Theo khảo sát của Trường MIT Sloan Management cộng tác với nhóm nghiên cứu của hãng tư vấn Deloitte với 4800 lãnh đạo các doanh nghiệp tổ chức đại diện cho 27 ngành công nghiệp trên 129 quốc gia toàn thế giới, các công ty có sự trưởng thành về kỹ thuật số (maturing digital businesses) tập trung vào chiến lược tích hợp các công nghệ như mạng xã hội (social), di động (mobile), phân tích (analytics) và điện toán đám mây (cloud computing) - nhóm công nghệ viết tắt SMAC trong khi các công ty thiếu sự trưởng thành về kỹ thuật số lại tập trung vào các ứng dụng nhỏ lẻ, giải quyết bài toán riêng lẻ bằng các ứng dụng thiếu sự phối hợp với các ứng dụng khác.
Một hiện tượng biến đổi (Transformation Phenomena) dựa trên công nghệ số (Digital Technology) xảy ra trên 3 cấp độ: 1. Số hóa (Digitization), 2. Ứng dụng số (Digitalization) và 3. Chuyển đổi số (Digital Transformation). Rất nhiều công ty mới chỉ thực hiện được cấp độ 1, đang chuyển sang cấp độ 2 và rất ít công ty đạt đươc cấp độ 3.
Mức độ trưởng thành số (digital maturity) gắn liền việc có một chiến lược số hóa (digital strategy) một cách phù hợp. 80% các công ty trưởng thành về mặt số hóa có một chiến lược chuyển đổi số (CĐS) rõ ràng và theo định hướng chiến lược của công ty. Mặt khác các công ty thiếu trưởng thành về kỹ thuật số tập trung vào cải thiện, tối ưu vận hành trong khi các công tytrưởng thành về kỹ thuật số xem trọng việc thay đổi mô hình kinh doanh.
Những rào cản cho quá trình trưởng thành về mặt CĐS ở từng giai đoạn là khác nhau (bảng 1). Với giai đoạn bắt đầu, rào cản lớn nhất là thiếu một chiến lược CĐS phù hợp trong khi giai đoạn phát triển và trưởng thành, các công ty phải đối mặt với quá nhiều các ưu tiên và yêu cầu từ khách hàng, cổ đông, nhân viên. Mặt khác, vấn đề về an ninh và bảo mật cũng là một thách thức lớn với những công ty trưởng thành về CĐS.
Rào cản trong các giai đoạn trưởng thành kỹ thuật số |
Khi phát triển một chiến lược kỹ thuật số, cách tiếp cận truyền thống thường được thực hiện, nghĩa là khảo sát hiện trạng rồi mới suy nghĩ về tương lai. Nhưng Benn Konsynski - giáo sư Hệ thống Thông tin & Quản lý Vận hành của Trường Kinh doanh Goizueta - Đại học Emory, đề xuất rằng thay vì phân tích các khả năng hiện tại rồi vạch ra các bước tiếp theo của tổ chức, các tổ chức nên hoạt động ngược lại đi từ tầm nhìn từ tương lai về thực tại.
Konsynski nhận xét: “Mười năm trước, chúng ta sẽ không dự đoán được một số bước nhảy cách mạng trong xã hội hoặc phân tích bằng cách xem xét những công nghệ này như chúng tồn tại vào thời điểm đó. Tôi thà bắt đầu bằng cách suy nghĩ lại về kinh doanh và thương mại và sau đó làm theo hướng ngược lại (từ tương lai về hiện tại). Các khả năng mới làm cho các giải pháp mới trở nên khả thi, và các giải pháp cần thiết sẽ kích thích nhu cầu về các khả năng mới ”.
Các công ty trưởng thành cũng khát khao và tìm kiếm những tài năng kỹ thuật số (digital skills), theo như 75% những lãnh đạo được khảo sát trong nghiên cứu này. Kỹ năng thích ứng nhanh với sự thay đổi cũng được đánh giá là một khả năng quan trọng. Perry Hewitt, giám đốc kỹ thuật số tại Đại học Harvard, cho rằng sự linh hoạt (agility) quan trọng hơn kỹ năng công nghệ. Giáo sư Konsynski của Emory đồng tình: “Thế kỷ 21 chú trọng về sự linh hoạt, tự điều chỉnh, thích ứng và tạo ra những cơ hội mới”. 80% người lao động trong Báo cáo cũng cho biết muốn làm việc với những công ty và nhà lãnh đạo có kỹ năng số dẫn đầu.
Ngoài ra, văn hóa là đòn bẩy cho CĐS là một dấu hiệu nhận biết các công ty đang trưởng thành. Các công ty này có xu hướng khuyến khích chấp nhận rủi ro, thúc đẩy đổi mới và hợp tác trong môi trường làm việc. Mohamed-Hédi Charki, giáo sư tại Trường Kinh doanh EDHEC (Pháp), trong nghiên cứu “Văn hóa cần thiết để hỗ trợ sự hợp tác và sáng tạo” về tác động của mạng xã hội trong doanh nghiệp tại một công ty mỹ phẩm châu Âu nhận xét: “Trong thế giới phức tạp và thay đổi nhanh chóng này, nếu một công ty coi sự đổi mới là một thứ gì đó chỉ là giá trị gia tăng, sẽ bị gạt ra ngoài lề trong những năm tới.” Như vậy văn hóa là một động lực trong chuyển đổi số.
Các ngành sinh ra từ công nghệ dẫn đầu danh sách các ngành trưởng thành về mặt CĐS như CNTT, viễn thông và truyền thông & giải trí. Những công ty nằm ở top dưới về mặt CĐS là bất động sản, lĩnh vực công và sản xuất
Mức độ trưởng thành số của các công ty theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh |
Tuy nhiên, các công ty trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề đều có những điểm mạnh cần xây dựng cũng như những điểm yếu cần giải quyết.
Trong Báo cáo, nhóm nghiên cứu MIT Sloan Management và Deloitte đã thận trọng gọi các công ty là “trưởng thành về mặt kỹ thuật số” (“digitally maturing”) thay vì “đã trưởng thành” (“already mature.”). CĐS trong doang nghiệp là một hiện tượng mới, và chưa có công ty nào đạt đến trạng thái kết thúc cũng như xác định rõ ràng về nó và theo một số quan điểm CĐS là trạng thái liên tục, không có điểm cuối, nhằm thích nghi với những thay đổi về công nghệ nhanh chóng. Nhưng các đường nét đang trở nên rõ ràng hơn, cũng như các thông lệ nhằm đưa các công ty tiến lên trong hành trình CĐS.
Trong các cuộc phỏng vấn của nhóm nghiên cứu, họ đã đi sâu vào những vần đề mà các giám đốc điều hành và các nhà lãnh đạo nhận thức trong khoảng thời gian tương lai từ 3 đến 5 năm phát triển của doanh nghiệp. Những khó khăn, rào cản của từng giai đoạn trưởng thành về CĐS được mô tả dưới bảng 2 sau đây (các con số sau dấu phần trăm (%) là tỷ lệ các doanh nghiệp được khảo sát đánh giá về tiêu chí được nêu ra):