Mặc dù Larry Page vẫn là CEO "tổng" của Google khi ông này chuyển sang điều hành công ty mẹ Alphabet, nhưng Pichai vẫn là một nhân tố quan trọng không thể thiếu, là người đảm bảo cho sự thành công củaGoogle từ mặt nhân sự, quan hệ ngoại giao với các doanh nghiệp, cho đến dòng tiền chảy về túi họ.
Vậy Pichai là ai, và làm cách nào ông có thể đạt mức thứ hạng cao nhất trong lịch sử của một công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới. Dưới đây là câu chuyện về cuộc đời của ông.
Sundar Pichai sinh ra và lớn lên tại thành phố Chennai, thuộc bang Tamil Nadu, Ấn Độ trong một gia đình 4 người. Cha của ông là một kỹ sư điện tử, mẹ là nhà tốc ký cho một tờ báo, và Pichai có một người em trai. Gia đình ông lúc bấy giờ không mấy khá giả, và Pichai cùng người em của mình phải ngủ với nhau tại phòng khách của một căn hộ 2 phòng.
Pichai sớm chứng tỏ những năng khiếu đặc biệt kể từ thời còn đi học, bắt đầu từ việc ông ghi nhớ tất cả những con số xung quanh mình. Gia đình của Pichai phát hiện ra khả năng này khi thấy cậu bé có thể ghi nhớ tất cả những liên lạc từng gọi qua chiếc điện thoại quay số, bao gồm cả bạn bè, gia đình, và các đối tác làm ăn của cha mẹ. Sau này, Pichai vẫn thường khiến người ta phải bất ngờ về trí nhớ thiên bẩm của mình trong các cuộc gặp gỡ với bạn bè, bạn học cũ.
Ông sớm tỏ ra thích thú với máy vi tính và nghề lập trình. Phần mềm đầu tiên được Pichai viết thành công là trò chơi cờ vua. Sau đó, Pichai theo đuổi ngành kỹ sư cơ khí tại Viện Công nghệ Ấn Độ Kharagpur, và nhanh chóng giành được một suất học bổng tại Stanford, Hoa Kỳ bởi năng lực có thừa của mình.
Chuyển tới California là một bước tiến lớn trong cuộc đời của Sundar Pichai, nhất là đối với một người yêu công nghệ, và từng mơ ước được lớn lên tại thung lũng Silicon. Được biết từ thời còn tấm bé, Pichai đã được chú ruột của mình kể về cuộc sống tại Mỹ, và cậu bé ngày ấy vẫn luôn ấp ủ ước mơ được một lần đến với vùng đất công nghệ phát triển nhất trên thế giới.
Khi đặt chân tới nước Mỹ, Pichai choáng ngợp trước một đất nước rộng lớn, xa hoa và đắt đỏ bậc nhất trên thế giới. Mọi thứ đối với ông đều quá đắt, và hoàn toàn vượt xa khả năng chi trả. Một chiếc túi xách đơn giản cũng có giá tới 60 đô (tương đương 1,3 triệu đồng). Tại nơi đất khách quê người, ông cũng thường xuyên phải đối mặt với nỗi nhớ hội bạn thân, và đặc biệt là người bạn gái vẫn còn tại Ấn Độ có tên là Anjali. Hai người sau này đã thực sự thành vợ chống và có hai con: một trai, một gái.
Sau khi nhận được bằng MS tại trường Đại học Stanford, Pichai tiếp tục với trường Đại học Wharton School cho văn bằng MBA. Trước khi ứng cử vào Google, ông đã từng làm việc tại nhiều công ty nhỏ, điển hình là Applied Materials, và công ty tư vấn McKinsey & Co.
Buổi phỏng vấn của Pichai khi ứng cử vào Google diễn ra vào ngày 1/4/2004, cùng thời điểm với sự kiện công ty ra mắt dịch vụ thư điện tử Gmail. Mọi người khi ấy, bao gồm cả Pichai, đều cho rằng việc cho ra mắt dịch vụ thư điện tử miễn phí của Google là một trò đùa "ngày Cá tháng Tư". Thế nhưng đây rốt cuộc lại là một trong những dịch vụ lớn nhất và thành công bậc nhất của Google, khi từng bước đánh bật Yahoo Mail ra khỏi lĩnh vực sở trường của họ.
Sau khi chính thức làm việc tại Google, Pichai nhanh chóng chứng tỏ được năng lực của mình, và được giao cho nhiệm vụ cùng thanh tìm kiếm Toolbar của Google. Cho đến năm 2006, Google tưởng như đã đến "Ngày tận thế" khi Microsoft quyết định đưa Bing làm công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Internet Explorer (IE lúc này vẫn là trình duyệt web phổ biển nhất). Pichai sau đó đã nỗ lực thuyết phục một vài nhà cung cấp máy tính cài đặt phần mềm Toolbar của Google để giảm thiểu những tổn thất phát sinh.
Tuy nhiên, khó khăn này đã dẫn đường cho Pichai sớm đạt được thành tựu lớn đầu tiên của ông tại Google, khi đã thuyết phục được hai nhà đồng sáng lập là Larry page và Sergey Brin rằng Google cần xây dựng một trình duyệt của riêng mình. Kết quả là giờ đây, Chrome là trình duyệt web phổ biến và được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Sau khi Pichai trở thành nhà lãnh đạo bộ phận của Google, ông nhanh chóng chứng tỏ được những phẩm chất siêu việt của mình, và nổi tiếng với cách đánh giá chất lượng công việc tập trung vào kết quả, thay vì quá trình thực hiện chúng. Một trong những cột mốc đáng chú ý của Pichai trong lĩnh vực di động đó là dòng sản phẩm Android One giá rẻ, tạo cơ hội cho hơn 5 tỷ người kết nối Internet.
Một trong những bước ngoặt lớn nhất của Pichai diễn ra vào năm 2014, khi ông là người có công lớn nhất giúp cho Google mua lại Nest với giá 3,2 tỷ USD. Được biết, Nest áp dụng công nghệ phức tạp để giải quyết những vấn đề thường nhật mà nhiều người hay gặp phải. Đây cũng chính là điều CEO Larry Page muốn ở Google: dùng công nghệ phức tạp để cho ra giải pháp giản đơn nhằm giải quyết vấn đề phức tạp mà số đông gặp phải.
Pichai chính là người đứng sau các dự án cùng nền tảng hệ điều hành Chrome OS, cũng là tiền đề cho dòng sản phẩm laptop Chromebook của Google. Ông cũng chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối với Google, sau nhiều lần được tiếp cận bởi các công ty công nghệ danh tiếng khác như Twitter cùng mức thu nhập, và thứ hạng cao hơn.
Những thành công trong lĩnh vực sở trường của mình như Chrome, Chrome OS, phần mềm, ứng dụng di dộng Android giúp Pichai nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối của Larry Page. Ông được Page giao cho quản lý hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của công ty như tìm kiếm, bản đồ, Google+, thương mại, quảng cáo, và thậm chí là cả cơ sở hạ tầng, môi trường làm việc của nhân viên. Việc Pichai trở thành một Larry Page thứ hai đã không nằm ngoài phỏng đoán của nhiều người, khi ông này nhường vị trí CEO Google và lên tiếp quản tập đoàn mẹ Alphabet.
Là người nổi tiếng bởi sự kỷ luật và tài năng thiên bẩm, nhưng Sundar Pichai rất bình dị trong cuộc sống thường nhật. Ông ít khi mua sắm những thứ đắt tiền, hay tham gia tiệc tùng cùng bạn bè. Pichai rất thích môn bóng chày, và Flappy Bird. Đây là lý do khiến ông rất thích thú khi được ngồi trà chanh vỉa hè tại Hà Nội và trò chuyện cùng Nguyễn Hà Đông - cha đẻ của tựa game này trong buổi gặp gỡ cộng đồng startup ngày 22/12 vừa qua.
Vị CEO quyền lực của Google cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT. Ông nhận xét rằng: "Đây là một nơi tuyệt vời có thể sản sinh ra thế hệ lập trình viên tài năng tiếp theo". CEO Google cũng cho biết sẽ còn tới Việt Nam nhiều lần nữa để tìm hiểu cộng đồng công nghệ trong nước và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Theo Tiền Phong