Mỗi tháng Google xử lý khoảng 100 tỷ lượt tìm kiếm của người dùng toàn cầu. Hầu như người nào cũng ít nhất một lần sử dụng đến công cụ tìm kiếm này kể từ khi họ biết đến thế giới Internet. Công cụ tìm kiếm của Google chính là minh họa rõ và gần nhất về việc trí tuệ nhân tạo (AI) có mặt khắp nơi, trong đời sống hàng ngày (của người dùng máy tính, điện thoại thông minh).
Khi gõ từ khóa “trà sữa”, người ở TP.HCM sẽ có kết quả tìm kiếm khác với người ở Hà Nội, người ở Tân Bình sẽ ra kết quả khác với người ở Phú Nhuận. Thậm chí người ở khác phường trong cùng một quận sẽ cho kết quả khác nhau, hoặc hai người khác nhau ở cùng một vị trí thì kết quả tìm kiếm vẫn có chút khác biệt. Điểm khác biệt rõ nhất là các quán trà sữa được đề xuất, dựa vào vị trí khác nhau mà Google đưa kết quả các quán trà sữa gần vị trí người dùng nên kết quả khác nhau.
Một phần kết quả tìm kiếm từ khóa "trà sữa" trên Google, kết quả khác nhau dựa vào vị trí người dùng - Ảnh chụp màn hình
Ngoài ra, những thông tin liên quan như tin tức về trà sữa, danh sách những quán trà sữa ngon từ Foody, hình ảnh về trà sữa, video về trà sữa,... cũng sẽ được hiển thị. Những nội dung này, hoặc ít nhất những nội dung được trả tiền để quảng cáo trên Google, sẽ khác nhau dựa vào độ tuổi, giới tính, thu nhập,... của người sử dụng.
Để làm được như vậy, Google phải dựa vào lượng dữ liệu lớn thu thập được, sau đó dùng trí tuệ nhân tạo, các công cụ máy học để phân tích các dữ liệu nhằm đưa ra kết quả mang tính cá nhân hóa cho từng người khác nhau.
Trong sự kiện “Hiểu và Vận dụng Trí tuệ nhân tạo cùng Google” ngày 31/8 tại TP.HCM do Google phối hợp với trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn tổ chức, anh Nguyễn Quang Duy - chuyên gia phân tích Chất lượng Tìm kiếm cấp cao từ Google - đưa ra ví dụ “giống trong phim” hơn về AI, đó là chiếc xe tự lái của Google.
Anh Nguyễn Quang Duy - chuyên gia phân tích Chất lượng Tìm kiếm cấp cao từ Google - Ảnh: H.Đ
Chiếc xe chở một người khiếm thị, chạy trên đường phố Mỹ, tự động quẹo phải theo lộ trình, và biết né tránh người đi bộ. Theo anh Duy, chiếc xe có thể nhận diện được người đi đường dù người đó có hóa trang trong dịp Halloween đi chăng nữa. Những chiếc xe tự lái khác thường chạy trên cao tốc, đường thẳng, ít tình huống phức tạp hơn nhưng chiếc xe của Google có thể chạy trên đường phố bình thường với những tình huống giao thông bất ngờ, chứng tỏ trình độ phát triển của AI đang được nâng tầm lên cao hơn.
Một công cụ dễ thấy của Google khác là Google Dịch. Với sự đóng góp của cộng đồng người dùng trên toàn cầu trong việc giúp sửa lỗi cho cỗ máy, cộng với công nghệ máy học (machine learning - ML) tích hợp, công cụ này ngày càng cho ra các bản dịch chính xác hơn.
Chuyên gia Phạm Xuân Hoàng Ân, từng tham gia phiên dịch cho lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại các cuộc tiếp xúc và hội đàm với nguyên thủ các nước, cho rằng “chị Google” đang ngày càng tiến bộ hơn trong việc dịch thuật, đặc biệt việc phát âm đã có lên xuống, trầm bổng chứ không khô khan như một cỗ máy trước đây.
Ông Phạm Xuân Hoàng Ân - Ảnh: H.Đ
“Google Dịch có thể dùng trong tình huống giao tiếp thường ngày hoặc khi cần dịch văn bản gấp gáp, là phương tiện hữu hiệu cho người học ngoại ngữ nếu họ dùng công cụ đọc tiếng. Công cụ phát âm của Google chuẩn xác nên có thể luyện nghe nói. Tuy nhiên, Google Dịch vẫn chưa thể thay thế trong các cuộc gặp quan trọng, hoặc dịch sát với tình huống, văn hóa, văn phong, đặc điểm xã hội,...”, ông Ân nói.
“Tuy vậy, con người cần hàng triệu năm để học và hoàn thiện thì trí tuệ nhân tạo cũng sẽ cần một khoảng thời gian nhất định trong việc hoàn thiện sản phẩm”, ông Ân nói tiếp.
Tất nhiên, khi được sửa lỗi nhiều hơn, khi được tiếp nhận nhiều giọng đọc hơn, khi được nạp nhiều phương ngữ hơn,... lượng dữ liệu của các cỗ máy sẽ ngày càng lớn. Dựa vào dữ liệu này, các siêu máy tính có thể phân tích để đưa ra những đoạn dịch chuẩn xác hơn, hợp ngữ cảnh hơn.
Tương tự, AI ngày nay được đề cập nhiều hơn khi chúng hiện diện trên camera của nhiều smartphone từ cao cấp đến bình dân. Xuất phát từ trào lưu chụp ảnh selfie, các hãng đã thu thập một lượng lớn hàng triệu hình ảnh gương mặt từ mọi màu da, giới tính, sắc tộc khác nhau để đưa vào máy học, máy tính sẽ phân tích để chọn ra những cách làm đẹp cho gương mặt ở mức hoàn chỉnh nhất, từ đó cho ra những bức ảnh selfie “đẹp không tì vết”.
Camera một smartphone nhận diện có cây xanh trong khung ảnh để làm cây cối xanh hơn.
Ngoài ra, camera hỗ trợ AI còn tự động nhận diện các khung cảnh như bình minh, hoàng hôn, vật nuôi, chân dung người, phong cảnh,... để tự chỉnh sửa bức ảnh sao cho hoàn hảo nhất.
Có thể nói, dựa vào sự phát triển công nghệ, chỉ với chiếc smartphone trên tay người dùng đã trải nghiệm quá nhiều tính năng do trí tuệ nhân tạo tạo thành. Chưa kể đến các sản phẩm khác của Google chưa đề cập như Bản đồ, Ảnh (Photos), Google Voice, Mail, Documents,...
Tại Việt Nam, nhiều công ty đã có thể dùng camera để nhận diện bảng số xe máy có phải của nhân viên hay của người ngoài, hoặc xe bị ăn cắp. Nhiều doanh nghiệp đã cung cấp giải pháp nông nghiệp thông minh có thể dự đoán thời điểm thu hoạch sản phẩm, có cảm biến nhận biết môi trường chung quanh để quyết định thời điểm bón phân, tưới nước. Có trung tâm mua sắm có thể trang bị camera nhận diện tuổi tác, giới tính của khách để có cách sắp xếp hàng hóa hợp lý. Tất cả những thứ trên có được đều dựa vào trí tuệ nhân tạo, với máy học là một công cụ để phát triển.
AI đang ở khắp mọi nơi, đặc biệt trong tầm tay người dùng, trong chiếc điện thoại của họ. Tuy nhiên khó có thể nói AI đang có ở mọi ngóc ngách cuộc sống, kể cả ở các quốc gia phát triển. Dù vậy, trí tuệ nhân tạo đang có những bước tiến nhanh và vượt bậc, do sự phát triển của máy tính và lượng dữ liệu lớn được nạp vào. Càng về sau khi sản phẩm, công nghệ rẻ hơn, các nền tảng được thống nhất hoặc được liên kết với nhau dễ dàng thì chắc chắn cuộc sống tràn ngập AI và thiết bị thông minh sẽ sớm thành hiện thực.
Theo ICT News