Bất chấp vấp phải hàng loạt trở ngại từ thị trường lao dốc cho đến các đợt thắt chặt quy định, quản lý toàn cầu và động thái dè chừng từ phía Mỹ, giới công nghệ Trung Quốc dường như vẫn sống ổn qua năm 2018. Tuy nhiên đến năm 2019, họ có thể đối mặt với thách thức lớn hơn: Nền kinh tế quốc nội hạ nhiệt.
Chuyện kinh tế Trung Quốc giảm tốc ảnh hưởng ít nhiều lên các công ty. Doanh nghiệp đã phải đối mặt với tình hình tín dụng chặt chẽ sẽ vướng nhiều khó khăn hơn, khi mà căng thẳng thương mại với Mỹ tác động lên hoạt động công nghiệp cùng tâm lý người tiêu dùng trong nước. Việc Apple giảm sốc triển vọng kinh doanh càng trầm trọng hóa nỗi lo rằng kinh tế Trung Quốc suy yếu nhanh hơn dự báo.
“Tâm lý không được tốt. Vẫn còn sự thiếu chắc chắn vĩ mô, khó khăn về quy định và tình hình cạnh tranh internet ở Trung Quốc. Các hãng phải đầu tư nhiều hơn để đứng vững trước tăng trưởng người dùng chậm lại. Giới doanh nghiệp ở Trung Quốc thường có định giá cao hơn ở Mỹ song giờ đây, định giá đã giảm và bình ổn. Đây là điểm cho thấy khó khăn mà internet Trung Quốc phải đối mặt”, nhà phân tích Jerry Liu ở ngân hàng UBS nhận định.
Số thương vụ vốn mạo hiểm ở Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2015. Ảnh: Bloomberg. |
Những yếu tố trên chuyển thành hậu quả thực sự với làng công nghệ Trung Quốc. Đơn cử, hoạt động gọi vốn, huyết mạch của ngành internet non trẻ, đang "èo uột" hơn. Các thỏa thuận đầu tư mạo hiểm đang thấp nhất từ năm 2015 còn quy mô tài trợ thì giảm đi.
Với các hãng có nhiều tiền hơn như Alibaba và Tencent, họ không còn khả năng dựa nhiều vào thị trường trong nước để tiếp tục tăng trưởng mạnh. Morgan Stanley ước tính doanh thu nhóm cổ phiếu internet Trung Quốc được nhà băng theo dõi tăng bình quân 29% trong năm 2019, lần đầu hạ xuống dưới mức 30% kể từ năm 2015.
Đầu năm 2018, Tencent và các hãng lớn Đại lục vẫn còn trên đường thực hiện giấc mơ đi lên như Thung lũng Silicon. Song đến nửa cuối năm ngoái, tình hình bắt đầu tệ hơn. Huawei có Giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu bị bắt, JD.com có tỉ phú sáng lập Richard Liu vướng rắc rối pháp lý tại Mỹ.
Bà Mạnh Vãn Chu, CFO Huawei. Ảnh: Bloomberg. |
Didi Chuxing đi từ chỗ gương mặt sáng giá để đánh bại Uber đến chỗ “kẻ thù” số một của người dân khi hai tài xế hãng này bị cáo buộc giết nữ hành khách. Xiaomi và Meituan Dianping, hai trong số các hãng công nghệ mới nổi hứa hẹn nhất, mất hàng tỉ USD giá trị thị trường từ ngày IPO.
Đặc biệt, Tencent, doanh nghiệp đi lên từ thời bùng nổ kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, mất hơn 200 tỉ USD giá trị thị trường sau khi bị giới quản lý nước nhà “ngó lơ”, không duyệt trò chơi mới. Cổ phiếu Tencent bị bán tháo mạnh nhất trong dàn cổ phiếu công nghệ châu Á một thập niên qua. Chỉ số MSCI Công nghệ thông tin châu Á - Thái Bình Dương hạ 21,2% năm 2018, mức giảm thường niên cao nhất từ suy thoái kinh tế 2008.
Nhà sáng lập Alibaba Jack Ma. Ảnh: Bloomberg. |
“Năm 2018 đánh dấu sự khởi đầu của bước chuyển tiếp khác với các hãng internet Trung Quốc, khi bối cảnh vĩ mô khó khăn hơn dự kiến khiến doanh số giảm đi. Rủi ro vĩ mô đang tăng”, giới phân tích Morgan Stanley nhận định. Năm 2019, công nghệ Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề tăng trưởng kinh tế nội địa khi giới phân tích dự báo tăng trưởng Trung Quốc giảm còn 6,2%, thấp nhất từ năm 1990.
Chưa hết, căng thẳng thương mại cũng là gánh nặng lên hoạt động kinh doanh. Alibaba và JD phụ thuộc trực tiếp vào tiêu dùng gia đình, trong khi Tencent và Baidu thì phụ thuộc vào quảng cáo. Với các hãng tư nhân như Bytedance, nguồn tài trợ dồi dào mà họ từng dùng để thúc đẩy tăng trưởng hiện cạn kiệt.
Trung Quốc đang trong giai đoạn quản lý, thắt chặt kỹ thuật số mạnh nhất trong lịch sử. Tình hình kiểm duyệt chưa có dấu hiệu ngừng. Điều này sẽ buộc tất cả các hãng internet phải đầu tư thời gian, tiền bạc để đào tạo nhân viên tìm, loại bỏ nội dung bị cấm. Tại thị trường IPO, sự sôi động cũng có thể hạ nhiệt khi mà các startup lớn như Didi hay Ant Financial đều dời kế hoạch lên sàn chứng khoán.
Tăng trưởng Trung Quốc chậm lại. Ảnh: Bloomberg. |
Về lâu dài, các hãng công nghệ lớn Đại lục phải nhìn xa hơn thị trường quốc nội để duy trì mức tăng hai chữ số. Hệt như những gì nhà sáng lập Alibaba Jack Ma nói tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Geneva vào tháng 10.2018: “Nếu bạn không toàn cầu hóa, bạn sẽ chết”. Song thực tế nói thì dễ hơn làm. Nhiều startup Trung Quốc hậu IPO đang lao dốc, trong khi không ít hãng công nghệ nước này thì im lặng về tham vọng toàn cầu.
Bất kể năm 2019 diễn biến ra sao, có một điều khá chắc chắn là kế hoạch trở thành cường quốc công nghệ thế giới trong 5 năm tới thông qua "Made in China 2025" của Trung Quốc sẽ vướng vô số vật cản. Dù nhiều người nhận định tiêu cực, cũng có vài chuyên gia tích cực về giới công nghệ Trung Quốc.
Các nhà đầu tư như Xia Mingchen, giám đốc Hamilton Lane - hãng quản lý 452 tỉ USD giá trị tài sản - cho rằng việc duy trì đầu tư vào giới công nghệ Đại lục sẽ đem lại quả ngọt. Bà chỉ ra ba yếu tố “thị trường khủng, dân số đông và tăng trưởng mạnh so với các nước phương Tây” là lý do cho sự lạc quan này.
Theo Thanh Niên