Sáng ngày 6/10, Đoàn công tác của Bộ TT& TT do Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Đà Nẵng liên quan đến ứng dụng CNTT trong dịch vụ hành chính công và định hướng phát triển thành phố thông minh.
Đơn vị đầu tiên xây dựng nền tảng Chính quyền điện tử
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã đầu tư nhiều cho CNTT và phát triển ứng dụng trong điều hành, quản lý thành phố. Cụ thể, Đà Nẵng đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển dung lượng ứng dụng đường truyền tốc độ cao, xây dựng đề án thành phố thông minh, từng bước xây dựng chính phủ điện tử, bố trí nhân lực chuyên ngành CNTT để điều hành,... và đã đạt được một số kết quả ban đầu.
"Bước đầu Đà Nẵng đã áp dụng CNTT trong quản lý xe bus công cộng; giám sát chất lượng nguồn nước và cảnh báo; điều khiển tín hiệu đèn giao thông; hệ thống camera an ninh TP; ký kết thỏa thuận với Viettel xây dựng thành phố thông minh, dịch vụ y tế, giáo dục,..", ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng nói.
"Việc sử dụng tài nguyên cho phát triển CNTT, công nghệ phần mềm là ít, nhưng lợi nhuận và phát triển tăng trưởng cao nên Đà Nẵng rất cần sự quan tâm của Bộ TT&TT trong việc thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực, cũng như phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã nỗ lực, ưu tiên và định hướng phát triển về CNTT, phần mềm, là đơn vị tiên phong trong cả nước phát triển Khu công nghiệp công nghệ cao và Công nghiệp CNTT - hình thành nên Khu Công viên Phần mềm Đà Nẵng", Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết thêm
Ghi nhận kết quả mà TP. Đà Nẵng đạt được, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT chia sẻ: "Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên xây dựng nền tảng Chính quyền điện tử mà đến nay chưa có địa phương nào đầu tư làm đồng bộ từ cấp thành phố đến quận huyện, xã phường như Đà Nẵng.
Sau thời gian này có rất nhiều tỉnh thành theo đuổi những chưa đạt được. Nhiều địa phương muốn "soán ngôi" Đà Nẵng về mức độ ứng dụng CNTT, đơn cử như Hà Nội và TP HCM, nhưng không thành vì Đà Nẵng đã đi con đường rất riêng, độc đáo và hiệu quả do Đà Nẵng quyết tâm và đầu tư cho nội dung này, nhất là các hoạt động hành chính công".
"Là một trong những địa phương đầu tiên cung cấp dịch vụ thành phố thông minh, cụ thể là quản lý xe bus, dịch vụ quản lý chất lượng nước, quản lý về an toàn thực phẩm, giải quyết dịch vụ hành chính công trực tuyến... nên trong thời gian tới, Đà Nẵng cần thực hiện việc khớp nối, ban hành quy định thống nhất về kiến trúc ứng dụng CNTT theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Làm rõ hiệu quả của các dịch vụ trực tuyến hiện tại, rút kinh nghiệm và tinh giảm những dịch vụ chưa hiệu quả, dành nguồn lực cho phát triển các dịch vụ khác. Đặc biệt là Đà Nẵng lưu ý tiếp tục xây dựng khung kiến trúc tổng thể, chuyển Bộ TT&TT để có ý kiến hoàn thiện. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, cần đề xuất gì thì nên đề xuất sớm, để Bộ TT&TT hỗ trợ", ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thành Hưng,Thứ Trưởng Bộ TT&TT đánh giá rất cao thành tựu trong lĩnh vực CNTT mà Đà Nẵng đã đạt được khi liên tục nhiều năm đứng số 1 về ứng dụng CNTT. Tuy nhiên Thứ trưởng cũng lưu ý Đà Nẵng cần xem xét, đánh giá chất lượng các hoạt động, dịch vụ công liên quan đến Chính phủ điện tử, cần đánh giá dịch vụ công nào là cần thiết, hiệu quả, để dành nguồn lực phát triển.
Thành phố thông minh là dân ra đường phải an toàn
Ghi nhận ý kiến của Đoàn công tác, UBND TP Đà Nẵng sẽ trình Bộ khung kiến trúc ứng dụng CNTT trong xây dựng chính phủ điện tử trong tháng 12/2016 và sẽ đánh giá hiệu quả ứng dụng CNTT trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, việc thiết lập khung dịch vụ công mới phải được xuất phát từ nhu cầu. Chính quyền Đà Nẵng cũng rất quan tâm tới yếu tố này khi hiện có tới hơn 80% các dịch vụ công được giải quyết hiệu quả qua ứng dụng này.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng chia sẻ: "Việc đệ trình hồ sơ dịch vụ rồi mới cho phép hoạt động là rất khó, vì phải xuất phát từ thực tiễn nhu cầu người dân mới xây dựng nên khung dịch vụ. Và cũng chỉ đến khi triển khai, áp dụng thì mới đánh giá được mức độ thân thiện của dịch vụ để tiếp tục hoàn thiện được.
"Riêng về chia sẻ dữ liệu và tích hợp quy chuẩn, ở Đà Nẵng hiện mỗi doanh nghiệp có một chuẩn riêng, nên Bộ TT&TT nên ra quy định chung, như thế nào mới đạt chuẩn tích hợp. Từ đó mới thống nhất đồng bộ hóa dữ liệu giữa các doanh nghiệp", ông Thanh nói.
Kết thúc buổi làm việc, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của đoàn công tác, đồng thời đề nghị Bộ TT&TT có sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp Đà Nẵng trong việc xây dựng quy chuẩn cho doanh nghiệp vì hầu hết doanh nghiệp CNTT ở Đà Nẵng là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ có chính sách đặc thù hỗ trợ về nguồn nhân lực CNTT cho địa phương.
"Đà Nẵng xác định là phải luôn đổi mới và phát triển hơn nữa, bởi Chính phủ điện tử phải là dành cho người dân nên để đánh giá đúng về dịch vụ phải có người dân tham gia tương tác, người dân phải biết, sử dụng tốt dịch vụ và phản hồi thì dịch vụ mới phát triển được. Mục tiêu của chúng tôi là phòng làm việc không giấy tờ để phục vụ tốt nhân dân tốt hơn", ông Dũng nhấn mạnh.
"Thành phố thông minh là thành phố mà người dân phải hưởng lợi được từ những cải tiến, phải an toàn ở bất cứ đâu, ra đường phải được phục vụ, dịch vụ tiện ích sẵn sàng ở mọi nơi từ y tế, giáo dục đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đạt được điều đó, Đà Nẵng còn nỗ lực hơn nữa thì mới đạt được những kết quả đáp ứng nhu cầu của người dân", ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói.