Chấn thương vùng háng do tai nạn sinh hoạt
Trao đổi với PV VietTimes, BS. Nguyễn Thanh Sơn – Khoa Ngoại Thần kinh – Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị - cho biết, bệnh nhân nam, 91 tuổi nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng háng, không đi lại được do ngã trong khi sinh hoạt tại gia đình.
Sau khi thăm khám, làm xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị gẫy liên mấu chuyển xương đùi trái. Theo BS. Sơn, khi bệnh nhân bị gẫy liên mấu chuyển xương đùi, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với sốc chấn thương, mất máu, đau nhiều. Không chỉ vậy, khi không đi lại được phải nằm nhiều, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị viêm phổi, loét vùng tỳ đè.
Mặc dù đã được các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh – Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị giải thích về tình trạng của bệnh nhân phải mổ cấp cứu thay khớp háng trái nhưng gia đình đã không đồng ý cho bệnh nhân mổ vì cụ ông tuổi đã cao, sức khỏe yếu.
Tuy nhiên, khoảng 3 ngày sau, do bệnh nhân không thể đi lại, đau nhiều, gia đình lo lắng nên đưa cụ ông đến bệnh viện để điều trị. Được sự quan tâm chăm sóc và khích lệ của các bác sĩ, bệnh nhân và gia đình đã đồng ý mổ thay khớp háng trái.
Với đội ngũ bác sỹ chuyên nghiệp mổ thay khớp háng cho những bệnh nhân cao tuổi (thậm chí có bệnh nhân trên 100 tuổi) cùng sự tham gia về gây mê hồi sức của GS. Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức việt Nam, nên người bệnh cùng gia đình rất yên tâm khi quyết định phẫu thuật.
Do bệnh nhân tuổi cao nên các bác sĩ đã thăm khám kĩ cho bệnh nhân, tiến hành hội chẩn các chuyên khoa gồm Khoa Tim mạch, Hô hấp, Gây mê Hồi sức để đánh giá tình trạng sức khỏe người bệnh, chuẩn bị phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.
3 ngày sau mổ, bệnh nhân đã có thể tập vận động và đi lại bình thường mặc dù trước đó không thể đi lại được. Hiện, bệnh nhân đang được bác sĩ thăm khám hàng ngày, chăm sóc vết mổ và tập phục hồi chức năng.
BS. Nguyễn Thanh Sơn kiểm tra tình trạng của bệnh nhân sau mổ (Ảnh: Minh Thúy)
|
Để chủ động bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, BS. Sơn khuyến cáo: Do chất lượng xương kém nên người già rất dễ bị loãng xương, thoái hóa xương, cấu trúc của xương giòn, dễ gãy. Nếu vận động nặng, sai tư thế hoặc ngã trong sinh hoạt hàng ngày có thể dẫn đến chấn thương gãy xương.
Ngay khi phát hiện bệnh nhân bị gãy xương, gia đình cần đưa người bệnh tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Trong cuộc sống thường ngày, người cao tuổi không nên vận động quá mạnh, chủ động phòng, tránh các tai nạn trượt ngã,…
Phương pháp thay khớp háng được sử dụng trong những trường hợp nào?
Theo BS. Trần Cửu Long Giang – Trưởng Khoa Ngoại thần kinh – Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Hữu Nghị - phương pháp thay khớp háng nhân tạo được sử dụng với những bệnh nhân cao tuổi bị gẫy cổ xương đùi và liên mấu chuyển, thoái hóa khớp háng năng, biến dạng khớp háng do bệnh lý cũ như lao, viêm cột sống dính khớp,…
Ngoài ra, với những bệnh nhân là người cao tuổi không may bị chấn thương khớp, phẫu thuật thay khớp háng bán phần giúp bệnh nhân ngồi dậy được ngay sau 6 tiếng sau mổ. Nếu sức khỏe cho phép bệnh nhân có thể đi lại được bình thường. Thời gian phẫu thuật rất nhanh chóng chỉ 40-45 phút với đường rạch da dài 8cm. Trong và sau mổ người bệnh hầu như không bị mất máu. Trong quá trình mổ, bệnh nhân được gây tê tủy sống và hoàn toàn tỉnh táo trong suốt cuộc mổ. Sau mổ khoảng 3 ngày, bệnh nhân không phải chịu nhiều đau đớn.
BS. Giang cho hay, với phương pháp phẫu thuật thay khớp háng bán phần, người bệnh tránh được hầu hết những nguy cơ do không mổ đem lại như: khó săn sóc, xoay trở người bệnh trên giường, loét do tì đè ở cùng cụt và các đầu xương, viêm phổi do nằm lâu,…
Với những trường hợp tuổi cao không may bị ngã gãy xương, BS. Giang cũng khuyến cáo gia đình nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm để chụp X-quang nhằm phát hiện dấu hiệu gãy xương để chữa trị để phục hồi kịp thời cho người bệnh, không nên tự ý điều trị tại nhà hoặc bó lá có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, khó lường.