Bộ Y tế ban hành hướng dẫn truy vết COVID-19, yêu cầu “thần tốc và triệt để”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Mới đây, Bộ Y tế vừa ra quyết định về việc ban hành “Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính”, phổ biến đến các cơ quan, địa phương để thực hiện.

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn truy vết COVID-19 đến các cơ quan, địa phương.
Bộ Y tế ban hành hướng dẫn truy vết COVID-19 đến các cơ quan, địa phương.

Theo đó, Bộ yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Theo hướng dẫn, việc tiến hành truy vết phải diễn ra ngay khi có thông tin ca bệnh, xác định nhanh các “mốc dịch tễ” trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc. Các đơn vị liên quan cần áp dụng nhiều biện pháp truy vết để tránh bỏ sót, đồng thời đầu tư nguồn lực và thời gian để hoàn thành truy vết F1 trong thời gian sớm nhất.

Cụ thể, cách thức truy vết F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm 5 bước cơ bản. Thứ nhất, xác định “mốc dịch tễ” - nơi ca bệnh đã đi đến hoặc tham gia. Người chịu trách nhiệm điều tra là cán bộ điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh hoặc Trung tâm y tế (TTYT) cấp huyện cùng chính quyền địa phương và y tế cơ sở. Người điều tra thu thập thông tin về các “mốc dịch tễ” thông qua biểu mẫu đi kèm, ghi rõ tên/địa điểm/thời gian của các “mốc dịch tễ”.

Thứ hai, bộ phận điều tra thông báo các mốc dịch tễ cho bộ phận điều phổi truy vết qua phương tiện nhanh nhất. Bộ phận điều phối thông báo ngay cho chính quyền địa phương, hệ thống giám sát và y tế cơ sở nơi có các “mốc dịch tễ”, đồng thời điều động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương truy vết F1. Trong trường hợp một số “mốc dịch tễ” nằm ngoài địa bàn quản lý, bộ phận điều phối sẽ liên hệ và thông báo “mốc dịch tễ” cho các đơn vị liên quan để phối hợp điều tra truy vết.

Thứ ba, ban chỉ đạo tại địa phương tiến hành triển khai truy vết F1. Các biện pháp có thể sử dụng trong trường hợp này gồm hỏi người bệnh, truy vết tại cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống, truy vết tại các “mốc dịch tễ”, truy vết thông qua phương tiện thông tin đại chúng, truy vết thông qua ứng dụng Bluezone hoặc Viet Nam Health Declaration.

Thứ tư, các đơn vị phối hợp rà soát, hoàn thiện danh sách F1. Tất cả các đội truy vết từ địa phương gửi nhanh danh sách F1 về bộ phận điều phối theo nguyên tắc “truy vết được đến đâu gửi ngay danh sách đến đó”, liên tục cập nhật cho đến khi hoàn thành truy vết. Bộ phận điều phối sẽ tổng hợp ngay danh sách F1 lên hệ thống để sàng lọc thông tin trùng lặp. Danh sách F1 truy vết được thông báo cho chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp để tổ chức cách ly, xử lý theo quy định.

Thứ năm, Ban chỉ đạo phòng chống dịch và chính quyền địa phương tổ chức và bố trí phương tiện đưa người F1 đi cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, cơ quan y tế địa phương và chính quyền tiếp tục rà soát, sàng lọc để đảm bảo F1 được đưa đi cách ly chính xác, đúng đối tượng theo quy định chuyên môn.

Việc truy vết F2 thực hiện sau khi đã cơ bản hoàn thành truy vết F1. Các “mốc dịch tễ” và người tiếp xúc gần F1 cần được truy vết trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế, người tham gia truy vết khi thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch của Bộ Y tế, tránh lây nhiễm trong cộng đồng.