Phần lớn các đội V.League chỉ đủ tiền và trình độ để chọn ngoại binh theo kiểu “cũ người, mới ta”. Việc “thử kêu, đốt tịt” đã tiêu không biết bao nhiêu tiền của CLB, nên các HLV ngại. Chi bằng cứ ngắm xem đội nào thải, sẽ nhanh tay rước về, thậm chí có ngoại binh hôm trước bị kỷ luật sa thải thì hôm sau đã hơn hớn cười, chụp ảnh trong màu áo khác.
Mua kiểu “bầu Hiển”
Hà Nội của bầu Hiển thì khác, họ vừa chiêu mộ thành công tiền đạo Papa Ibou Kébé. Cầu thủ người Pháp đã ghi 24 bàn/25 trận đấu tại giải hạng nhì Slovenia mùa giải vừa qua trong màu áo NK Tabor Sezana. Anh sẽ thay thế khoảng trống mà Oseni, người dính chấn thương nặng để lại bằng bản hợp đồng có thời hạn 1,5 năm.
Tiền đạo sinh năm 1989 sẽ nhận số áo 38 tại sân Hàng Đẫy sau khi kiểm tra y tế mà không cần thử việc. Không ít đội bóng V.League có đủ niềm tin để làm điều này, hãy chờ xem đây có phải là quyết định chính xác của bầu Hiển và HLV Chu Đình Nghiêm.
Khác với 2 ông bầu kia, bầu Hiển là người không nói nhiều (ảnh CĐV Sài Gòn)
|
Theo Transfermarkt, Papa Ibou Kébé có giá chuyển nhượng 150.000 euro. Papa Ibou Kébé trở thành cầu thủ đắt giá thứ 4 trong đội hình của Hà Nội FC thời điểm này, xếp sau Pape Omar Faye (300.000 euro), Mosos Oloya (200.000 euro), Hoàng Vũ Samson (200.000 euro) và ngang với Brandon McDonald, Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu.
Phát biểu sau khi ký hợp đồng với Hà Nội FC, Papa Ibou Kébé cho hay: “Những gì mà Hà Nội FC làm được trong những năm qua là rất tuyệt vời. Tôi mong muốn trở thành một phần của đội bóng. Lối chơi và tham vọng của Hà Nội FC cũng khiến tôi rất háo hức. Tôi không thể chờ đợi để được bắt đầu làm việc với HLV và đồng đội mới. Hy vọng tôi sẽ có thể tạo được những điều tuyệt vời tại đây”.
Bán kiểu bầu Đức
Chiều ngược lại Công Phượng, cầu thủ vừa chuyển sang khoác áo câu lạc bộ Sint-Truidense (Bỉ) cũng có giá 150.000 euro, ngang bằng Papa Ibou Kébé. Hiện tại, Công Phượng là cầu nội có giá trị chuyển nhượng cao thứ 4 Việt Nam. Tiền đạo người Nghệ An đắt giá thứ 23 ở Sint-Truidense và đứng hạng 402 tại Jupiler Pro League (giải đấu cao nhất Bỉ).
Thừa nhận “thương vụ Incheon United” thất bại nhưng bầu Đức vẫn thản nhiên nói với báo chí, ông sẽ bán được Công Phượng, còn Xuân Trường cứ về HAGL đã, tính sau. Hơn tháng sau, cựu Phó chủ tịch VFF rỉ tai: “Tôi xin tiết lộ là có đến 8 đội bóng của Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Thái Lan, Bỉ muốn có Công Phượng”.
Cái bắt tay với Feyenoord Rotterdam khiến bầu Đức tin rằng nhiều cầu thủ trẻ của HAGL sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với bóng đá châu Âu. (ảnh HAGL)
|
“Tuy nhiên, tôi chọn CLB Sint Truidense vì CLB này là môi trường tốt cho Công Phượng. Xin nói rõ, đây là hợp đồng hoàn toàn về chuyên môn và Phượng sang Bỉ để đá bóng chứ không phải là thương mại” - một sự tính toán khôn ngoan sau thất bại của bầu Đức.
Fox Sport viết: “Ở HAGL, Công Phượng chỉ nhận mức lương 1000 USD/tháng. Sau khi đầu quân cho Incheon United, tiền đạo này nhận mức lương tới 10.000 USD/tháng.
Thế nhưng, thu nhập của Công Phượng ở nước Bỉ còn gấp 3 lần ở Incheon United. Một con số mà các cầu thủ Việt Nam nằm mơ cũng không thấy vì họ không có ông bầu như HAGL. Tầm nhìn về các làm bóng đá của bầu Đức đã đi trước thiên hạ 10 năm.
“Nói thẳng thế này, họ đưa ra lời đề nghị với số tiền chuyển nhượng hợp lý thì tôi đồng ý. HAGL được tiền chuyển nhượng, trong khi Công Phượng cũng đồng ý vì hưởng lương cao và chế độ đãi ngộ tốt ở châu Âu, tất cả chỉ có thế thôi. Thi đấu 1 tháng ở nước ngoài bằng lương 1 năm ở V.League thì dại gì không cho đi”, ông bầu có tiếng thẳng tưng này chia sẻ.
Đền bù kiểu bầu Hùng
Trong khi đó, Hải Phòng lại có 45 ngày cân nhắc việc có chấp nhận móc hầu bao 200.000 USD bồi thường cho “ngựa chứng” chân sút người Jamaica - Errol Stevens hay không?.
Ngày 4-7, FIFA đã thông báo quyết định Stevens thắng kiện, được tự do chuyển nhượng và buộc CLB Hải Phòng phải trả số tiền đền bù cầu thủ người Jamaica này 200.000 USD, do không được hưởng lương từ năm 2018 đến nay.
Stevens đã rời Hải Phòng, về với Thanh Hóa
(ảnh Hội CĐV Thanh Hóa)
|
Trước đó vào cuối năm 2017, Stevens và CLB Hải Phòng nảy sinh mâu thuẫn gay gắt. Phía đội bóng đất Cảng kỷ luật nội bộ Stevens (không cho thi đấu) vì nhiều lần vi phạm nội quy đội bóng.
Trong khi ngoại binh này "tố" đội bóng đối xử bất công, vi phạm hợp đồng, không cấp giấy thanh lý để anh ký hợp đồng với đội bóng mới.
Nên nhớ ông chủ Hải Phòng có nick name Hùng “bói cá” là người khá rắn mặt. HLV Trương Việt Hoàng là người ít nhất 2 lần muốn đào thoát khỏi sân Lạch Tray nhưng không thành vì không có đủ tiền đền bù.
Khi cần thêm người trên băng ghế huấn luyện, chỉ cần nhấc máy tới bầu Thanh (SLNA) là hôm sau Quang Trường có mặt ở Hải Phòng. Với cầu thủ, bao năm nay ông Hùng “bói cá” luôn vào thế: “Khi ta cần là có, khi ta muốn là được”, chả ai dám bật lại.
Là sếp VPF khá rắn mặt, thuộc dạng lời nói “có gang, có thép”, ông tưởng mình đủ sức trói Stevens và ai muốn mua cầu thủ người Jamaica thì ông bán. Nào ngờ những năm tháng phiêu bạt mưu sinh, Stevens là người cao tay ấn. Không hiểu “gài” thế nào mà anh ta có đủ bằng chứng Hải Phòng không chuyển cho anh ta Hợp đồng mua bán cầu thủ.
Mà khi đã không có hợp đồng thì anh ta không biết mình phải thực hiện như thế nào…(đành bỏ về quê nhà chơi), tất nhiên FIFA có bằng chứng thì cứ chiểu theo luật mà phán.
FIFA đã thông báo buộc CLB Hải Phòng của bầu Hùng phải trả số tiền đền bù cầu thủ người Jamaica này 200.000 USD (ảnh Fox)
|
Giờ thì , ông Hùng “bói cá” trắng tay và cắn răng nộp phạt bởi khả năng khiếu nại khó thành công. Kể chuyện 3 ông bầu, một ông chả có chức sắc gì trong làng bóng đá, ngồi khán đài, cười cười nói nói nhưng tính toán đúng kiểu doanh nhân, một ông hai tay hay đút túi quần, vốn là quan chức VFF ăn sóng nói gió thế mà tính nhẩm nhan “nhất vịnh Bắc bộ”.
Người còn lại, không biết số tiền 200.000 USD với ông là nhiều hay ít, nhưng cái mất của hình ảnh quan chức VPF, ông bầu CLB hẳn không hề nhỏ chút nào.