Chùm tin cập nhật hậu bạo loạn 6/1 - Nghị sĩ đảng Cộng hòa: “ông Trump phạm tội không thể chối cãi”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một nghị sĩ đảng Cộng hòa nói Tổng thống Trump phạm tội rõ ràng trong khi một thành viên đảng này đã từ chức vì tham gia bạo loạn hôm 6/1.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Pat Toomey đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Trump
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Pat Toomey đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Trump

Hơn 200 nhà lập pháp tại Hạ viện Hoa Kỳ do đảng Dân chủ kiểm soát hiện đang kêu gọi Tổng thống Donald Trump từ chức sau cuộc tấn công của đám đông nhằm vào Quốc hội khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát.

Mặc dù các lời kêu gọi phế truất ông Trump ngày càng tăng, thông qua luận tội hoặc Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Hoa Kỳ, nhưng thời gian chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa cho đến khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.

Cũng không rõ liệu có đủ sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa để thực hiện một động thái như vậy hay không. Phó Tổng thống Mike Pence được cho là phản đối việc lật đổ ông Trump bằng Tu chính án thứ 25, một quá trình đòi hỏi sự ủng hộ của đa số trong Nội các của Tổng thống.

Và cho đến nay, chỉ có một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đưa ra bình luận công khai rằng họ có thể ủng hộ việc luận tội.

Thượng nghị sĩ Toomey: ông Trump phạm tội không thể chối cãi

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Pat Toomey, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm thứ Bảy cho biết Tổng thống Trump đã phạm những tội không thể chối cãi khiến ông không đủ tư cách tiếp tục làm Tổng thống.

“Tôi nghĩ rằng Tổng thống đã phạm những tội không thể chối cãi nhưng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trên Thượng viện,” Toomey trả lời phỏng vấn chương trình “The Journal Editorial Report” trên Fox News.

Tuy nhiên, Toomey băn khoăn về việc liệu Quốc hội có nên tiến hành luận tội ông Trump khi chỉ còn vài ngày nữa là Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ nắm quyền.

Ông Toomey là thượng nghị sĩ bang Pennsylvania. Ông nhấn mạnh rằng liệu có khả thi khi cố gắng loại bỏ Tổng thống Trump khi còn ít thời gian như vậy.

Một thượng nghị sĩ khác của đảng Cộng hòa là ông Ben Sasse ở Nebraska cho biết, ông sẽ xem xét bất kỳ bài báo luận tội nào mà Hạ viện đệ trình lên Thượng viện. Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski bang Alaska đã kêu gọi Trump từ chức hôm thứ Sáu (8/1).

Phó Tổng thống Mike Pence quyết định tham dự lễ nhậm chức của ông Biden

Phó Tổng thống Mike Pence (ảnh: AFP)

Phó Tổng thống Mike Pence (ảnh: AFP)

Phó Tổng thống Mike Pence sẽ tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden - một cuộc chia tay công khai khác với Tổng thống Donald Trump kể từ cuộc bạo loạn tại Điện Capitol Hoa Kỳ.

Vào thứ Sáu (8/1), Trump cho biết ông sẽ không tham dự buổi lễ vào ngày 20 tháng 1, một quyết định mà ông Biden mô tả là “một trong số ít những điều ông ta muốn làm mà chúng tôi đã đồng ý”.

Tổng thống đắc cử Joe Biden, người đã phát biểu từ Wilmington, Delaware hôm thứ Sáu cho biết ông cảm thấy “rất vinh dự” nếu ông Pence nhận lời tham dự lễ nhậm chức.

Nhà lập pháp bang Tây Virginia từ chức sau khi bị buộc tội liên quan đến bạo loạn ở Điện Capitol

Thành viên Hạ viện West Virginia, Derrick Evans (ảnh: AP)
Thành viên Hạ viện West Virginia, Derrick Evans (ảnh: AP)

Một thành viên đảng Cộng hòa của Hạ viện Tây Virginia, người bị buộc tội liên quan đến đám đông ủng hộ Tổng thống Trump gây rối tại Điện Capitol hôm 6/1, đã xin từ chức.

“Tôi xin từ chức thành viên của Hạ viện, có hiệu lực ngay lập tức”, Đại biểu Derrick Evans, người quay phim mình và những người khác đi vào Điện Capitol hôm 6/1, đã viết một một bức thư xin từ chức dài một trang gửi Thống đốc Jim Justice của Tây Virginia.

Trong một tuyên bố khác được đưa ra bởi Hạ viện bang, Evans nói: “Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động của mình và vô cùng hối hận về bất kỳ tổn thương, đau đớn hoặc xấu hổ nào mà tôi có thể đã gây ra cho gia đình, bạn bè, người dân và đồng bào Tây Virginia”, theo nguồn tin địa phương MetroNews.

“Tôi hy vọng hành động mà tôi thực hiện hôm nay có thể loại bỏ mọi thứ gây xáo trộn Cơ quan lập pháp của bang, để các đồng nghiệp của tôi có thể nỗ lực xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho bang của chúng ta,” ông nói thêm. “Và quan trọng hơn, tôi hy vọng nó sẽ giúp bắt đầu quá trình hàn gắn, để tất cả chúng ta có thể tiến về phía trước và cùng nhau trở thành Một quốc gia, dưới quyền của Chúa”.

Các thành viên Quốc hội kêu gọi New York điều tra và tước quyền hành nghề của luật sư riêng của Tổng thống Trump

Luật sư riêng của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Rudy Giuliani (ảnh: Reuters)
Luật sư riêng của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Rudy Giuliani (ảnh: Reuters)

Các nghị sĩ Ted Lieu và Mondaire Jones của đảng Dân chủ trong một lá thư gửi hôm 9/1 đã kêu gọi Hiệp hội Luật sư Bang New York điều tra Rudy Giuliani - luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, để tước quyền của ông.

Yêu cầu của họ xuất phát từ việc Giuliani tham gia vào cuộc bạo loạn ủng hộ ông Trump hôm thứ Tư (6/1)

Trước đó một ngày luật sư Giuliani đã kêu gọi người dân Mỹ “thử chiến đấu” để chống lại chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden trong cuộc biểu tình “Cứu nước Mỹ”.

Chuyên gia kiểm soát vũ khí hàng đầu của Tổng thống Trump từ chức sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol

Christopher Ford, trợ lý Bộ trưởng phụ trách an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (ảnh: Bloomberg)
Christopher Ford, trợ lý Bộ trưởng phụ trách an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (ảnh: Bloomberg)

Theo NBC News, chuyên gia kiểm soát vũ khí hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump đã từ chức để phản đối sau cuộc bạo động trên Điện Capitol, theo NBC News.

Trợ lý Bộ trưởng Christopher Ford ban đầu đã quyết định ông sẽ từ chức vào ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, sau cuộc bạo động hôm thứ Tư (6/1), Ford đã thông báo với Tổng thống rằng ông sẽ ra đi ngay lập tức.

“Tôi không thể tiếp tục phục vụ trong một Cơ quan hành chính vào thời điểm mà một số người sẵn sàng dung túng, hoặc thậm chí kích động bạo lực chống lại đất nước mà tôi yêu quý và có Hiến pháp mà tôi đã tuyên thệ ủng hộ và bảo vệ”, Ford viết trong một bức thư gần đây cho Tổng thống Trump, NBC News đưa tin.

Viên cảnh sát thiệt mạng trong cuộc đụng độ với người biểu tình ở Điện Capitol nên được nhận danh hiệu

Cảnh sát Capitol Brain D. Sicknick (ảnh: CNBC)
Cảnh sát Capitol Brain D. Sicknick (ảnh: CNBC)

Nghị sĩ đảng Dân chủ Elissa Slotkin hôm 9/1 đã yêu cầu Bộ Quốc phòng công nhận và vinh danh đặc biệt cho Brian Sicknick – viên cảnh sát đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ bạo lực với một đám đông ủng hộ tổng thống Trump.

Sự vinh danh dành cho Sicknick, từng là một cựu binh của Lực lượng Vệ binh Quốc gia New Jersey, bao gồm việc chôn cất tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, bà Slotkin nói.

“Tôi mong chính quyền thực hiện các bước cần thiết để mang lại cho Sĩ quan Sicknick và gia đình anh ấy sự vinh danh mà họ xứng đáng có được,” bà Slotkin viết trong một bức thư gửi Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy, Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân CQ Brown và Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley.

Thượng nghị sĩ yêu cầu các công ty truyền thông xã hội, các nhà mạng bảo vệ bằng chứng

Chủ tịch sắp tới của Ủy ban Tình báo Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mark Warner đã chỉ thị cho các nhà mạng không dây và các công ty truyền thông xã hội lưu giữ bằng chứng liên quan đến cuộc bạo loạn tại Điện Capitol.

Ông Warner hôm thứ Sáu (8/1) đã gửi thư tới các nhà cung cấp dịch vụ di động AT&T, T-Mobile và Verizon và các công ty truyền thông xã hội Apple, Facebook, Gab, Google, Parler, Signal, Telegram và Twitter, kêu gọi họ giữ gìn nội dung và dữ liệu liên quan đến cuộc bạo loạn hôm 6/1.

“Điện Capitol của Hoa Kỳ là một hiện trường tội ác,” ông viết trong thư. “Dữ liệu tin nhắn đến và từ những người dùng của các bạn có thể đã tham gia hoặc hỗ trợ những người tham gia vào cuộc nổi dậy này - là bằng chứng quan trọng giúp đưa những kẻ bạo loạn này ra trước công lý”.

Một phát ngôn viên của Facebook đã không trả lời trực tiếp các câu hỏi về việc liệu Facebook có lưu giữ các tin nhắn hoặc dữ liệu có liên quan hay không, nhưng cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục chủ động tiếp cận cơ quan thực thi pháp luật và đã làm việc để nhanh chóng đưa ra phản hồi cho các yêu cầu pháp lý hợp lệ”.

Đại diện của Apple, Google, Twitter, AT&T, Verizon và T-Mobile đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của CNBC.