Đại dịch COVID-19 trở thành nỗi ám ảnh cho nền kinh tế của các quốc gia, nhiều ngành phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, một số doanh nghiệp khác lại có cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhu cầu làm việc từ xa càng lớn hơn.
Do đó, việc định hướng nghề nghiệp cho con cái, đặc biệt là thế hệ sinh trong thời kỳ bùng nổ Internet và cách mạng công nghệ (sinh từ 1997-2000, thế hệ Z) là không dễ dàng đối với các bậc cha mẹ.
Trên tờ Khám phá, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Tổng Giám đốc - Nhân sự & Truyền thông Total Việt Nam, cho biết trong lai thế hệ Z không chỉ phải cạnh tranh với thế hệ Y (những người sinh năm 1981 – 1996), mà còn có thể phải cạnh tranh với robot. Dưới đây là 3 nhóm ngành công nghệ sẽ thành xu hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Nhóm ngành Kinh doanh kỹ thuật số - Thương mại điện tử
Giao dịch qua thương mại điện tử đã tăng gấp đôi trong vòng năm năm qua. Sau đại dịch có thể nhóm ngành này sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với bán lẻ truyền thống, trở thành tương lai của bán lẻ hiện đại.
Tuy nhiên, hiện nguồn cung nhân lực cho mảng thương mại điện tử còn khan hiếm. Giáo sư Mathews Nkhoma - Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị ĐH RMIT Việt Nam, cho biết dịch bệnh đưa mọi hàng hóa vốn chỉ bán trực tiếp ở cửa hàng lên sàn trực tuyến, đẩy mô hình kinh doanh truyền thống dịch chuyển sang trực tuyến. Theo báo cáo mới đây của Savills, thương mại điện tử đang tấn công mạnh mẽ vào bán lẻ truyền thống với 28% các nhà bán lẻ kết hợp cả hai kênh để tăng doanh số.
Sinh viên một trường ĐH đang học tại TP HCM đang trao đổi với giảng viên. Ảnh: Khám phá |
Thông thạo ngoại ngữ và hiểu biết công nghệ là tiêu chuẩn của nhóm ngành này, thể hiện khả năng thích nghi của người trẻ với những thay đổi trong cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này sẽ đưa mảng kinh doanh kỹ thuật số trở thành một trong những ngành siêu nổi trong tương lai gần.
Đồng thời, theo giáo sư Nkhoma, các chuyên gia và lãnh đạo phải hiểu biết về xu hướng công nghệ, cũng như phải có những kỹ năng thiết yếu để đương đầu với thách thức không ngừng diễn ra.
Nhóm ngành sáng tạo nội dung trên nền tảng số
Báo cáo kỹ thuật số Digital 2019 của We Are Social & Hootsuite (những doanh nghiệp hàng đầu về sáng tạo và quản lý mạng xã hội) cho thấy 97% người Việt đang sử dụng điện thoại di động, 72% có điện thoại thông minh, 43% có máy tính và 13% có máy tính bảng. Thói quen giải trí, xem video và mua sắm trực tuyến khiến nhu cầu nhân lực nhóm ngành sáng tạo nội dung trên nền tảng số tăng cao.
Đồng thời, suốt thời dịch COVID-19, phần lớn các hoạt động học tập, làm việc, vui chơi giải trí, kinh doanh sang nền tảng trực tuyến. Điều này cho thấy nhóm này ngành ít bị ảnh hưởng nặng nề khi người trong ngành vẫn có thể làm việc từ xa hoặc làm việc độc lập mà duy trì được hiệu quả công việc.
Nhóm ngành này không chỉ an toàn trước đại dịch mà còn được nhận định là rất an toàn trước làn sóng mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0.
Nhóm ngành Công nghệ
Thông tin từ tờ tạp chí Forbes, trong bối cảnh nhiều nghề phải cắt giảm nhân sự thì doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân sự. Nhóm ngành này luôn là một trong những ngành có nhu cầu nhân lực.
Báo cáo của doanh nghiệp chuyên về tuyển dụng TopDev cho thấy ngành công nghệ thông tin ít có nguy cơ dư thừa nhân sự so với nhiều ngành nghề khác. Ông Eric Asato - Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, chia sẻ giới trẻ ngày nay đam mê công nghệ. Đồng thời, phụ huynh cũng mong muốn con cái theo đuổi ngành này song lại lo ngại rằng công nghệ thay đổi chóng mặt hằng ngày trong khi giáo trình giảng dạy lại nhanh bị lỗi thời.