Liệu chúng ta có thể thoát khỏi những chiếc vòi bạch tuộc của Google?

VietTimes – Công nghệ càng hiện đại, chúng ta càng bị mất đi sự riêng tư. Các công ty công nghệ lớn trong đó có Google dễ dàng biết chúng ta là ai, đi đâu, làm gì. Liệu chúng ta có thể thoát khỏi hệ sinh thái đa dạng của Google giống như những chiếc vòi bạch tuộc đang cuốn lấy chúng ta mỗi ngày hay không?
Google có một hệ sinh thái rất đa dạng
Google có một hệ sinh thái rất đa dạng

Bây giờ là 6h30 sáng, và bạn vừa thức dậy.

Bạn có thể có bao nhiêu giây trong ngày mà không cần sử dụng Google?

Nếu bạn vừa sử dụng đồng hồ báo thức trên điện thoại chạy Android do Google sở hữu, bạn đã thất bại.

Nếu bạn là người nghiện đọc tin tức vào mỗi buổi sáng, có lẽ bạn cũng đã thất bại. Hầu hết các trang web tin tức - bao gồm trang VietTimes này - chạy các công cụ phân tích hoặc quảng cáo do Google sở hữu.

Đừng cảm thấy quá tự mãn nếu bạn là chủ sở hữu iPhone. Có lẽ bạn từng tìm đường đi trên bản đồ Google Maps, vì nó tốt hơn nhiều so với Apple Maps.

Hoặc bạn đã mở trình duyệt Safari, sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm mặc định của nó (Google trả cho Apple 3 tỷ đô la mỗi năm cho đặc quyền đó.)

Có thể bạn đã gọi Grab để đến một nơi nào đó - ứng dụng Grab của bạn phụ thuộc vào dữ liệu Google Maps.

Nói cách khác, thật khó để tránh Google từ lúc bạn nhấc điện thoại lên cho đến khi bạn đặt nó xuống và đi ngủ. Rất có thể, bạn đang sử dụng Google ngay cả khi bạn không biết bạn đang sử dụng Google. “Vòi bạch tuộc” của nó có mặt khắp mọi nơi.

Có một cộng đồng người dùng ở Mỹ đã quyết định tẩy chay Google vì lo sợ sức ảnh hưởng quá lớn của nó. Cộng đồng này được hô hào thành lập từ năm 2018 và cho đến nay đã có 6000 người tham gia dưới tên gọi r/ deGoogle.

Giải thích cho sự ra đời của cộng đồng này, người điều hành r/ deGoogle cho biết: “Google lấy dữ liệu cá nhân của chúng tôi bằng nhiều cách mà không phải để phục vụ cho mục đích quảng cáo hướng đối tượng”.

“Chúng tôi nghĩ rằng tầm ảnh hưởng của Google đối với xã hội là không thể cân đo đong đếm được. Việc theo dõi mọi người như Google đang làm là không nên. Chúng ta nên kiểm soát công nghệ mà chúng ta tương tác, chứ không phải để nó kiểm soát chúng ta”, người này nói.

Những người tẩy chay Google đã thề không sử dụng bất kỳ dịch vụ nào của Google trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nhưng vấn đề là: ĐIỀU NÀY HƠI BỊ KHÓ THỰC HIỆN

Cố gắng không sử dụng Google đòi hỏi bạn phải “cảnh giác cao độ”

Google, hay công ty mẹ Alphabet, hiện đang sở hữu dịch vụ video phổ biến nhất thế giới (YouTube), dịch vụ email phổ biến nhất (Gmail), hệ điều hành di động phổ biến nhất (Android), một số dịch vụ đám mây phổ biến với ứng dụng G Suite. 8 sản phẩm của Google có một tỷ người dùng.

Google có mặt trong cả lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cáp quang Internet và chăm sóc sức khỏe. 1/5 doanh thu quảng cáo toàn cầu rơi vào tay Google. Bây giờ, nó còn vươn vòi bạch tuộc sang một lĩnh vực mới – Trò chơi điện tử.

Google cũng ngày càng gắn chặt với hạ tầng cốt lõi của Internet. Giống như Amazon, Google điều hành một dịch vụ đám mây cung cấp “sự sống” cho một số website và ứng dụng nổi tiếng thế giới. Khi máy chủ đám mây của Google bị sự cố vào năm 2018, nó đã khiến cho Snapchat, Discord, Spotify và Pokemon Go bị tê liệt.

Về bản chất, bạn sẽ không thể nào sử dụng Internet mà không dính dáng gì đến Google. Điều này khiến cho việc tẩy chay Google trở nên cực kỳ khó khăn.

“Tất nhiên chúng tôi sẽ phải hy sinh nhiều thứ để tẩy chay Google. Nhưng đổi lại chúng tôi sẽ không phải lo lắng khi báo đài đưa tin về những vụ hack hay mất dữ liệu cá nhân liên quan đến Google”, một người dùng có nick là Firemex nói với phóng viên Business Insider.

Những người tẩy chay Google làm thế nào để “cai nghiện”?

Một người trong cộng đồng r/ deGoogle nói rằng anh ta đã sử dụng Yahoo Mail thay vì Gmail. Anh ta cũng không sử dụng trình duyệt Chrome mà sử dụng Pale Moon. Để tìm kiếm các thông tin trên Internet, anh ta dùng DuckDuckGo.

Nhưng ngay cả vậy, anh ta vẫn không thoát khỏi Google. “YouTube là thứ tôi không thể rời khỏi, vì vậy tôi vẫn sử dụng YouTube nhưng tôi đã xem qua VidLii. Tôi hy vọng rằng mình sẽ làm và đăng video tiếp theo trên cả YouTube và VidLii”, anh ta nói.

VidLii được thành lập vào năm 2015 như một giải pháp thay thế cho YouTube, nhưng nó đã không tạo ra được sức hút. Tài khoản Twitter của nó chỉ có 836 người theo dõi.

Một người dùng khác phải thừa nhận việc “cai” Google là quá khó. Anh này nói rằng công ty của mình hoạt động dựa vào các dịch vụ của Google. Khi anh ta dùng một nền tảng khác, nó không thể đồng bộ với các ứng dụng Google khiến anh ta gặp rắc rối. Anh ta bị trễ cuộc họp vì không thể đồng bộ hóa với Google Calendar.

Còn người dùng có nick là Firemex thì cam đoan rằng có thể “sống mà không cần đến Google”.

“Công việc của tôi không đòi hỏi phải sử dụng các dịch vụ của Google. Giả sử nếu có dính đến Google, tôi sẵn sàng tìm một công việc khác”, Firemex nói.

Google đã tích lũy quá nhiều sức mạnh và điều đó không tốt cho người dùng

Một tỷ người đang sử dụng các dịch vụ của Google mỗi ngày. Google khiến cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng sao nhiều người trong số chúng ta lại cảm thấy ghét Google, đó là vì hãng này đang tích lũy quyền lực quá lớn.

Không có dịch vụ nào của Google là miễn phí. Ngay cả Gmail, người dùng tưởng là miễn phí nhưng thực ra Google quét những từ khóa trong Gmail để sử dụng cho quảng cáo nhắm mục tiêu.

Google theo dõi những gì bạn xem trên YouTube, sau đó gợi ý cho bạn những video phù hợp với sở thích. Mỗi video đều có quảng cáo. Như vậy, để được miễn phí thì bạn sẽ phải xem quảng cáo của họ.

Nếu không muốn xem quảng cáo trên YouTube, bạn chỉ còn cách tìm đến một ứng dụng khác. Nhưng trên thị trường hiện nay, chẳng có ứng dụng nào phong phú và tiện dụng cho video như YouTube, và thế người dùng tiếp tục bị khóa trong hệ sinh thái Google và các điều khoản của Google.

Google cho thấy họ sẵn sàng lạm dụng sự thống trị của mình. Tuần qua, Google vừa bị Liên minh châu Âu phạt lần thứ ba vì những vi phạm liên quan đến việc đưa quảng cáo vào kết quả tìm kiếm. Kể từ năm 2017, Google đã phải nộp phạt cho EU 9,4 tỷ USD.

Ông Tomaso Falchetta, người đứng đầu tổ chức Privacy International nhận xét: “Các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook đang áp đặt các điều khoản và điều kiện một cách thiếu minh bạch đối với người sử dụng để có thể thu thập, phân tích và chia sẻ ngày một nhiều hơn các dữ liệu cá nhân, trong khi người dùng không hề hay biết hoặc bị buộc phải chấp nhận các điều khoản mà Google và Facebook đưa ra”.

“Những sự vi phạm quyền riêng tư này là do mô hình kinh doanh của các công ty công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu người dùng. Họ có thể thu thập dữ liệu một cách quá mức và người dùng thì bị giam cầm trong hệ sinh thái của họ mà không có sự lựa chọn nào khác”.

Những người tẩy chay Google nói rằng hãng này thu thập dữ liệu người dùng một cách rất “xấu tính” và “không thể hiểu nổi”. Một người dùng dẫn chứng ứng dụng Google Dịch trên Android sẽ không hoạt động chính xác nếu bạn không cho nó truy cập vào danh bạ. Không rõ tại sao một ứng dụng Dịch lại cần biết bạn bè của người dùng là ai.

Tôi đã thử vào Google Play, tìm đến ứng dụng Google Dịch và xem nội dung thỏa thuận trước khi cài đặt thì thấy rằng ứng dụng này yêu cầu được truy cập vào 20 vị trí khác nhau, trong đó có micro, máy ảnh, tin nhắn SMS và thậm chí cả thiết bị Bluetooth. Không hiểu sao Google lại cần truy cập vào những chức năng này.

Bạn đã thực sự muốn “dứt tình” với Google? Đây là cách để thoát ly dần khỏi hệ sinh thái của nó

Nhà báo Kashmir Hill của trang công nghệ Gizmodo đã chia sẻ kinh nghiệm thoát ly Google của mình. Cô sử dụng một mạng riêng ảo VPN tùy chỉnh, nó sẽ chặn các ứng dụng và trang web do Google cung cấp.

Một số người khác nói rằng không cần thiết phải tạo VPN tùy chỉnh. Họ cho rằng cách thức để thoát dần khỏi Google là:

- Chuyển sang dùng iPhone vì Apple không kiếm tiền từ dữ liệu của người dùng và cho phép người dùng kiểm soát rất chi tiết việc chia sẻ dữ liệu cá nhân.

- Nếu bạn đang sử dụng điện thoại Android, hãy cài đặt ROM tùy chỉnh như LineageOS. ROM tùy chỉnh là một hệ điều hành có thể thay thế phiên bản Android được cài đặt sẵn trên điện thoại của bạn và có thể cung cấp cho bạn trải nghiệm Android mà không dính dáng đến các ứng dụng của Google. Nhưng lưu ý rằng cài ROM tùy chỉnh sẽ khiến điện thoại bạn bị mất bảo hành.

- Sử dụng DuckDuckGo hoặc Startpage.com để làm công cụ tìm kiếm mặc định

- Với ứng dụng thư điện tử, hãy sử dụng ProtonMail, một dịch vụ emai được trả tiền, được mã hóa.

- Sử dụng Apple Maps để tra cứu bản đồ

Bạn có sẵn sàng từ bỏ Google không. Riêng tôi, có lẽ tôi sẽ vào YouTube xem một video ca nhạc nào đó để thư giãn!