Neuralink đang có kế hoạch xin sự chấp thuận của FDA Hoa Kỳ cho các thử nghiệm lâm sàng trên người vào đầu năm sau để thử nghiệm công nghệ giao diện máy tính-não ̣(BCI) đầy tham vọng của mình, các quan chức công ty cho biết trong một bài thuyết trình vào tuần này.
Công ty khởi nghiệp do tỉ phú Elon Musk sáng lập muốn cấy các điện cực siêu nhỏ bên trong hộp sọ của người thử nghiệm, cho phép anh ta điều khiển máy tính hoặc điện thoại thông minh bằng ý nghĩ.
Giao diện máy tính – não (BCI - Brain Computer Interface) là giao thức tương tác trực tiếp giữa các tín hiệu não với một thiết bị bên ngoài. Hệ thống BCI đã và đang tiếp tục được cải tiến, giúp con người sử dụng sóng não để tạo ra sự di chuyển cơ học. Trong tương lai, BCI có thể giúp con người thay đổi cách thức sử dụng các thiết bị hàng ngày.
Theo đó, có thể có tới bốn thiết bị cấy ghép sẽ được thử nghiệm, mở ra khả năng cho những người bị liệt có thể di chuyển hoặc những người bị đột quỵ có thể nói chuyện. Có thể thấy đây là tham vọng lớn của vị tỉ phú gốc Nam Phi, nếu thành công đây sẽ là công nghệ mang tính bước ngoặt trong quá trình phát triển của toàn nhân loại.
Musk cũng đang tìm kiếm sự cộng sinh của con người với trí thông minh nhân tạo, một “giao diện não-máy hoàn chỉnh”. Ông đã nói với một khán giả ở San Francisco vào cuối ngày thứ Ba rằng “Chúng tôi có thể sẽ sớm kết hợp hiệu quả não người với công nghệ AI”.
Ông Musk so sánh quy trình phẫu thuật sẽ không đau, chỉ như một cuộc phẫu thuật mắt Lasik đơn giản. Phần lớn nội dung của bài thuyết trình cho thấy Neuralink đã phát triển một con chip siêu bé như thế nào để đọc dữ liệu từ các điện cực làm bằng polyme đặt gần các tế bào thần kinh não và khớp thần kinh. Sẽ có hàng trăm điện cực được cấy vào não, mỗi điện cực có chiều rộng bằng 1/10 sợi tóc người. Một robot tinh vi sẽ thực hiện các ca phẫu thuật để đặt điện cực vào các vị trí thích hợp.
Được biết, ông Musk đã đầu tư 100 triệu USD vào dự án và huy động thêm 58 triệu USD từ các nhà đầu tư khác, theo một số báo cáo. Sự kiện hôm thứ Ba được triển khai nhằm thu hút thêm nhiều nhà nghiên cứu hơn "đầu quân" cho công ty, hiện đã có 90 nhân viên. Trên trang web của mình, Neuralink cho biết họ cần những người lao động có nhiều chuyên môn. Công ty đang tìm kiếm một số kỹ sư với các chuyên ngành từ vật liệu, quang học đến robot cũng như một nhà khoa học thần kinh.
Cấy ghép giữa máy tính - con người không phải là một ý tưởng mới. Theo New York Times, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Nâng cao Quốc phòng đã tài trợ nghiên cứu cho phép người bị liệt có thể di chuyển cánh tay robot cho các nhiệm vụ đơn giản như uống rượu, và Lầu Năm Góc cũng đã tài trợ cho công nghệ sử dụng ánh sáng thay vì các điện cực nhúng để thu thập thông tin giữa não và các thiết bị điện tử.
Theo Firece Electronics