Cố thành “cường quốc không quân”, Trung Quốc vẫn run trước Mỹ

VietTimes -- Nhưng thực lực kinh tế và vai trò ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc không bằng Mỹ, Trung Quốc cũng không xuất khẩu máy bay chiến đấu J-20. Vì vậy, số lượng sản xuất J-20 của Trung Quốc sẽ có hạn.
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sohu.
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

Sản lượng J-20 hiện nay

Trang tin Sina Trung Quốc ngày 8/12 cho rằng mặc dù máy bay chiến đấu tàng hình F-35 bị dư luận chê bai rất nhiều, nhưng đến nay đã có tới 350 chiếc được sản xuất.

Trong đó, có 280 chiếc biên chế cho quân đội Mỹ, trong tương lai sẽ còn có nhiều máy bay chiến đấu F-35 hơn phục vụ trong không quân Mỹ.

Đứng trước tình hình "tương đối nghiêm trọng" hiện nay, không quân Trung Quốc muốn chuẩn bị tốt về mọi mặt, trước tiên là tìm cách trang bị “đủ” máy bay chiến đấu tàng hình J-20.

Có nhiều người cho rằng tổng sản lượng máy bay J-20 không thể lên tới 200 chiếc, tốc độ sản xuất hàng năm cũng sẽ không nhiều hơn 12 chiếc.

Có người lấy J-20 ra so sánh với máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ. Làm như vậy là không khoa học. Khi mới bắt đầu, đơn đặt hàng của F-22 lên tới 700 chiếc, nhưng do sức ép từ thực tế, cuối cùng buộc phải giảm xuống còn 180 chiếc.

Trong khi đó, máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc sẽ có khả năng đối mặt với vài nghìn máy bay chiến đấu F-35 và ít nhất 180 máy bay chiến đấu F-22.

Theo Sina, tổng hợp các nguồn tin cho thấy, nửa đầu năm 2017 có ít nhất 9 máy bay chiến đấu J-20 đã được sản xuất xong.

Vào giữa năm và cuối năm, Tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô đều có máy bay J-20 mới để bàn giao. Như vậy, cuối năm 2017 tập đoàn này có thể tiếp tục bàn giao ít nhất 9 máy bay J-20, một năm tổng cộng bàn giao 24 chiếc trở lên.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sohu.
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

J-20 đã bắt đầu sản xuất hàng loạt có nghĩa là không quân Trung Quốc sẽ bước vào thời đại mới, Trung Quốc sẽ trở thành “cường quốc không quân”. Trung Quốc tìm cách để có được lực lượng quân sự đường không dẫn trước các nước khác.

Trung Quốc sẽ không sản xuất quá nhiều J-20?

Trang tin Sina ngày 7/12 cũng có bài viết cho rằng số lượng sản xuất máy bay chiến đấu J-20 sẽ không quá lớn, có 2 nguyên nhân: Một là giá cả quá đắt. Hai là không cần thiết.

Chi phí nghiên cứu phát triển, sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm rất lớn, nên nhiều nước đã không thể tiến hành nghiên cứu nó. Mặc dù số lượng sản xuất lớn hơn sẽ có lợi cho giảm giá thành của mỗi chiếc, nhưng chi phí sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm vẫn khó có thể chấp nhận.

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, lại có điều kiện ưu việt nhờ bá quyền đồng USD, nhưng số lượng biên chế máy bay chiến đấu tàng hình F-22 vẫn chỉ có 187 chiếc. Đây là lý do quân đội Mỹ phát triển máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Số lượng sản xuất, trang bị máy bay chiến đấu tàng hình F-35 sẽ rất nhiều, nhưng chi phí sản xuất nó cũng không hề nhỏ, cho dù nó được rất nhiều đồng minh của Mỹ chia sẻ kinh phí nghiên cứu chế tạo và tiến hành mua sắm.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc bay huấn luyện. Ảnh: Chinatimes/Xinhuanet.
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc bay huấn luyện. Ảnh: Chinatimes/Xinhuanet.

Trong khi đó, thực lực kinh tế và vai trò ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc không bằng Mỹ, Trung Quốc không thể đi con đường phát triển máy bay như F-35 Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc cũng không xuất khẩu máy bay chiến đấu J-20. Vì vậy, số lượng sản xuất J-20 của Trung Quốc sẽ có hạn.

J-20 có ý nghĩa chưa từng có đối với không quân Trung Quốc. Nhưng J-20 vẫn tồn tại điểm yếu, đó là vấn đề động cơ. Khi bay thử, J-20 phải dựa vào động cơ dòng AL-31 của Nga. Hiện nay, J-20 đã đổi sang sử dụng động cơ Thái Hành phiên bản cải tiến tự chế.

Tuy nhiên, cho dù là động cơ Thái Hành hay động cơ AL-31, thậm chí động cơ 117S (trang bị cho máy bay Su-35) thì cũng không thể đáp ứng nhu cầu siêu cơ động và tuần tra siêu âm của J-20, đây là hai chỉ tiêu quan trọng của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Do đó, Trung Quốc sẽ đi con đường vừa sử dụng vừa cải tiến.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang nghiên cứu phát triển thuận lợi của động cơ Nga Mi (EM), sự phát triển của toàn bộ ngành động cơ hàng không Trung Quốc đang đi vào quỹ đạo đúng đắn. Động cơ thế hệ thứ sáu của Trung Quốc sẽ sớm ra đời và có lợi cho phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.

Do đó, Trung Quốc có thể phát triển được máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 vào khoảng trước sau năm 2030. Vì vậy, số lượng sản xuất máy bay chiến đấu J-20 sẽ không quá lớn.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ. Ảnh: Sina.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ. Ảnh: Sina.

Nhìn vào tốc độ sản xuất hiện nay, dự kiến trong vài năm Trung Quốc sẽ sở hữu 100 máy bay J-20 trang bị động cơ WS-10B. Động cơ này còn thua kém F-119 của Mỹ, nhưng cũng đủ để J-20 tiến hành tuần tra siêu âm.

Điều phải cân nhắc thực sự hiện nay là sản xuất bao nhiêu máy bay J-20. Trong tương lai, phiên bản cải tiến J-20B có thể sẽ ra đời. Ngoài ra, máy bay chiến đấu tàng hình FC-31 đang được nghiên cứu phát triển, sẽ được trang bị động cơ WS-19. Loại máy bay này đã nhận được sự chú ý của nhiều nước trong đó có Indonesia.