Khủng hoảng ngành dược: Do mất lòng tin của người dùng, chậm chuyển đổi số?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Ngành dược đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khủng hoảng, làm lộ rõ hơn những khoảng tối ở lĩnh vực này. Vì thế, hơn 500 đại biểu là các nhà quản lý cấp cao trong ngành dược lớn đã cùng nhau bàn giải pháp để sớm vượt qua.

Pharma Marketing & Sales Summit (PMASS) - Diễn đàn Marketing & Sale lớn nhất ngành dược đã diễn ra vào chiều nay, 27/11 tại Hà Nội
Pharma Marketing & Sales Summit (PMASS) - Diễn đàn Marketing & Sale lớn nhất ngành dược đã diễn ra vào chiều nay, 27/11 tại Hà Nội

Tại cuộc hội tụ của nhiều gương mặt đình đám trong ngành dược diễn ra chiều 27/11 với chủ đề “Xu hướng chuyển dịch ngành dược vượt khủng hoảng”, do Pharma Marketing & Sales Summit (PMASS) - Diễn đàn Marketing & Sale lớn nhất ngành dược tổ chức tại Hà Nội, các ý kiến đều nhìn thẳng vào sự thật, nhằm sớm cắt bỏ “ung nhọt”.

Bà Lê Phương Dung - Founder, CEO Pharmaco Agency, Học viện M&P, Trưởng Ban Tổ chức - cho rằng mặc dù Việt Nam không chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng ngành dược lại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khủng hoảng khác nhau như: Khủng hoảng kênh phân phối, khủng hoảng nhân sự, khủng hoảng truyền thông…

Theo bà Lê Phương Dung, làn sóng online mang đến luồng gió tích cực, buộc các công ty dược phải chuyển mình, cạnh tranh mạnh mẽ, nhưng cũng có mặt trái là hoạt động truyền thông không dựa trên giá trị cốt lõi, là tính nhân văn, chất lượng và hiệu quả sản phẩm, mức giá hợp lý cho người tiêu dùng, để phục vụ lợi ích của bệnh nhân. Ngành dược đang không kiểm soát được sân chơi của mình, dẫn đến nhiều khủng hoảng từ mấy năm qua.

Bà Lê Phương Dung - Founder, CEO Pharmaco Agency, Học viện M&P, Trưởng Ban Tổ chức

Bà Lê Phương Dung - Founder, CEO Pharmaco Agency, Học viện M&P, Trưởng Ban Tổ chức

Sản phẩm là cốt lõi của ngành dược nhưng đã bị khủng hoảng, do nhiều bạn trẻ không có tầm nhìn chiến lược, đã cho ra đời ồ ạt các sản phẩm theo trend, tăng trưởng nhanh nhưng suy thoái nhanh, vòng đời thậm chí chỉ tính theo tháng. Trước chỉ những nhà máy lớn mới ra được sản phẩm tốt, do có những phòng nghiên cứu lớn, nhưng nay trên Facebook giới thiệu việc sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) rất nhiều và rất nhanh với hàng loạt sản phẩm TPCN không thể hiện được giá trị cốt lõi về hiệu quả, dẫn đến người tiêu dùng mất niềm tin và quay lưng lại với TPCN, kể cả những sản phẩm đã được khẳng định. Người tiêu dùng cũng không tin các mẫu quảng cáo của ngành dược nữa.

Bên cạnh đó, ngành dược cũng rơi vào khủng hoảng trong kênh phân phối khi đi chậm nhất trong chuyển đổi số. Người tiêu dùng mua bán online, nhất là sau dịch COVID-19, với số lượng không nhỏ và ở các lứa tuổi, ngành dược mới bắt buộc phải làm quen. Tới đây, các nhà thuốc truyền thống sẽ bị thu hẹp. Lại nữa, giờ đây, trình dược viên làm rất nhiều Job, là nỗi đau của nhiều công ty, nhưng không có giải pháp.

Khủng hoảng nhân sự, khủng hoảng marketing cũng là những vấn đề mà ngành dược đang phải đối đầu. Bởi thiếu các chuyên gia hiểu ngành dược để hoạch định được chiến lược và chiến lược maketting, dẫn đến việc marketing không đầu tư nghiên cứu thị trường, phân tích hành vi khách hàng mà dựa trên cảm tính của lãnh đạo công ty dược với kế hoạch thiếu sự nhất quán, tùy hứng thay đổi.

Bà Dung cho rằng, xu hướng 2020 của ngành dược là các sản phẩm thiên nhiên, sản phẩm nhập ngoại do không tin vào quảng cáo của thực phẩm chức năng, nhất là quảng cáo cắt ghép. Xu hướng mua sắm online cũng là tất yếu, đứng thứ 2 sau siêu thị, chợ dược đã chuyển sang App, điện thoại và có so sánh cạnh tranh về giá; 95% mua bán bằng cảm xúc.

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Dược phẩm Lotus

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Dược phẩm Lotus

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Dược phẩm Lotus - có quan điểm: “Để phát triển bền vững, vượt qua khủng hoảng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư R&D và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bài bản, có chuyên môn sâu rộng. Cần nghiên cứu và phát triển cho đối tác những sản phẩm tác động lên một bệnh cụ thể, tạo ra sự khác biệt của sản phẩm bằng cách giải quyết được các vấn đề cho khách hàng mà những sản phẩm khác không làm được. Tạo được niềm tin khách hàng từ chính các sản phẩm có nguồn gốc thực tế, rõ ràng và giàu tính nhân văn. Hợp tác, tạo dựng 1 hệ sinh thái nhân sự sâu rộng về nghiên cứu, sản xuất, marketing, phân phối trong ngành Dược và thực phẩm chức năng. Điều này sẽ giúp các Doanh nghiệp Dược tăng trưởng bền vững, không còn lo lắng khủng hoảng”.

Là một trong số những diễn giả có thương hiệu, ông Nguyễn Quang Phi Tín - Tổng Giám đốc – Trust Farma International JSC, Tập đoàn TH - chia sẻ: “Các doanh nghiệp dược cần biết vận dụng số hóa để tối đa hóa năng lực và hiệu suất của hệ thống phân phối, nhất là khi quy mô đội ngũ đã lên đến hàng trăm người. Xây dựng giá trị cốt lõi cho sản phẩm, tập trung vào chất lượng cũng là một yếu tố quan trọng. Nên có những chiến lược bài bản để thay đổi tư duy, cái nhìn của người dùng về chất lượng và lợi ích thật sự khi sử dụng sản phẩm. Xây dựng hệ thống phân phối chuẩn mực, áp dụng số hóa trong quản trị (DMS). Tạo ra sân chơi bình đẳng và minh bạch, xây dựng cộng đồng trình dược viên tránh bị chồng chéo để kiểm soát tốt, tối ưu hiệu quả sales”.

Xuất hiện tại PMASS 2020, ông Vũ Minh San - Giám đốc điều hành tại Saatchi & Saatchi Việt Nam - tuy không trực tiếp làm việc tại các công ty dược, nhưng có tới 17 năm kinh nghiệm làm quảng cáo truyền thông và từng là agency triển khai nhiều hoạt động quảng cáo cho các nhãn hàng dược - cho biết: “Để giúp ngành dược tăng trưởng mạnh, không lo phải đối mặt với khủng hoảng, cần bắt kịp xu hướng truyền thông mới, đồng thời có cái nhìn rộng mở hơn, Marketing dược không nên chỉ làm theo lối mòn, mà đánh mất cơ hội tăng trưởng, nhất là trong xã hội thay đổi nhanh như hiện tại”.

Tại Diễn đàn PMASS 2020 còn có nhiều diễn giả đang giữ các vị trí quan trọng tại các tập đoàn, công ty lớn trong ngành dược như ông Nguyễn Tiến Nam - Tổng Giám đốc Sohaco Group - Công ty dược tư nhân thuộc top 10 trên thị trường dược phẩm Việt Nam với lịch sử 27 năm phát triển, liên tục tăng trưởng 20% – 25%/ năm, doanh thu đạt mốc hàng nghìn tỷ đồng, cùng nhiều chuyên gia uy tín trong ngành Marcom.

Pharma Marketing And Sales Summit (PMASS) - diễn đàn duy nhất được tổ chức quy mô lớn, chuyên sâu phân tích các vấn đề của ngành Dược, do cộng đồng Marketing Dược Pharmacom, Học viện M&P và công ty tư vấn chiến lược Pharmaco tổ chức lần đầu tiên vào tháng 12/2019.

PMASS đã mang đến những giải pháp thực tiễn, ý tưởng độc đáo, các xu hướng đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và trên thế giới, kiến tạo những tư duy đột phá vì sự phát triển chung ổn định, lành mạnh và bền vững của toàn ngành dược sau 1 năm đối mặt với đại dịch Covid-19.

Pharma Marketing & Sales Summit (PMASS) - Diễn đàn Marketing & Sale lớn nhất ngành dược đã diễn ra vào chiều nay, 27/11 tại Hà Nội, với sự tham gia của các Founder, CEO, CMO đang làm việc tại các công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm, cùng nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành dược cũng như trong ngành Marcom Việt Nam.