Cuối 2016: Văn phòng Quốc hội thử nghiệm chuyển sang IPv6

VietTimes -- Văn phòng Quốc hội và Cục Bưu điện Trung ương (Bộ TT&TT) đã lên kế hoạch phối hợp để triển khai thử nghiệm IPv6 trên mạng truyền số liệu chuyên dùng, dự kiến thí điểm chuyển đổi vào cuối năm 2016.
Dự kiến thời điểm thử nghiệm chuyển đổi IPv4/ IPv6 cho Văn phòng Quốc hội là cuối năm 2016 (ảnh minh hoạ)
Dự kiến thời điểm thử nghiệm chuyển đổi IPv4/ IPv6 cho Văn phòng Quốc hội là cuối năm 2016 (ảnh minh hoạ)

Thông tin nêu trên vừa được đại diện Cục Bưu điện Trung ương báo cáo với Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia trong buổi làm việc cuối tuần qua. Đây là một phần trong Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2016 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia được ban hành theo Quyết định số 936 ngày 2/6/2016 của Bộ TT&TT.

Trong Kế hoạch nêu trên, Bộ TT&TT đã yêu cầu Cục Bưu điện Trung ương triển khai nhiệm vụ mở rộng phạm vi thử nghiệm IPv6 và cung cấp dịch vụ IPv6 trên mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước với các nội dung công việc gồm: Mở rộng phạm vi thử nghiệm IPv6; Mở rộng triển khai IPv6 cho mạng Văn phòng Quốc hội; Lên kế hoạch tổng thể cung cấp dịch vụ IPv6 trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; đồng thời triển khai chính thức từng dịch vụ, phân mạng cụ thể. Tháng 12 năm nay là thời hạn Cục Bưu điện Trung ương cần hoàn thành các nội dung công việc này.

Tại buổi làm việc, đại diện Cục Bưu điện Trung ương đã báo cáo Ban công tác về hiện trạng triển khai IPv6 trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Theo đó, Cục Bưu điện Trung ương đã phối hợp với Trung tâm Thông tin của Bộ TT&TT triển khai thành công kết nối IPv6 thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng tới phòng máy của Bộ TT&TT tại 18 Nguyễn Du, Hà Nội.

Cục Bưu điện Trung ương cũng phối hợp cùng Trung tâm CNTT - Văn phòng Trung ương Đảng, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) triển khai thử nghiệm thành công kết nối và cung cấp một số dịch vụ IPv6 trên mạng diện rộng của Văn phòng Trung ương Đảng thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Theo đại diện Cục Bưu điện Trung ương, đơn vị này đã lên kế hoạch phối hợp với Văn phòng Quốc hội để triển khai thử nghiệm IPv6 trên mạng truyền số liệu chuyên dùng, dự kiến thời điểm thử nghiệm chuyển đổi IPv4/ IPv6 cho Văn phòng Quốc hội là cuối năm 2016.

Trên cơ sở hiện trạng triển khai và qua trao đổi thảo luận về những vấn đề còn tồn tại, ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC, Phó trưởng Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã đề nghị Cục Bưu điện Trung ương trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng IPv6 trong nội bộ Cục cần tập trung cung cấp dịch vụ trực tiếp cho các cơ quan Đảng, Nhà nước.

“Sau khi hoàn thành công tác triển khai IPv6 cho Văn phòng Trung ương Đảng, Cục Bưu điện Trung ương cần tiếp tục triển khai cho Văn phòng Quốc hội trong năm 2016 và triển khai IPv6 cho Văn phòng Chính phủ trong thời gian tới”, đại diện Ban công tác lưu ý.

Đại diện Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cũng đề nghị Cục Bưu điện Trung ương tăng cường truyền thông các chương trình, công tác triển khai IPv6 cho mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước; đồng thời hoàn thiện Báo cáo tổng hợp tình hình, lưu lượng truy cập đối với công tác triển khai IPv6 cho mạng của các cơ quan Đảng và Nhà nước vào cuối tháng 11/2016 theo yêu cầu tại Chỉ thị 03 của Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Trước đó, từ ngày 20 - 26/10/2016, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia làm việc với các doanh nghiệp tiêu biểu đã tham gia và có cam kết triển khai IPv6 tại Ngày IPv6 Việt Nam gồm: VNPT, MobiFone, FPT Online/VnExpress, FPT Telecom và Viettel để nắm bắt, ghi nhận thông tin về kết quả triển khai IPv6 của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong dịch vụ 4G LTE, băng rộng và dịch vụ nội dung của một số báo điện tử.

Theo Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, trong lộ trình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, năm 2016 có vai trò đặc biệt quan trọng, là năm mở đầu cho Giai đoạn III - Giai đoạn chuyển đổi (2016 - 2019). Đây cũng là giai đoạn dài nhất, quan trọng nhất, quyết định kết quả cuối cùng trong việc thực hiện mục tiêu tổng thể quốc gia về triển khai ứng dụng công nghệ IPv6 trong hoạt động mạng Internet Việt Nam.