất là người dân đi từ vùng dịch về, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân và góp phần tránh lây lan dịch bệnh.
Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng.
|
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng không nên làm như vậy, nếu có chỉ cách ly nhưng không nên thu phí đối với người dân. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?
Ông Lê Trung Chinh: Việc cách ly đối với người từ vùng dịch là cần thiết. Các trung tâm cách ly ở Đà Nẵng cũng không hề thu tiền ở, chi phí sinh hoạt. Chỉ thu tiền ăn, tức người dân đến ở và ăn uống thì phải tự chi trả chi phí này.
Nói đến việc thu phí thì đó là cách dùng từ, chứ không có lệ phí gì ở đây cả. Nếu phí, lệ phí thì phải được thông qua HĐND TP và chỉ dùng khi giải quyết chế độ chính sách cho người tham gia phòng, chống dịch, nó hoàn toàn khác nhau. Ở đây, là tiền ăn mà người dân ở cách ly sử dụng tại cơ sở cách ly, và người dân cần chi trả cho cơ sở cách ly tập trung để tổ chức người phục vụ. Điều đ là hợp lý.
PV: Liệu Đà Nẵng làm như vậy có gây mất thiện cảm cho chính người dân Đà Nẵng khi đi đến các địa phương khác hay không thưa ông?
Ông Lê Trung Chinh: Theo tôi, đây là hành động nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể đó là người dân ở nơi nào thì ở yên nơi đó, hạn chế đi lại, giãn cách xã hội…
Còn thật sự người dân ở nơi nào khó khăn thì địa phương nơi đó sẽ hỗ trợ, giúp người dân vượt qua khó khăn thôi, chứ người dân không nhất thiết phải di chuyển về địa phương, trừ những trường hợp thật sự cần thiết. Và thực tế việc di chuyển của người dân không chỉ đơn thuần vì kinh tế khó khăn, mà còn có nhiều lý do khác.
Thêm nữa, mục tiêu của chủ trương trên không phải thu tiền và thật sự có thu tiền cũng không bao nhiêu so với chi phí bỏ ra để phòng, chống dịch. Nhưng đó để thể hiện trách nhiệm và nâng cao ý thức của mỗi người dân đối với công tác phòng, chống dịch của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.
Chốt giám sát phòng dịch COVID-19 tại các cửa ngõ đi vào Đà Nẵng đo thân nhiệt đối với người đi vào TP
|
PV: Ông có thể cho biết hiệu quả của việc ban hành quy định này như thế nào?
Ông Lê Trung Chinh: Nói về hiệu quả của việc ban hành chủ trương này thế nào thì cũng chưa nói được gì, vì chủ trương cũng mới được đưa ra nên cũng cần thêm thời gian.
Hiện tại công tác tiếp nhận, cách ly vẫn đang được tổ chức thực hiện tại các cơ sở quốc phòng và một số khách sạn mà TP còn thời hạn thuê để cách ly đối với du khách nước ngoài.
Việc xây dựng cơ chế thu tiền ăn ở, sinh hoạt, cách ly như văn bản nêu là đối với các cơ sở cách ly ngoài quốc phòng, khi ăn ở, sinh hoạt tại đây thì đương nhiên phải trả cho cơ sở đó. Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ là nếu ăn ở cách ly tại khách sạn, hay nhà riêng, thì người dân cũng phải tự bỏ ra chi phí. Và sau các cuộc họp, các cơ sở trung tâm quốc phòng cũng đã đồng ý tiếp nhận cách ly đối với tất cả các công dân trở về nên đó là thuận lợi.
Tuy nhiên, để nói thêm là bên cạnh việc nỗ lực của ngành y tế trong công tác rà soát, điều trị và phòng chống dịch đối với người dân nội thị TP thì chủ trương mới ban hành của Đà Nẵng không nằm ngoài mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người dân Đà Nẵng, góp phần vào công cuộc phòng chống dịch chung của Thủ tướng Chính phủ. Đó là mục tiêu cao nhất, tối thượng trong bối cảnh này và Đà Nẵng cũng sẽ theo hướng đó, nên rất cần sự đồng thuận của người dân đang ở Đà Nẵng cũng như người dân ở xa.
Nếu các trường hợp người dân ở xa khó khăn, thì qua các quỹ xã hội hóa, hội đồng hương tại địa phương sẽ hỗ trợ, giúp người dân vượt qua khó khăn, và không nên di chuyển trong bối cảnh này.
Cũng nói thêm là trong văn bản 66 của TP Đà Nẵng nói rất rõ, các trường hợp đặc biệt, lý do công vụ, gia đình đám tang,… thì cũng có sự giám sát, cách ly tại nhà, chứ không phải tất cả đều cách ly tập trung
PV: Xin được cám ơn ông vì cuộc trao đổi!
Ngày 4/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng đã có văn bản số 66/BCĐ-SYT yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Trung, Công an TP, Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, UBND các quận, huyện, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện cách ly y tế tập trung có thu phí đối với công dân đến Đà Nẵng từ Hà Nội và TP HCM từ ngày 5/4 (kể cả người dân Đà Nẵng sinh sống, làm việc, học tập tại 2 địa phương trên) bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy. Địa điểm cách ly là các cơ sở cách ly tập trung do TP Đà Nẵng quản lý. Thời gian cách ly là 14 ngày, kể từ ngày rời khỏi Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian thực hiện cách ly, TP. Đà Nẵng thực hiện việc thu phí các chi phí ăn ở, sinh hoạt hàng ngày. Mức thu phí ăn ở, sinh hoạt bằng mức thu quy định hiện hành. Tiền ở theo chi phí của cơ sở cách ly tập trung. Bên cạnh đó, tổ chức cách ly tại nhà, tại nơi cư trú, lưu trú, tạm trú đối với công dân rời khỏi Hà Nội và TP HCM từ ngày 1/4 - 4/4 và công dân đến từ những địa phương có trường hợp bệnh COVID -19 lây lan thứ phát tại cộng đồng đến Đà Nẵng. |