Tiếp cận công nghệ tăng cơ hội việc làm cho lao động di cư trong bối cảnh COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong đại dịch, hầu hết lĩnh vực đều có xu hướng chuyển sang môi trường số. Tuy nhiên, bộ phận lao động phổ thông, lao động di cư tại các đô thị lớn còn gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận việc làm qua không gian mạng.

Tiếp cận công nghệ tăng cơ hội việc làm cho lao động di cư trong bối cảnh COVID-19. Ảnh minh họa.
Tiếp cận công nghệ tăng cơ hội việc làm cho lao động di cư trong bối cảnh COVID-19. Ảnh minh họa.

Một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch

Trao đổi với VietTimes, bà Lê Kim Dung – Giám đốc Quốc gia của tổ chức CARE tại Việt Nam – cho biết: “Có thể nói, COVID-19 ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Với nhóm lao động phổ thông, phần lớn là lao động nữ, thách thức đang gánh chịu từ đại dịch còn rất nhiều, chưa kể những nguy cơ tiềm ẩn chưa hiện hữu. Qua khảo sát các nhóm di cư, lao động phi chính thức, chúng tôi nhận thấy đây là nhóm đối tượng tác động rất rõ, nhất là về thu nhập và xu hướng tiêu dùng. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, hình thái sinh hoạt thay đổi, thu nhập của nhóm này giảm khoảng 22-60%, theo khảo sát nhanh trên quy mô nhỏ”.

Theo đại diện tổ chức CARE Việt Nam, thực hành xã hội thay đổi sang môi trường số khiến lao động phổ thông gặp khó khăn hơn, nhất là những ngành nghề phi chính thức như bán hàng rong, giúp việc…, đòi hỏi người lao động phải linh hoạt hơn trong tìm kiếm cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, nhóm này hầu như không được tiếp cận với các gói an sinh xã hội, bảo hiểm hỗ trợ do dịch bệnh.

“Qua khảo sát nhanh, CARE thấy rằng nhóm lao động di cư cũng không đến được với các gói hỗ trợ nhanh của Chính phủ vì những vướng mắc về thủ tục giấy tờ như không có đăng ký cư trú, tạm trú - tạm vắng… Lúc này, họ buộc phải tự tìm kiếm cơ hội từ các tổ chức, mạng lưới việc làm hoặc quay về gia đình” – bà Dung cho hay.

Trong bối cảnh cả xã hội dần dịch chuyển sang môi trường số, Giám đốc CARE Việt Nam nhận định, tiếp cận công nghệ là điều tất yếu để nâng cao đời sống của lao động phổ thông di cư hiện đang sống tại các đô thị. Bà cho biết thêm, bước đầu tổ chức và các đối tác sẽ chuyển đổi số cho nhóm này thông qua hỗ trợ tiếp cận việc làm và các dịch vụ tài chính trực tuyến.

Bà Lê Kim Dung – Giám đốc Quốc gia của tổ chức CARE tại Việt Nam.

Bà Lê Kim Dung – Giám đốc Quốc gia của tổ chức CARE tại Việt Nam.

Khắc phục hạn chế công nghệ cho người lao động phổ thông

Trong cuộc trao đổi, Giám đốc CARE Việt Nam cũng đưa ra những thách thức về kỹ năng, thiết bị cũng như rào cản về ngôn ngữ, trình độ khi đưa công nghệ đến với nhóm lao động phổ thông, đặc biệt là lao động nữ. Trước tình hình đó, tổ chức và các đối tác tiến hành tiếp cận theo nhóm để tăng kết nối, xây dựng lộ trình đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ trước khi phổ biến các tiện ích cho người lao động.

“Nắm bắt những khó khăn đó, chúng tôi đã hợp tác thành lập sáng kiến mang tên U-ME Capital, hướng tới cải thiện đời sống cho lao động phổ thông, đặc biệt là phái nữ, có cơ hội tiếp cận việc làm và các gói dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu thông qua môi trường mạng. Đồng thời, dự án này hướng tới cải thiện cách nhìn của xã hội về vai trò của người phụ nữ, bình đẳng giới và việc làm tử tế. Trước mắt, dự án đang triển khai cho nhóm lao động nữ di cư làm giúp việc tại đô thị” - bà Dung chia sẻ.

Theo bà, sáng kiến giúp xã hội nhìn nhận đây là một nghề cần được tôn trọng, không chỉ về mặt thu nhập mà cần phải đảm bảo an toàn lao động. Đánh giá nghề giúp việc gia đình có rủi ro cao, liên quan đến bạo lực, quấy rối tình dục, dự án này giúp người lao động trang bị cách tự bảo vệ bản thân cũng như tìm hỗ trợ khi gặp sự cố.

Ngoài hỗ trợ tăng tiềm năng kinh tế cho lao động phổ thông, lao động di cư tại đô thị hay phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số, CARE Việt Nam còn kết nối với các đơn vị đối tác, tổ chức các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của xã hội qua các kênh online, offline. Từ đó, chuỗi hoạt động hướng đến mục tiêu thay đổi nhận thức về định kiến giới trong xã hội, phòng chống bạo lực giới.

Với cách làm việc đa phương, phối hợp của doanh nghiệp công nghệ, tổ chức tài chính – ngân hàng, sáng kiến U-ME Capital giúp các doanh nghiệp nhìn nhận rõ hơn về chính sách bình đẳng giới trong nội bộ cũng như với khách hàng. Dự kiến, U-ME Capital đặt mục tiêu mang lại lợi ích trực tiếp cho 31.500 lao động, cung cấp các dịch vụ giúp việc nhà cho khoảng 200.000 khách hàng tại 20 trung tâm đô thị ở Việt Nam.

Ứng dụng kết nối việc làm JupViec.vn là một hoạt động nằm trong khuôn khổ sáng kiến U-ME Capital, dưới sự hợp tác của tổ chức CARE Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ JupViec.vn. Đây là ứng dụng di động tích hợp nhằm giúp phụ nữ di cư tiếp cận các cơ hội việc làm và dịch vụ tài chính. Ứng dụng bao gồm các tùy chọn để thanh toán tiền lương hàng ngày, chuyển tiền, cho vay vi mô, tiết kiệm trực tuyến, thanh toán hóa đơn điện thoại di động và các tiện ích khác.