Hành trình nghiên cứu khoa học
Trò chuyện với VietTimes, GS Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ một số công trình tiêu biểu, được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, của ông.
Giai đoạn làm luận án tiến sĩ, khoảng từ năm 1994 đến 1997, ông nghiên cứu về hóa thực vật. Năm 1998 và năm 2000, ông tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Áo, tập trung nghiên cứu thuốc kháng HIV vì giai đoạn này căn bệnh AIDS đang bùng nổ trên toàn cầu mà chưa có thuốc điều trị. Giai đoạn sau này, ông tập trung nghiên cứu thuốc và chất chuyển hoá trong huyết tương, đánh giá tương đương sinh học thuốc gốc (thuốc phát minh) và thuốc generic.
Ngoài các công trình khoa học tiêu biểu này, ông còn có nhiều công trình khoa học khác được công bố trong các tạp chí chuyên ngành Dược và tại các hội nghị quốc tế về khoa học Dược.
Một số công trình nghiên cứu của ông đã được ứng dụng và chuyển giao trong thực hành nghề nghiệp như: “xây dựng và ứng dụng các quy trình xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thường sử dụng trên rau bằng phương pháp HPLC và GC”, “Nghiên cứu tiêu chuẩn hóa một số hợp chất để làm chất đối chiếu sử dụng trong kiểm nghiệm tạp chất liên quan của thuốc”, “Nghiên cứu tổng hợp một số tác nhân quang hoạt để ứng dụng trong kiểm nghiệm dược chất quang hoạt”…
Trong thời gian tới, ông tiếp tục các hướng nghiên cứu phù hợp với sự phát triển của chuyên ngành phân tích – kiểm nghiệm trong và ngoài nước như: kiểm nghiệm thuốc sinh học, phân tích chất đánh dấu sinh học, metabolomic…
GS Nguyễn Đức Tuấn (Phó trưởng Khoa Dược, Trưởng bộ môn Phân tích – Kiểm nghiệm ĐH Y Dược TP.HCM) |
Vừa nghiên cứu khoa học, vừa giảng dạy
Trao đổi với VietTimes về công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ: “Hai công việc này nên đi song hành với nhau. Muốn giảng dạy hay thì phải có nghiên cứu để kết hợp được kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm nghiên cứu. Nếu nghiên cứu mà không giảng dạy thì không có cơ hội truyền thụ kiến thức khoa học tới sinh viên. Để có thể vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, cần phải lập kế hoạch, sắp xếp công việc phù hợp. Khi đã nghiên cứu thì nên gắn liền với thực tế, phối hợp với các cơ sở sản xuất và các đơn vị kiểm nghiệm, bám sát các quy định và định hướng nghiên cứu trong lĩnh vực phân tích và kiểm tra chất lượng thuốc trong nước và quốc tế, để các kết quả nghiên cứu này có thể được triển khai ứng dụng trong thực tiễn thì mới không lãng phí nguồn lực”.
“Muốn nghiên cứu hiệu quả nên có sự phối hợp liên ngành và nghiên cứu theo nhóm. Muốn thực hiện được những nghiên cứu chuyên sâu, cần phối hợp nhiều đơn vị như Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, Viện Pasteur… để có đủ nguồn lực thực hiện. GS Tuấn cho rằng: “Cũng phải biết cách phối hợp để có thể tận dụng được thế mạnh của tập thể các nhà khoa học”.
PGS.TS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP.HCM và GS Nguyễn Đức Tuấn (Ảnh tư liệu nhà trường) |
Lấy người học làm trung tâm
GS Nguyễn Đức Tuấn cho hay: “Triết lý giáo dục của ĐH Y Dược TP.HCM là lấy người học làm trung tâm”.
Ông chia sẻ thêm: “Với các môn học theo định hướng chuyên ngành Kiểm tra chất lượng thuốc, tôi đã tổ chức cho sinh viên thảo luận và tranh luận một số nội dung chuyên môn, qua đó sinh viên có cơ hội trình bày một vấn đề bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, luyện tập kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, kỹ năng tìm và sử dụng tài liệu tham khảo, chuẩn bị một bài báo cáo; chủ động nêu câu hỏi, thảo luận và trả lời, phát hiện và giải quyết vấn đề, biết tổng hợp các nội dung… Người thầy chỉ có vai trò điều phối buổi học và chỉ trả lời, điều chỉnh và tổng kết các nội dung sau khi kết thúc. Với cách học này, tôi nhận thấy qua nhiều năm giảng dạy, sinh viên rất thích thú vì các em có cơ hội được ôn luyện lý thuyết, phân tích, tổng hợp và vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết một vấn đề thực tế. Điều này sẽ có ích cho các em khi hành nghề sau này. Đối với tôi, niềm hạnh phúc nhất là được đứng trên bục giảng, truyền cảm hứng học tập và nghiên cứu cho sinh viên”.
Vấn đề y đức được đặt ra nghiêm ngặt tại ĐH Y Dược TP.HCM |
Về vấn đề y đức đặt ra trong nhà trường, GS Nguyễn Đức Tuấn cho rằng: “Điều quan trọng nhất, thầy cô phải là tấm gương sống và làm việc theo y đức, vì các em được tiếp xúc với thầy cô hàng ngày trên giảng đường, phòng thí nghiệm và bệnh viên trong suốt thời gian học tập”. “Tôi luôn nói với sinh viên, trong học tập cũng như trong hành nghề sau này, các em phải hết sức trung thực, thận trọng, xem người bệnh như người thân, người nhà của mình, cư xử phải hết sức hoà nhã và thấu cảm. Phải luôn lắng nghe và tôn trọng đồng nghiệp”.
*Xin cảm ơn Giáo sư!
GS. Nguyễn Đức Tuấn là giảng viên của Đại học Y Dược TPHCM. Ông đã hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 44 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, 1 luận văn tốt nghiệp Dược sĩ Chuyên khoa II và 15 luận văn tốt nghiệp Dược sĩ Chuyên khoa I.
Ông đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố (Sở Khoa học Công nghệ TPHCM), 41 đề tài cấp cơ sở (Đại học Y Dược TPHCM), tham gia nghiên cứu chính 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đã nghiệm thu.
Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Tuấn sở hữu 195 bài báo khoa học, trong đó 16 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín.