Khá lâu rồi mới có dịp gặp lại, cảm nhận đầu tiên của tôi là vốn tiếng Việt của ông Phạm Thái Lai đã phong phú hơn rất nhiều so với khi mới nhậm chức CEO Siemens Việt Nam cách đây hơn 3 năm. Điều này cũng khá dễ hiểu, bởi dù có tuổi thơ gắn bó với Việt Nam, song ông có gần 30 năm sinh sống và học tập ở nước ngoài.
Phạm Thái Lai CEO Siemens Việt Nam: Muốn đóng góp cho sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam |
Trò chuyện với tôi, CEO người Việt đầu tiên của Siemens Việt Nam bảo rằng, cái được lớn nhất trong sự nghiệp của ông chính là sớm chọn Tập đoàn Siemens (Đức) làm “bến đỗ”, bởi ở đó ông được đầu tư và đào tạo cơ bản. Ngoài theo đuổi việc học hành để lấy bằng tiến sỹ về kỹ thuật điện, Tập đoàn đã đưa ông đi làm việc ở nước ngoài (tại Hoa Kỳ) và được luân chuyển qua một số bộ phận kinh doanh chủ chốt, đồng thời giữ các vị trí quan trọng, nhờ vậy có được sự hiểu biết sâu sắc và đa dạng về nhiều lĩnh vực trước khi chính thức được bổ nhiệm tại Việt Nam vào năm 2012.
Trước đó, từ năm 1997, ông đã được tham gia chương trình đào tạo người kế nghiệp tại Siemens và được lựa chọn và bồi dưỡng để trở thành CEO của Siemens Việt Nam.
“Liên tiếp trong 2 năm vừa qua, chúng tôi đều đạt và vượt các chỉ tiêu kinh doanh, nhờ vậy tiếp tục giữ vững vị trí là một trong các công ty đa quốc gia thành công nhất tại Việt Nam”, ông Lai ngắn gọn như vậy về kết quả hoạt động của Công ty và nhấn mạnh rằng, thành công này là của cả tập thể gần 300 nhân viên của Siemens Việt Nam.
Dù kiệm lời về bản thân, nhưng vị CEO của Siemens Việt Nam rất say sưa nói về các cơ hội giúp đất nước hội nhập, tăng trưởng nhanh và bền vững. “Cá nhân tôi luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như năng lượng, giao thông, công nghiệp, công nghệ tòa nhà và y tế, bởi đây cũng chính là những lĩnh vực nền tảng giúp Việt Nam không chỉ tăng trưởng nhanh, mà còn tăng trưởng bền vững và cũng là những lĩnh vực mà Siemens có thế mạnh”, vị CEO của Siemens Việt Nam khẳng định.
Được bổ nhiệm làm CEO của Microsoft Việt Nam từ năm 2012, song cựu sinh viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM Vũ Minh Trí lại là người có thâm niên tại nhiều tập đoàn đa quốc gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, không thể không nhắc tới những thành công với vai trò CEO ở các công ty về công nghệ, như Sony Ericsson, Yahoo! Việt Nam và Qualcomm.
Vũ Minh Trí CEO Microsoft Việt Nam: Sẵn sàng hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam |
“Điểm nổi bật của tôi là sự quyết đoán, tầm nhìn chiến lược, kèm đam mê và hoài bão lớn về sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Có thể đây chính là lý do mà các hãng công nghệ và Microsoft đã lựa chọn tôi vào vị trí CEO đầy cạnh tranh và thách thức này”, ông Vũ Minh Trí chia sẻ và cho biết, thành công lớn nhất của cá nhân ông ở cương vị CEO Microsoft Việt Nam chính là đã kết nối để Microsoft đầu tư nhiều hơn nữa và đầu tư chiến lược vào thị trường Việt Nam, đồng thời đưa các công nghệ dẫn đầu của Microsoft về triển khai thành công, góp phần xây dựng một ngành công nghệ thông tin Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
CEO Vũ Minh Trí khẳng định, là một tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới và gắn bó với thị trường Việt Nam hơn 20 năm qua, Microsoft đã, đang và tiếp tục vai trò là nhà tư vấn tin cậy, đồng hành với Chính phủ, các cơ quan, ban ngành, chia sẻ những lợi ích của công nghệ mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng, khai thác để hội nhập, phát triển, từ đó có thể bứt phá năng lực cạnh tranh.
Về những cam kết cụ thể đối với việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, CEO của Microsoft cho biết, trong khuôn khổ chương trình Microsoft YouthSpark, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các nguồn lực công nghệ, phát triển được các kỹ năng mới và khám phá những cơ hội nghề nghiệp mới.
Ngoài những khóa học trực tiếp kèm các cơ hội thực tập và có được học bổng, để trang bị các kỹ năng từ cơ bản về công nghệ số cho đến lập trình và khoa học máy tính, các chương trình đào tạo còn có các cổng thông tin điện tử giúp học viên tiếp cận tài nguyên số và những chương trình đào tạo trực tuyến. Dự kiến, những tài nguyên số này sẽ phục vụ hàng triệu thanh thiếu niên Việt Nam trong hành trình tiếp cận công nghệ thông tin và chuyển đổi tương lai theo hướng tích cực nhất.
Là một tập đoàn đa quốc gia có hơn 120 năm kinh nghiệm trong sản xuất thép, thép mạ màu và có hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhưng cách đây 4 năm, lần đầu tiên BlueScope (Australia) mới bổ nhiệm một CEO là người Việt, đó là ông Võ Minh Nhựt.
Võ Minh Nhựt CEO NS BlueScope Việt Nam: Góp sức cho doanh nghiệp Việt hội nhập thành công |
“Hơn 20 năm gắn bó với BlueScope cũng là từng ấy thời gian tôi làm việc hết mình, đam mê với công việc, chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc trở thành Tổng giám đốc”, ông Nhựt nói khi được hỏi về lý do được lựa chọn làm CEO của NS BlueScope Việt Nam.
Võ Minh Nhựt chính là một tấm gương về sự tự học, tự trui rèn qua công việc để lập nghiệp và trưởng thành bằng năng lực của mình. Ông cũng nhiều lần nói vui, ông sinh ra không phải là để được đào tạo cơ bản, kể cả khi học xong khóa cao học cũng chỉ được cấp… giấy chứng nhận nhưng hành trang lớn nhất chính là quá trình tự học. Trở thành người của BlueScope, kinh qua rất nhiều công việc, đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại hai nhà máy lớn của Tập đoàn tại Việt Nam cũng là quá trình ông tiếp tục tự trui rèn và trưởng thành qua công việc.
Kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty trong 4 năm qua là hết sức ấn tượng: tăng trưởng sản xuất bình quân 15% và doanh thu tăng trưởng bình quân 60%... Không chỉ là những con số, thành công của NS BlueScope Việt Nam trong những năm qua còn là việc trở thành nơi nghiên cứu và đề xuất ứng dụng công nghệ phản xạ nhiệt Thermatech® cho sản phẩm thép mạ màu Clean Colorbond®, và sau đó được Tập đoàn ứng dụng cho nhiều thị trường khác…
Thành quả là không nhỏ, nhưng vị CEO của NS BlueScope Việt Nam khẳng định, thành tích ấy là của cả tập thể và việc lớn nhất của ông chỉ là liên kết các cá nhân để cùng hướng tới sự phát triển chung của Công ty.
Trò chuyện với tôi vào thời điểm năm mới đã gõ cửa, ông Võ Minh Nhựt cho biết, vẫn còn những trăn trở làm sao để hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng, đối tác và cộng đồng.
“Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập, phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực dệt may”, ông Nhựt nhìn nhận và cho biết, NS BlueScope đang tích cực phối hợp với các đối tác để nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm tấm lợp phù hợp nhất với môi trường có tính ăn mòn cao do hơi axit tại các nhà máy dệt, nhuộm, da giày… Đồng thời, sẽ đưa ra giải pháp trọn gói về vật liệu đáp ứng tiêu chí công trình xanh, giúp các nhà máy đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các nước là thành viên TPP. Theo ông Nhựt, giải pháp trọn gói này có thể được đưa ra sớm nhất là giữa năm 2016.
So với nhiều CEO khác, ông Võ Quang Huệ là CEO có “thâm niên” tại Việt Nam, khi năm 2006, Tập đoàn Bosch (Đức) tìm kiếm một người lãnh đạo có kinh nghiệm quản lý trong công ty đa quốc gia, đồng thời am hiểu văn hóa địa phương.
Võ Quang Huệ CEO Bosch Việt Nam: Trăn trở nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam |
“Tôi nhận được lời mời của Bosch khi họ cần một người xây dựng công ty tại Việt Nam và tôi đồng ý trở về quê hương”, CEO Võ Quang Huệ nói ngắn gọn như vậy khi tôi hỏi về cơ duyên ông được Bosch chọn ngồi “ghế nóng”.
Rất chân tình, ông Võ Quang Huệ cho biết, ông rất vui khi đã góp phần xây dựng nguồn nhân lực và ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam. Bosch hiện đã trở thành công ty có đầu tư lớn nhất từ châu Âu, trên cả 3 lĩnh vực: sản xuất, nghiên cứu - phát triển và thương mại. Hiện có gần 1.000 kỹ sư làm việc tại hai trung tâm nghiên cứu - phát triển của Bosch tại TP.HCM. Họ đang nghiên cứu, phát minh hoặc cải tiến các giải pháp công nghệ cho nhiều ngành công nghiệp, theo đúng phương châm “sáng tạo vì cuộc sống” của Tập đoàn.
“Điều tôi trăn trở là làm sao để giáo dục Việt ngày càng chất lượng hơn, người lao động Việt được nâng cao năng lực và sức cạnh tranh để hội nhập quốc tế và nền công nghiệp nước nhà ngày càng phát triển. Tôi mong muốn nhiều người đồng hành với mình, nhất là những người trẻ. Càng có nhiều người chung tay, sức mạnh sẽ càng lan tỏa, tôi tin như vậy”, ông Huệ tâm sự và cho biết, Bosch đã bắt đầu phát triển quan hệ hợp tác về đào tạo, tuyển dụng và nghiên cứu với nhiều trường đại học tại Việt Nam.
Vị CEO của Bosch Việt Nam cũng cho rằng, hoạt động nghiên cứu - phát triển cần trở thành mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp Việt Nam. Phải liên tục nghiên cứu, đổi mới để phát triển thì doanh nghiệp Việt mới có thể nâng cao sức cạnh tranh của mình và của các sản phẩm “made in Vietnam”. Do đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các trường đại học trong lĩnh vực này. Để tạo cầu nối cho doanh nghiệp và trường đại học, cần có vai trò của Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành thông qua những chính sách và quy định linh hoạt. Đó cũng là mong muốn từ phía Bosch để có thể đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu - phát triển tại Việt Nam.
Theo Đầu Tư