Những cảnh báo này đã được công Kai-Fu Lee đưa ra trong một cuộc thảo luận bên lề tại Hội Nghị Trí tuệ nhân tạo 2018 được tổ chức tại San Francisco hôm 6/9. Những lời cảnh báo này không phải đều nhận được sự đồng tình của tất cả những người tham gia.
Một phần nội dung của hội nghị này là bàn về sự phát triển của AI. Các bài phát biểu và các ý kiến tham gia bàn luận của nhiều nhà nghiên cứu và kỹ sư đều khá hài lòng và đánh giá cao sự phát triển của AI trong thời gian qua. Nhờ những nỗ lực nghiên cứu và phát triển của các nhà nghiên cứu và các kỹ sư, việc sử dụng AI đã bắt đầu làm thay đổi ngành công nghệ hiện nay, và nhiều chuyên gia cho rằng việc AI làm biến đổi cả xã hội chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhưng với ông Kai-Fu Lee, một nhà đầu tư đã từng đảm nhiệm vị trí đứng đầu các hoạt động kinh doanh của cả Microsoft và Google ở Trung Quốc, ông cũng đã có nhiều năm làm việc cho Apple, ý kiến của ông đã “dội một gáo nước lạnh” vào không khí ca tụng AI của hội nghị này.
Đầu tiên, ông thừa nhận những đóng góp tích cực của AI đối với môi trường, chăm sóc y tế và nhiều lĩnh vực khác. Sau đó ông nói thêm rằng “tôi cho rằng AI sẽ làm gia tăng sự bần cùng hóa và bất công cho những người ở tầng lớp thấp nhất, rất nhiều việc làm của những người này sẽ được AI thay thế bởi những công việc của họ là những công việc đơn giản, mang tính lặp đi lặp lại, và AI sẽ làm thay công việc đó cho họ, vì thế sự phát triển của AI sẽ gây ra tác động kép, đó là người giàu sẽ càng giàu thêm, còn người nghèo thì ngày càng nghèo đi, việc tạo ra những tập đoàn AI mới đồng thời cũng là lấy đi công việc của những người nghèo nhất trong xã hội”.
Đây không phải là lần đầu tiên có một nhân vật quan trọng đưa ra dự đoán AI sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội, nhưng hầu như chưa có một chuyên gia công nghệ nào phát biểu như vậy và một ý kiến nói về ảnh hưởng tiêu cực của AI được đưa ra tại một hội nghị về AI thì lại càng hiếm. Ông Lee, người đã viết cuốn sách về AI có tựa đề “Các siêu cường AI, Trung Quốc, Thung lũng Silicon và Trật tự thế giới mới”, cho biết ông đưa ra dự đoán của mình trên cơ sở các yêu cầu đòi hỏi để phát triển và sử dụng AI. Để sử dụng AI một cách hiệu quả, người ta phải cần rất nhiều tiền, nhiều nhà nghiên cứu và một lượng lớn dữ liệu. Như vậy, chỉ có các tập đoàn lớn và giới siêu giàu mới có thể tiếp cận được với AI.
Quan điểm của ông Kai-Fu Lee đưa ra cũng giống với quan điểm của ông Meredith Whittaker, một chuyên gia nghiên cứu về đạo đức AI và là một nhà nghiên cứu công nghệ nổi tiếng, trước đây từng cho biết hiện nay chỉ có khoảng 7 tập đoàn trên thế giới có đủ khả năng để phát triển AI ở mức độ tương xứng.
Trả lời báo chí, ông Lee cho biết “Chúng ta cần phải nói về sự độc quyền, độc quyền được tạo ra và duy trì như thế nào. Thông thường, đó là quyền sử dụng các nguồn lực, thương hiệu, công nghệ hay các rào cản, nhưng hiện nay AI giúp chúng ta có nhiều dữ liệu hơn, điều này làm cho các sản phẩm của bạn có một vị thế vững chắc, bởi bạn đã phát triển được một sản phẩm ưu việt hơn. Thậm chí nếu những người khác có tiền và thương hiệu, họ cũng không thể cạnh tranh nổi với bạn bởi họ không có toàn bộ dữ liệu. Lẽ tự nhiên, quy luật đó sẽ là trâu chậm uống nước đục, và những tập đoàn nào đi trước thì họ sẽ giành được lợi thế và lợi nhuận lớn hơn cho mình”.
Quả thực là như vậy, những gì ông Lee nói đó là mối đe dọa hiện hữu mà những người đứng đầu các tổ chức lao động và các chính trị gia bênh vực người lao động trên toàn thế giới đang cảm thấy lo ngại và kịch liệt phản đối. Rất nhiều người đã lên tiếng chỉ trích việc các ông lớn công nghệ phát triển AI để thay thế công nhân và thu được các khoản lợi nhuận khổng lồ trong khi người lao động mất việc làm. Những gì mà ông Lee cảnh báo là điều mà người lao động đang cảm thấy lo ngại.
Ông Tim O’Reilly, người đứng đầu công ty O’Reilly Media, là người đứng ra tổ chức hội nghị này, cũng tham gia và ông tỏ ra không đồng tình với ý kiến của ông Lee. Ông O’Reilly cho rằng ông tin công nghệ AI sẽ hỗ trợ người nghèo có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đáp lại quan điểm của ông O’Reilly, ông Lee đã hỏi xem ông O’Reilly có giải pháp gì để AI làm cho người nghèo có cuộc sống tốt đẹp hơn không. Ông Lee nói một cách khá miễn cưỡng rằng “giải pháp mạnh đó là tái phân phối tài sản. Phần lớn trong chúng ta không muốn thấy điều đó, nhưng chính tỷ phú Bill Gates đã từng nói về đánh thuế robot. Tôi cho rằng những gì Bill Gates nói có nghĩa là cần phải đánh thuế rất cao đối với những tập đoàn có lợi tức cao. Một số người đang nói về mức thu nhập cơ bản chung. Tôi cho rằng đó là một ý tưởng vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng chắc chắn đó là một khởi điểm hay.
Theo Business Insider