Cuộc đua Chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Có bao nhiêu người thực sự trong xã hội này, ngày hôm nay, bình tâm ngẫm nghĩ xem thực sự chúng ta đã hiểu Chuyển đổi số thực sự là gì?
Chuyển đổi số thực sự cần thiết nhưng cũng cần có nước đi thích hợp
Chuyển đổi số thực sự cần thiết nhưng cũng cần có nước đi thích hợp

Phong trào đã bắt đầu vào giai đoạn cao trào, khi hết lớp sóng này trào lên, lớp sóng khác đã tiếp nối. Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Chuyển đổi số, như một ngôn từ thời thượng, như một mệnh lệnh sống còn của thời đại – Chuyển đổi số hay là chết! Chuyển đổi số đã len lỏi vào đến mọi nhà, mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, chúng ta phải Chuyển đổi số, quyết tâm phải Chuyển đổi số, không có lựa chọn nào khác, Chuyển đổi số là tất yếu!

Nhưng rồi, có bao nhiêu người thực sự trong xã hội này, ngày hôm nay, bình tâm ngẫm nghĩ xem thực sự chúng ta đã hiểu Chuyển đổi số thực sự là gì? Tại sao một sớm hôm thức dậy, ta lại phải chuyển đổi vậy? Chuyển đổi đến đâu thế? Chuyển đổi để làm gì? Chuyển đổi cái gì? Chuyển đổi ra sao? Tại sao phải chuyển đổi, mà cái này hay cái kia, cái gì trước, cái gì sau, hay phải đồng thời? Ôi giời ơi là ối giời ơi, những câu hỏi sẽ tiếp nối rồi lại tiếp nối như những con sóng biển tiếp nối nhau trào lên bờ cát trắng, nhưng chỉ trào lên và để lại những lớp bọt trắng sớm vỡ tan. Từng con sóng không ngừng nghỉ trào lên bờ, chúng không thể dừng lại được, vì gió đẩy chúng, đưa chúng đi. Chúng ta cũng vậy, không thể không “tiến lên”, không thể không “chuyển đổi” khi nhà nhà chuyển đổi, người người chuyển đổi, những cơn sóng trào lưu đang đẩy chúng ta trôi dạt theo những ngọn sóng thời đại.

Tốc độ phát triển, cập nhật quá nhanh của các kiến thức mới, ngôn từ mới, khái niệm mới... về Chuyển đổi số, về Cách mạng công nghiệp 4.0... đang dồn dập chúng ta mỗi ngày, ập đến ngay cả khi chúng vẫn chưa có một sự thống nhất nào với nhau để là thế này hay là thế kia. Sự mơ hồ là đặc trưng của Chuyển đổi số ngày hôm nay. Sự mơ hồ đó đến từ những bản chất mang tính đặc thù của Chuyển đổi số: tính tiến trình liên tục; tính mở; tính nền tảng. Có lẽ đó sẽ là những ngôn từ “rất khó hiểu” và “xa cách” với tư duy của đa số người Việt Nam chúng ta hiện nay.

Hãy cùng nhau tưởng tượng rằng, chúng ta sẽ cùng bay lên cao để nhìn được toàn cảnh bức tranh về Chuyển đổi số hiện nay, của bối cảnh riêng chúng ta trong bối cảnh chung toàn cầu. Khi bay lên cao, Chuyển đổi số sẽ vẽ cho chúng ta thấy một bức tranh về một thành phố được quy hoạch một cách tổng thể, có hệ thống, có nguyên tắc mang tầm chiến lược dài hạn, mọi vị trí trên thành phố đều được căn tính cẩn thận trong mối tương quan với các vị trí khác và những hệ thống kết nối liên thông, những nhu cầu và dự định cho dài hạn. Mọi thứ đều phải ngăn nắp, trật tự, đồng bộ, tương thích với nhau. Một hình ảnh khác dễ gần hơn đó là một dàn nhạc giao hưởng, Chuyển đổi số cũng có thể hình dung như khúc nhạc được tấu nên bởi sự đồng điệu của toàn bộ dàn nhạc, của mỗi nhạc công, mỗi nhạc cụ, mỗi bè.... theo khớp với sự điều phối của người chỉ huy dàn nhạc. Hiệu quả của Chuyển đổi số cũng như chất lượng của bản nhạc được chơi bởi dàn nhạc. Cho dù có sự tấu lên của nhạc cụ nào đó trước, nhạc cụ nào đó sau, thì một bản nhạc tổng thể hài hòa phải được phối sẵn. Chuyển đổi số không thể bắt đầu và không thể thành công khi thiếu một Chiến lược dài hạn dẫn đầu. Cũng như một thành phố sẽ trở nên lộn xộn, nhem nhuốc và bất cập nếu không có được một bản vẽ quy hoạch tổng thể dài hạn có chất lượng.

Chúng ta sẽ bước tiếp trên hành trình, để suy ngẫm về từng bước đi kế tiếp. Muốn chuyển đổi, trước hết cần phải có một nền tảng hiện tại để chuyển đổi, và rồi cũng cần phải biết chuyển thì chuyển đến đâu và đổi thì đổi cái gì? Thực tế hiện nay, tự soi chiếu lại chính mình, có bao nhiêu tổ chức, bao nhiêu doanh nghiệp hay chính tổng thể nền kinh tế của chính chúng ta thực sự định hình được nền tảng của mình một cách cụ thể ra sao? đường hướng chiến lược thế nào? và các nguyên tắc vận hành ra sao? để mà rồi, dựa trên đó tạo nên một sự chuyển đổi? Điều này cũng đơn giản như khi chúng ta muốn bước tiến lên một bước, thì một chân nhấc lên để bước được sẽ cần phải có một chân trụ vững chắc. Khi bản thân cái chân trụ chưa vững chắc thì cái chân bước sẽ chông chênh.

Vậy, bước đầu tiên của Chuyển đổi số phải là một sự đánh giá toàn diện về hiện trạng, phải là củng cố thật vững chắc hiện trạng để làm “chân trụ” cho sự chuyển đổi đến những thang bậc mới. Chứ không phải là cố lao thật nhanh để rồi càng lao càng chới với, khi chúng ta vội vã đầu tư các công nghệ tạo nên gánh nặng tài chính, tạo nên những quy trình và đòi hỏi kỹ năng vượt quá với khả năng thích nghi của nguồn lực lao động khả thể của tổ chức/doanh nghiệp của mình, vượt quá với môi trường sản phẩm-dịch vụ mình có thể thích ứng...

Tiếp đến, chúng ta cũng sẽ thấy chuyển đổi không thể nói chuyển đổi sẽ là chuyển đổi được, nó không đơn giản chỉ là một cú xoay ngược người mà ta có thể dễ dàng làm không cần phải suy nghĩ. Chuyển đổi (transform) thực sự có tính cách mạng, một sự phá hủy mang tính sáng tạo, một cuộc đổi thay toàn diện. Cú xoay này sẽ là cú xoay của một người nghệ sĩ trên sân băng đòi hỏi phải nắm được những kỹ thuật, nguyên lý và cả sự rèn luyện để không bị trượt ngã. Không phải đơn giản chỉ cần sắm một đôi giày trượt (công nghệ) là có thể dễ dàng lao ra sân băng và trở thành một nghệ sĩ điêu luyện trên sân băng (nền tảng). Chúng ta chỉ có thể lập chập trượt những bước chập choạng mà thôi, nếu chúng ta không bắt đầu bằng việc học những thứ căn bản đầu tiên, từ việc đi đôi giày, hiểu đôi giày và những nguyên lý trượt trên sân băng, để rồi bắt đầu đặt chân lên sân băng trượt theo những động tác và kỹ thuật được huấn luyện viên hướng dẫn, cho đến khi thành thục trên sân băng. Nhưng kể cả đã thành thục, để trở thành một “kẻ chuyên nghiệp” sẽ cần nhiều hơn nữa, cần phải hiểu sâu về vũ đạo, nắm bắt được những kỹ thuật chuyên sâu, những thời gian rèn luyện gian khổ và đặc biệt là khả năng sáng tạo đổi mới. Điều tiếp theo để Chuyển đổi số đạt hiệu quả, chúng ta cần phải học một cách thức những “nguyên lý của chuyển đổi” và phải hiểu được một cách căn bản và hệ thống “Chuyển đổi số” là gì để có những dự liệu chiến lược phù hợp. Tính tiến trình liên tục của Chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng ở đây.

Mỗi nghệ sĩ trên sân băng muốn biểu diễn ấn tượng đều có những phong cách riêng phù hợp với mình. Chuyển đổi số cũng vậy, mỗi tổ chức/doanh nghiệp sẽ có những cách thức riêng phù hợp với mình, không có một “công thức chung cho tất cả” trong Chuyển đổi số. Đó là bí mật của ma trận Chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một Hệ Mở và như đã nói, nó có tính mở, tức là vừa cho phép người ta đa dạng hóa tối đa những hình thức thể hiện và triển khai; nhưng cũng đồng thời loại trừ những trường hợp tương tự theo đuôi. Trong Chuyển đổi số, muốn tồn tại và phát triển được tốt nhất phải là duy nhất, là số một, còn nếu không duy nhất, là số hai, số ba trở đi, nguy cơ tồn tại của bạn đang bị đe dọa. Chuyển đổi số do vậy, là một phong trào của sự đổi mới sáng tạo, chứ không phải là một phong trào “toàn dân” làm những điều tương tự nhau, giống như nhau, bắt chước nhau. Do vậy, Chuyển đổi số đòi hỏi chúng ta phải có năng lực học hỏi liên tục; phải nắm bắt được những nguyên lý mang tính nền tảng chứ không phải là hời hợt ở những kỹ năng, công thức, mô hình; và có năng lực đổi mới sáng tạo không ngừng. Người nghệ sĩ trên sân băng cũng vậy, sau mỗi màn trình diễn, sau mỗi quan sát biểu diễn của người khác, phải có khả năng học hỏi nhanh những kỹ thuật mới, những động tác mới, những cách thể hiện mới...; và để áp dụng được trong thực tiễn, cần phải hiểu các nguyên lý vật lý, vận động và nghệ thuật biểu thị... để có thể sáng tạo ra những nét mới của riêng mình.

Không có sân băng, người nghệ sĩ trượt băng sẽ chẳng thể thể hiện được những màn trình diễn của mình. Chuyển đổi số sẽ đưa chúng ta đến một “chân trời mới” trong về hình thái tổ chức xã hội mới – nền tảng. Cả tổng thể xã hội sẽ là một nền tảng được cấu phần bởi các nền tảng và chúng có một tính chất nền tảng – ngang hàng, đồng tâm, phức hợp. Chuyển đổi số không còn là một cuộc cạnh tranh sống còn (lose-win), hay một cạnh tranh cùng thắng (win-win), mà sẽ là một cuộc tranh hợp (co-opetition). Không hiểu được những nguyên lý bản chất của tổ chức theo nền tảng, không nắm được tính chất nền tảng để “nhúng” mình trong đó một cách hiệu quả, Chuyển đổi số sẽ không đưa chúng ta lên những bậc thang phát triển mới, mà sẽ có nguy cơ trở thành một cách thức nhanh nhất tạo nên sự đổ vỡ hay sụp đổ, thất bại của tổ chức/doanh nghiệp. Ngôn từ nền tảng này hiện nay cũng được nói đến rất nhiều, nhưng thực sự nền tảng là gì cũng vẫn là một sự mơ hồ, trừu tượng. Chúng ta có thể hình dung một cấu trúc đạc tam của nền tảng là: chung vận mệnh, chung đường hướng lợi ích, chung giao thức.

Câu chuyện về Chuyển đổi số như một phong trào không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà còn là vấn đề chung của thế giới, mọi thứ vẫn còn đang trong một “thủa hồng hoang”, và kẻ nào nhanh chóng định hình cuộc chơi nhất – định hình giao thức/định chuẩn – kẻ đó sẽ quyết định cuộc chơi của toàn cầu. Nhưng mỗi quốc gia, do vậy, cũng có có cơ hội để định hình một “nền tảng riêng” cho mình, bởi đây là một cuộc chơi tranh hợp (co-opetition).

Vài dòng về tác giả:

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch CSCI Group, là một nhà chiến lược, nhà tư vấn - đào tạo về chiến lược và quản trị chiến lược Chuyển đổi số, Truyền thông số và Tái tổ chức/tái cấu trúc/tái định hình các doanh nghiệp/tổ chức.