Chuyên gia hiến kế mở rộng chính sách thị thực điện tử để hút khách quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chính sách thị thực điện tử tạo động lực thu hút khách du lịch quốc tế hiệu quả, nhất là trong bối cảnh Việt Nam có thể hưởng lợi khi đón du khách kết hợp thăm nhiều quốc gia trong một chuyến đi, theo các chuyên gia ĐH RMIT.

Khách du lịch Hàn Quốc dạo chơi tại TP.HCM. Nguồn: scmp.com
Khách du lịch Hàn Quốc dạo chơi tại TP.HCM. Nguồn: scmp.com

Các chuyên gia quốc tế về quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT cho rằng động lực thúc đẩy du lịch quốc tế được nhắc đến nhiều nhất trong năm qua là chính sách thị thực mới của Việt Nam.

Trước đây, Việt Nam chỉ áp dụng cấp thị thực điện tử cho 80 quốc gia với thời hạn tối đa 30 ngày và có hiệu lực cho nhập cảnh một lần. Kể từ ngày 15/8/2023, thị thực điện tử được mở rộng cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ với thời hạn lên đến 90 ngày và hiệu lực nhập cảnh một hoặc nhiều lần.

Giảng viên cấp cao RMIT Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro đề xuất mở rộng chính sách miễn thị thực như bước đi cần thiết tiếp theo. Trong bối cảnh các nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia đã nới lỏng yêu cầu thị thực, Việt Nam có thể hưởng lợi khi làm theo họ và thu hút du khách kết hợp thăm nhiều quốc gia Đông Nam Á trong một chuyến đi.

Tiến sĩ Ribeiro gợi ý: “Việt Nam nên xem xét miễn thị thực cho các nước có trình độ phát triển cao hơn, chi tiêu du lịch lớn và có tiềm năng lưu trú dài hạn, bao gồm các quốc gia như Australia, Canada, Mỹ và thành viên còn lại của Liên minh châu Âu mà Việt Nam chưa miễn thị thực” và ông cho rằng, nếu Việt Nam trì hoãn mở rộng chính sách miễn thị thực thì sẽ có nguy cơ mất đi cơ hội thu hút du khách từ các thị trường du lịch lớn.

TS. Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT, cho rằng mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024 có vẻ rất khả thi với những nỗ lực đã và đang được thực hiện cùng các chiến lược đa dạng hóa và chính sách thị thực thuận lợi.

Bà nhấn mạnh rằng để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng sau năm 2024, điều quan trọng là phải công nhận du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Các chiến lược tiếp thị, định hướng xây dựng sản phẩm đặc sắc và chính sách thị thực mở cửa trong thời gian qua đã bổ trợ hiệu quả cho nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú sẵn có ở Việt Nam. Các sản phẩm du lịch hiện đang mở rộng sang du lịch sông nước, du lịch ẩm thực, du lịch nông thôn, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch lễ hội.

khach-quoc-te-15275757925411178401080-crop-15776306046121226162630.jpg
Chuyên gia của RMIT gợi ý Việt Nam nên xem xét miễn thị thực cho công dân Australia, Canada, Mỹ và tất cả các thành viên của Liên minh châu Âu.

TS. Justin Matthew Pang, Phó chủ nhiệm bộ môn Quản trị du lịch và Khách sạn RMIT, chỉ ra rằng du lịch kết hợp với hoạt động hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm (MICE) cũng có đà phát triển tốt trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một điểm đến cho công việc và giải trí được ưa chuộng ở châu Á - Thái Bình Dương. Loại hình này cũng thúc đẩy khả năng nhận diện của điểm đến và thu hút du khách quay lại.

“Thị trường MICE ở Việt Nam hiện chủ yếu đón du khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng nhìn xa hơn, Việt Nam nên đặt mục tiêu trở thành địa điểm MICE được các nước Nam Á như Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka lựa chọn. Các quốc gia này hiện có thị trường tăng trưởng mạnh mẽ cùng với khát vọng phát triển vượt bậc về kinh tế”, TS. Pang cho biết.

Du khách Hàn Quốc "đổ" đến Việt Nam

Thị trường khách du lịch Hàn Quốc là một ví dụ rất điển hình về hiệu quả của chính sách thị thực điện tử linh hoạt. Kể từ khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế cho đến nay, Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách hàng đầu của Việt Nam. Mặc dù đây là thị trường rất khó tính. Mùa hè này, khách du lịch Hàn Quốc tiếp tục chọn những vùng biển hấp dẫn của Việt Nam để nghỉ dưỡng và trải nghiệm các hoạt động mùa hè.

Kết quả khảo sát dữ liệu đặt phòng trên hệ thống của một số tảng du lịch cho thấy du khách Hàn Quốc ưa chuộng 4 điểm đến hàng đầu là: Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An và Phú Quốc. Đây đều là các địa điểm nổi tiếng với những bãi biển đẹp, các khu nghỉ dưỡng sang trọng và nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn. TP.HCM xếp thứ 5 trong danh sách các điểm đến Việt Nam được yêu thích nhất của khách Hàn Quốc.

khach-du-lich-han-quoc-2.jpg
Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc là những điểm đến yêu thích của du khách Hàn Quốc tại Việt Nam

Nói về điểm hấp dẫn của du lịch Việt Nam, giám đốc một công ty cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến cho rằng sức hút của những bãi biển Việt Nam đối với du khách quốc tế là điều không thể phủ nhận. Du khách thích du lịch đến những thị trấn và thành phố ven biển sôi động, những bãi cát trắng trải dài tuyệt đẹp. Từ Hội An cổ kính đến đảo Phú Quốc nhiệt đới, hay TP.HCM đầy năng lượng, Việt Nam mang đến một bức tranh trải nghiệm đa dạng mà du khách Hàn Quốc đặc biệt yêu thích.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong quý 1/2024, Việt Nam đã đón hơn 1,2 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra đại dịch Covid-19.

Tháng trước, kênh SBS Golf nổi tiếng của Hàn Quốc đã lựa chọn Đà Nẵng và Phú Quốc làm điểm đến cho chương trình “Golf & Travel in Vietnam” (Golf và Du lịch ở Việt Nam) với sự tham gia của 4 nữ golf thủ tên tuổi của "xứ sở kim chi".

Chương trình được kỳ vọng sẽ lan tỏa hình ảnh một Việt Nam đầy màu sắc với những khu nghỉ dưỡng, hoạt động trải nghiệm đa dạng, đẳng cấp đến với nhiều đối tượng du khách Hàn Quốc.