Cổ đông DRH, anh là ai?

VietTimes – Có vẻ như những nhà đầu tư tham gia lần phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn lên 490 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước (HSX: DRH) đều là chỗ thân quen…
Ông Phan Tấn Đạt, vị lãnh đạo đầy quyền lực ở KSB và DRH lại không sở hữu bất kỳ một cổ phiếu DRH và KSB nào.
Ông Phan Tấn Đạt, vị lãnh đạo đầy quyền lực ở KSB và DRH lại không sở hữu bất kỳ một cổ phiếu DRH và KSB nào.

“Khi thủy triều rút, ta mới biết ai mặc quần”

Nói về sợi dây liên hệ giữa hai mã chứng khoán DRH và TTF, trước tiên và dễ nhìn thấy nhất có lẽ là thông qua bà Võ Diệp Cẩm Vân, người đảm nhiệm cương vị Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước (HSX: DRH) kể từ ngày 27/06/2015.

Bà Vân sinh ngày 22/12/1986, là con gái út của ông Võ Trường Thành, người sáng nghiệp và nhiều năm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HSX: TTF).

Tuy nhiên, trước sự lao dốc kinh hoàng của hai mã chứng khoán DRH và TTF, mới đây, cha con vị doanh nhân này đều đã ngậm ngùi rời vị trí.

Ngày 12/8/2016, HĐQT CTCP Đầu tư Căn nhà Mơ Ước ban hành theo Nghị quyết số 118/2016/DRH/NQ-HĐQT, quyết nghị chấp thuận đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của bà Võ Diệp Cẩm Vân. Bà Vân sẽ không còn là thành viên HĐQT Công ty kể từ ngày 15/08/2016.

Trong khi, cha bà, ông Võ Trường Thành cũng bị TTF bãi nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 12/08/2016, theo Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐQT-TTF ngày 13/08/2016 của HĐQT tập đoàn này.

Nghị quyết nêu khá rõ lý do dẫn tới quyết nghị, rằng “ông Võ Trường Thành đã không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT trong tình hình khó khăn khẩn cấp của Công ty”.

Cụm từ “tình hình khó khăn khẩn cấp của công ty” ở đây có thể hiểu là để ám chỉ chuỗi nện sàn gần hai chục phiên liên tục của cổ phiếu TTF. Một diễn biến vốn bắt nguồn từ một bê bối kiểm toán, mà Vingroup là bên “bắn tin”.

Với cương vị lãnh đạo cao nhất ở TTF, ông Võ Trường Thành là người cần và cũng là phù hợp nhất để chịu trách nhiệm. Sự thoái vị của ông Thành, tuy đau đớn với cá nhân ông nhưng sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc xử lý khủng hoảng, chặn lại đà rơi của mã chứng khoán TTF. Nhất là khi người kế nhiệm ông Thành lại là một nhân tố có gốc gác Vingroup – bà Vũ Tuyết Hằng, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.

"Và khi thủy triều rút, ta mới biết ai mặc quần"

Song đáng nói là, tin xấu ở CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đã không chỉ làm khổ riêng cổ phiếu TTF. DRH và KSB, hai mã chứng khoán vẫn được đồn đoán là “lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau” với TTF, thêm một lần nữa củng cố cho những ngờ vực của thị trường.

Từ mức đỉnh cao gần 80 nghìn đồng, thị giá cổ phiếu DRH liên tục rơi cực đại trong một tháng qua, về chỉ còn 17.800 đồng/cổ phiếu trong chốt phiên 22/8. Với hàng triệu đơn vị vẫn được chất bán giá sàn, tương lai của DRH nhiều khả năng sẽ vẫn gắn liền với màu xanh trứng cuốc.

Một số ý kiến cho rằng DRH bị “cháy lan” từ TTF và cũng có ý kiến cho rằng sự cố TTF đã khiến cho “nụ hôn Pháp”, nếu có, giữa DRH – TTF – KSB trở nên mặn chát.

Nụ hôn Pháp” là một thuật ngữ dùng để ám chỉ việc hai hay nhiều mã chứng khoán bị một nhóm nhà đầu tư thao túng và làm giá. Trong đó, các mã được luân phiên repo hay margin, tạo nguồn đẩy nhau lên. Cách thức trên được áp dụng sẽ làm gia tăng nhanh chóng lượng vốn hóa tài sản của người chủ sở hữu với giá trị tài sản bị thổi lên nhiều lần so với giá trị được tạo ra bởi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có cổ phiếu bị làm giá. Tuy nhiên, chỉ cần 1 mã có vấn đề, hiện tượng đổ vỡ dây chuyền sẽ xảy ra, các công ty chứng khoán hay ngân hàng đua nhau giải chấp, thì các mã sẽ rơi cả “chùm”. Chỉ khi thủy triều rút, bạn mới phát hiện ra ai đang bơi mà không mặc gì. Và trong trường hợp này, mọi thứ trang phục tô vẽ mà các đội lái tạo cho doanh nghiệp sẽ bị cuốn theo cơn thủy triều, cùng với đó là sự mất mát tài sản của nhiều nhà đầu tư non tay trên thị trường”, một nhà phân tích lý giải đầy ví von.

Thực tế cho thấy, ban lãnh đạo DRH đã tìm mọi cách để chặn lại “đám cháy lan” từ TTF. Và việc miễn nhiệm bà Võ Diệp Cẩm Vân mới đây ở DRH cũng như việc bãi nhiệm ông Võ Trường Thành khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT ở TTF, ở một chừng mực nào đó, cũng thể hiện việc “cắt đứt” mối dây liên hệ giữa DRH và TTF.

Tuy nhiên, mọi chuyện có phải hoàn toàn như vậy?

Những cái tên họ Võ

Thứ nhất, về phần TTF, Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐQT-TTF ngày 13/08/2016 của HĐQT tập đoàn này chỉ bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Võ Trường Thành. Có nghĩa, ông Thành vẫn là thành viên HĐQT của TTF.

Đồng thời, vai trò của ông Thành tại TTF, bất chấp sự có mặt của các nhân tố mới đến từ Vingroup, sẽ vẫn là rất đáng kể, ít nhất là căn cứ vào khối lượng cổ phần mà ông và người thân đang chi phối. Cập nhật đến 30/6/2017, ông Võ Trường Thành và những người có liên quan vẫn đang sở hữu tới 19,6 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng với 13,55% vốn điều lệ. Lâu nay, TTF cũng không công bố thông tin gì liên quan đến giao dịch cổ phiếu của ông Võ Trường Thành và những người có liên quan nên có thể hiểu, sở hữu của ông Thành và người thân tại TTF vẫn sẽ được bảo toàn.

Thứ hai, về phần DRH, việc HĐQT DRH ban hành Nghị quyết số 118/2016/DRH/NQ-HĐQT, quyết nghị miễn nhiệm bà Võ Diệp Cẩm Vân khỏi vị trí Thành viên HĐQT Công ty kể từ ngày 15/08/2016, cho thấy bà Vân không còn đảm nhiệm chức vụ tại DRH. Báo cáo tình hình quản trị gần nhất tại DRH cũng cho biết, bà Vân và người thân không sở hữu cổ phiếu DRH.

Tuy nhiên, nếu bà Vân và những người có liên quan không có cổ phần trong DRH thì tại sao giữa năm 2015, bà lại được bầu vào HĐQT công ty này (?); Liệu có ai đang đứng tên cổ phần hộ nhóm bà Vân mà không thuộc diện người có liên quan (?).

Theo tìm hiểu của VietTimes, cổ đông cá nhân lớn nhất hiện nay của DRH là bà Võ Thị Mỹ Lệ. Đây cũng là một trong 25 cái tên tham gia đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn lên 490 tỷ đồng của DRH, diễn ra vào tháng 4/2016. Đợt này, bà Lệ được phân phối 1,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,06%.

Trước ngày 05/08/2016, bà Lệ thậm chí còn là cổ đông lớn, sở hữu tới 5,23% cổ phần của DRH. Ngày 05/08 bà Lệ thực hiện bán 240.000 cổ phiếu DRH, qua đó giảm khối lượng sở hữu xuống còn 2.323.730 cổ phiếu DRH, tương ứng tỷ lệ sở hữu 4,74%.

Sẽ là đáng bàn nếu biết, ông Võ Trường Thành (cha bà Võ Diệp Cẩm Vân) đang có một người chị dâu mang tên Võ Thị Mỹ Lệ, vợ ông Võ Trường Tài – anh trai ông Thành.

Cũng nên biết rằng, trong danh sách 25 cái tên tham gia đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ vừa rồi của DRH còn có rất nhiều cái tên họ Võ khác. Có thể kể đến như: Võ Thị Mỹ Linh (1,5 triệu cp); Võ Đức Liêm (1,5 triệu cp); Võ Đình Long (1,2 triệu cp).

Nghị quyết số 103/2016/DRH/NQ-HĐQT ngày 07/04/2016 của HĐQT DRH quy định, tất cả các cổ phiếu được phát hành trong đợt chào bán riêng lẻ, đều bị hạn chế chuyển nhượng 01 (một) năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, tức là từ ngày 06/04/2016 đến hết ngày 05/04/2017.

Đại tỷ phú 9x

Bên cạnh những cái tên họ Võ, danh sách 25 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ, giúp DRH tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần (từ 184 tỷ đồng lên 490 tỷ đồng) vào tháng 4 vừa rồi, còn xuất hiện hàng loạt cái tên quen thuộc khác.

Đầu tiên là các tên của những tân lãnh đạo Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (HSX: KSB), doanh nghiệp vừa mới trở thành công ty liên kết và sắp trở thành công ty con của DRH (tỷ lệ sở hữu của DRH tại KSB hiện là 20,2%; Và DRH đang có ý định nâng tỷ lệ sở hữu tại KSB lên 51%).

Theo đó, sau sự xuất hiện của DRH, thượng tầng KSB đã diễn ra rất nhiều thay đổi, chỉ trong tháng 4/2016. Có thể kể đến một số nhân sự mới như ông Nguyễn Quốc Phòng được bổ nhiệm thay thế ông Chu Thế Hoàng đảm nhiệm chức danh Trưởng Ban Kiểm soát KSB; ông Nguyễn Thanh Tùng được bổ nhiệm thay thế ông Trần Thiện Thể giữ chức Thành viên HĐQT KSB; ông Võ Đình Long cũng được bổ nhiệm làm tân Giám đốc Tài chính KSB.

Khá thú vị là trong danh sách 25 nhà đầu tư được phân phối cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ của KSB cũng xuất hiện các cái tên: Võ Đình Long (1,2 triệu cổ phiếu); Nguyễn Quốc Phòng (1 triệu cổ phiếu), hay Nguyễn Thị Bích Vân (1,8 triệu cổ phiếu). Lưu ý, Nguyễn Thị Bích Vân chính là tên của vợ ông Ngô ThanhTùng, tân Thành viên HĐQT KSB.

Tên của bà Nguyễn Duy Lan Anh, Giám đốc Phát triển Dự án của DRH cũng xuất hiện trong danh sách 25 cái tên được DRH phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Theo danh sách này, Nguyễn Duy Lan Anh được phân phối 1,8 triệu cổ phiếu DRH.

Được biết, chồng bà Nguyễn Duy Lan Anh - Giám đốc Phát triển Dự án của DRH là ông Đỗ Văn Trần Nguyên, hiện cũng đang đảm nhận cương vị Giám đốc Quản lý Dự án ở DRH.

Theo tài liệu của VietTimes, mới đây, ông Đỗ Văn Trần Nguyên đã cùng với ông Lại Minh Hậu góp vốn thành lập nên Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Bình Đông, có trụ sở tại 277 Bến Bình Đông, Phường 14, Quận 8, TP. HCM. Công ty mới chỉ được thành lập ngày 23/06/2016, với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do ông Nguyên góp 2 tỷ đồng, còn ông Hậu góp 198 tỷ đồng.

Trích Báo cáo thường niên 2015 của DRH.

Đáng nói khi ông Lại Minh Hậu cũng lại chính là cá nhân đã chuyển nhượng lại dự án Khu căn hộ cao cấp 277 Bến Bình Đông cho DRH – căn cứ theo thông tin tại Báo cáo thường niên năm 2015 mà DRH công bố.

Ngày 20/01/2016, HĐQT DRH đã chính thức ban hành Nghị quyết số 39/NQ/HĐQT-2016, quyết nghị thông qua chủ trương đầu tư Dự án “Khu căn hộ cao cấp 277 Bến Bình Đông”, với quy mô tầng cao dự kiến là 25 tầng và dân số 900 người. Diện tích sử dụng đất 5.465,4 m2 với hệ số diện tích sử dụng đất 7,5 lần, mật độ xây dựng tối đa 45%. Đồng thời, theo Nghị quyết này, HĐQT DRH cũng giao cho Ban điều hành tiến hành đàm phán, thương lượng phương thức hợp tác, đầu tư với đối tác… trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành và đảm bảo lợi ích của Công ty.

Theo một tài liệu khác của VietTimes, ngày 29/08/2013, ông Hậu cùng với các ông Đoàn Văn Thành, Nguyễn Trung Kiên đã góp vốn lập nên Công ty TNHH Gia Minh Sài Gòn, một doanh nghiệp có vốn điều lệ 50 tỷ đồng và trụ sở tại 23/12 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM. Tuy nhiên, đến ngày 28/08/2015, ông Nguyễn Trung Kiên đã nhượng lại 20 tỷ đồng vốn góp của mình tại Công ty TNHH Gia Minh Sài Gòn sang đứng tên bởi ông Nguyễn Từ Duy. Trong khi 2 ông Lại Minh Hậu và Đoàn Văn Thành vẫn giữ nguyên phần vốn góp lần lượt là 20 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.

Nên biết, kể từ ngày 27/06/2015, ông Nguyễn Trung Kiên chính thức tham gia HĐQT DRH với cương vị Phó Chủ tịch HĐQT. Ông Kiên cũng có một thời gian ngắn giữ chức vụ TGĐ DRH, trước khi bị thay thế bởi ông Phan Tấn Đạt.

Và cũng nên biết là hai cái tên Lại Minh Hậu, Đoàn Văn Thành cũng xuất hiện trong danh sách 25 nhà đầu tư tham gia đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của DRH. Trong đó, mỗi người được phân phối 1,8 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh vốn góp tại DRH, Công ty TNHH Gia Minh Sài Gòn và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Bình Đông, theo tìm hiểu của VietTimes, ông Lại Minh Hậu còn là cổ đông sáng lập nên CTCP Thương mại Dịch vụ Quốc tế Cao Nguyên, một DN thành lập vào ngày 27/01/2015 tại Quận 4, TP. HCM với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Trong đó, ông Hậu góp 2 tỷ đồng, ông Nguyễn Từ Duy góp 10 tỷ đồng và ông Lê Quang Hiếu góp 8 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ cần tính sơ giá trị vốn góp tại 4 công ty DRH, Công ty TNHH Gia Minh Sài Gòn, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Bình Đông, CTCP Thương mại Dịch vụ Quốc tế Cao Nguyên, ông Lại Minh Hậu đã sở hữu khối tài sản lên đến 238 tỷ đồng.

Khá bất ngờ là tỷ phú Lại Minh Hậu - người chuyển nhượng Dự án 277 Bến Bình Đông cho DRH - vẫn còn rất trẻ, ông sinh ngày 20/11/1990.

Càng bất ngờ hơn, khi ông Phan Tấn Đạt, vị lãnh đạo đầy quyền lực ở KSB và DRH lại không sở hữu bất kỳ một cổ phiếu DRH và KSB nào.

Vẫn còn một số cái tên khá quen thuộc trong danh sách 25 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ của DRH. Có thể kể đến như ông Tôn Thất Diên Khoa (cái tên được phân phối 600 nghìn cổ phiếu), sếp cũ của đương kim Tổng Giám đốc DRH Phan Tấn Đạt; Hay ông Hồ Đích Thích (cái tên được phân phối 1,8 triệu cổ phiếu) - một 9x thường trú tại Duy Xuyên, Quảng Nam - người đã kế nhiệm bà Nguyễn Duy Lan Anh (Giám đốc Phát triển Dự án của DRH) tại vị trí Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Quản lý Mai San.

Ninh Giang - Hoàng Nguyên