Cố vấn Google cảnh báo con người nên cẩn trọng về AI

Giáo sư Hồng Kông De Kai là người mới nhất đứng vào nhóm những chuyên gia như nhà sáng lập Tesla Elon Musk, kêu gọi nhân loại thận trọng với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mới.
Ảnh: Alamy
Ảnh: Alamy

Theo South China Morning Post, AI đang dần len lỏi vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống con người. Nó nhận nhiệm vụ từ giám sát công dân, chăm sóc sức khỏe cho đến hỗ trợ thực đơn của McDonald’s. De Kai, giáo sư thuộc khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, mới đây có nhận định thận trọng về AI.

“AI là thứ độc nhất có khả năng gián đoạn mạnh mẽ nhất mà nhân loại từng gặp phải. Mối lo của tôi cũng là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận gia tăng mà chúng ta đang có. Chúng ta ở cận thời đại mà mọi người có thể dễ dàng sản xuất vũ khí như đội máy bay không người lái AI”, chuyên gia Kai nhận định.

Tuần trước, ông Kai được Google chọn làm một trong tám thành viên của Hội đồng Tư vấn Công nghệ. Hội đồng này được tập hợp để xem xét và tư vấn cho hãng công nghệ Mỹ các vấn đề xoay quanh việc phát triển và triển khai công nghệ AI trong thế giới thực. Kai là người châu Á duy nhất trong hội đồng.Giáo sư Hồng Kông đặc biệt chú ý đến việc kỷ nguyên AI được gọi là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Ông cho rằng trong khi các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây liên quan đến tự động hóa sức mạnh của con người, thì AI lại tập trung vào việc thay thế tư duy, quan điểm của con người với máy móc. Vì thế, đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

“AI không là thứ tư của bất cứ cái gì cả. Nó là thứ nhất. Việc nói rằng chúng ta đã trải qua cái gì đó giống thế này, và chúng ta biết hướng giải quyết vấn đề bằng cách rút ra bài học từ lịch sử thật là an ủi và nhẹ nhàng. Song chúng ta không chỉ cần rút ra càng nhiều bài học từ lịch sử càng tốt, mà còn cần nhận ra rằng cái chúng ta đang đối mặt chưa từng có tiền lệ”, ông Kai cho hay.

Cảnh báo của giáo sư Kai cũng trùng với ý kiến của một số tên tuổi quốc tế, chẳng hạn như tỉ phú công nghệ Mỹ Elon Musk. Musk ví AI là “kẻ độc tài bất tử mà chúng ta sẽ không bao giờ thoát được”. Ông còn khuyến khích các nhà nghiên cứu AI khác không bao giờ tạo robot giết người tự hành. Ngay cả nhà vật lý quá cố người Anh Stephen Hawking cũng cảnh báo sự xuất hiện của AI có thể là “sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nền văn minh nhân loại”.

“Có những người muốn điều khiển công nghệ giống như cách chúng ta muốn điều khiển một nguyên tố như uranium. Đây là lý do vì sao chúng ta nên thay đổi văn hóa loài người. Chúng ta cần phải lớn lên như một loài thực thụ”, ông Kai chia sẻ.

Một điểm khác mà giáo sư châu Á lo ngại là cách nền giáo dục tách biệt khoa học công nghệ và nhân văn. Sinh viên được đào tạo kỹ thuật đôi khi không nghĩ đến hậu quả nhân văn của công nghệ, trong khi sinh viên học ngành nhân văn thường không nắm bắt được hết cơ hội mà công nghệ mới mở ra. Với ông Kai, giáo dục đang phần nào làm “tê liệt” lối suy nghĩ sâu sắc về ranh giới giữa nhân văn và công nghệ.

Giới công nghệ toàn cầu gần đây tích cực nghiên cứu và ứng dụng AI vào đời sống. Đơn cử, Google có tham gia vào chương trình máy bay không người lái của Bộ Quốc phòng Mỹ. Động thái này làm dấy lên phản ứng dữ dội từ phía công chúng và một số nhân viên, khiến hãng công nghệ phải hủy bỏ chương trình có tên Project Maven sau đó và phát hành bộ nguyên tắc AI, hướng các dự án AI đến chỗ có lợi và có trách nhiệm với xã hội.

Theo Thanh Niên

https://thanhnien.vn/cong-nghe/co-van-google-canh-bao-con-nguoi-nen-can-trong-ve-ai-1067382.html