Hải, không quân Trung Quốc có khoảng 1.700 máy bay tác chiến như máy bay chiến đấu, máy bay tấn công và máy bay ném bom, quy mô số lượng chỉ đứng sau máy bay chiến đấu hiện có của Mỹ.
Theo tờ The National Interest Mỹ ngày 28/10, tỷ lệ phục vụ của máy bay chiến đấu tàng hình trong quân đội Trung Quốc tuy chỉ có 1%, nhưng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt.
Năm 2017, 20 máy bay chiến đấu tàng hình J-20 bắt đầu gia nhập không quân Trung Quốc. Đồng thời, máy bay chiến đấu tàng hình J-31 của Công ty máy bay Thẩm Dương chính là phiên bản 2 động cơ của máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ.
Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tăng cường đào tạo bay, hoàn thiện nguyên tắc tổ chức, phát triển các hạ tầng hỗ trợ như vệ tinh do thám, máy bay tiếp dầu, máy bay cảnh báo sớm và mạng lưới radar mặt đất.
Theo quy tắc của quân đội Trung Quốc, các máy bay hiện có như J-7, J-8 và Q-5 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ hai; J-10, J-11 và J-15 là máy bay thế hệ thứ ba; còn J-20 và J-31 là máy bay chiến đấu mới nhất thuộc thế hệ thứ tư.
Theo báo chí Mỹ, tỷ lệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ hai của hải, không quân Trung Quốc là 61%, tỷ lệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba là 38%, còn máy bay thế hệ thứ tư chỉ chiếm 1%.
Nếu tính theo số lượng 1.700 máy bay Trung Quốc mà báo chí Mỹ thống kê thì trong đó số lượng máy bay chiến đấu thế hệ thứ hai khoảng 1.000 chiếc, máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba khoảng 680 chiếc, còn lại là 20 máy bay chiến đấu J-20.
Hiện nay, máy bay chiến đấu chủ lực của hải, không quân Trung Quốc là máy bay chiến đấu dòng Su-27, Su-30MKK và J-11, J-11B, J-11D, gần đây còn có máy bay J-15 trang bị cho tàu sân bay, máy bay chiến đấu đa dụng J-16D. Lực lượng máy bay này được tập trung triển khai ở khu vực đông bắc, duyên hải miền đông và “vùng biển phía nam” Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu J-20 đại diện cho tương lai của lực lượng đường không Trung Quốc, mặc dù được phát triển khá muộn, nhưng lại có tiến triển rất nhanh. Sina cho rằng trong 1 năm đã có 20 máy bay J-20 biên chế và có khả năng tác chiến ban đầu.
Máy bay này được thiết kế để chuyên tấn công khả năng điều động lực lượng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, là một bộ phận trong chiến lược “chống can dự/chống tiếp cận khu vực” của Trung Quốc.
Nhưng để J-20 phát huy được sức chiến đấu lớn hơn, Trung Quốc còn tích cực phát triển các trang bị khác như máy bay tấn công tàng hình không người lái Lợi Kiếm, máy bay cảnh báo sớm KJ-600 và KJ-3000, máy bay tiếp dầu YY-20.
Sina tự tin cho rằng lực lượng máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba với số lượng ngày càng nhiều đang trở thành “cốt cán” của lực lượng hải, không quân Trung Quốc, làm cho Trung Quốc có khả năng bảo đảm cho khu vực xung quanh không xảy ra “sự cố”.
Trong khi đó, việc không ngừng tăng cường các loại máy bay bổ trợ khác như Lợi Kiếm, KJ-600, KJ-3000 và YY-20 sẽ giúp cho lực lượng đường không Trung Quốc “nói không” với Mỹ, Nhật Bản.
Sina tự tin cho rằng việc máy bay J-20 đã biên chế hàng loạt cho thấy Trung Quốc đã đi trước Nhật Bản, Hàn Quốc về lực lượng chiến đấu tàng hình thế hệ mới, đang theo sát lực lượng chiến đấu cùng loại mà Mỹ triển khai ở Tây Thái Bình Dương.
Sina tuyên bố, cùng với dây chuyền sản xuất thứ tư đi vào hoạt động, sản lượng máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc sẽ bắt đầu tăng tốc từ cuối năm 2017, đồng thời đến năm 2020 sẽ đuổi kịp số lượng máy bay chiến đấu tàng hình F-22 có trong biên chế hiện có của Mỹ. Sina coi đây là một sự kiện mang tính “vạch thời đại”.