Những kẻ cực đoan đang tìm mọi cách phá hủy nền dân chủ Mỹ, xóa bỏ lịch sử Mỹ, từ bỏ các nguyên tắc sáng lập của nước Mỹ và loại bỏ các quyền tự do của người dân Mỹ để ủng hộ cho một xã hội mơ hồ và phi thực, hoàn toàn xa lạ với tất cả mọi mặt của đời sống Mỹ.
>> Phần 1: Tại sao người Mỹ tàn phá chính đất nước mình?
"Khu tự trị" Seattle
Các nhóm khác nhau, như đã nói đến ở phần trên, đã thiết lập được một “khu tự trị” chiếm giữ phạm vi 6 dãy nhà của Seattle, mô phỏng theo Công xã Paris năm 1848. Họ muốn thiết lập một khu vực phi chính quyền: không cảnh sát, không lính cứu hỏa và không có bất kỳ một dịch vụ đô thị nào.
Thị trưởng Jenny Durkin, thuộc đảng Dân chủ, đã rút cảnh sát khỏi khu vực này và cấm cảnh sát trục xuất người biểu tình. Bà này tuyên bố đây là sự kiện “Mùa hè của tình yêu”. Một ủy viên hội đồng thành phố đã mở cửa trụ sở của chính quyền thành phố để cho phép những kẻ bạo loạn xâm nhập.
Những gì diễn ra sau đó là hoàn toàn có thể đoán trước được. Người biểu tình dựng rào cản bao quanh khu vực chiếm đóng để kiểm soát người vào ra. Họ phun sơn vẽ tranh Graffiti khắp khu vực. Việc thực thi an ninh được giao cho dân quân vũ trang. Người dân địa phương bị đe dọa, đánh đập và lạm dụng.
Những người chiếm đóng là người da màu đã thiết lập “khu biệt lập” dành riêng cho họ, cấm người da trắng bước vào. Tiếp đó là cướp bóc và đốt phá. Những kẻ bạo loạn đã thành lập Tòa trọng tài để giải quyết xung đột và trừng phạt tội phạm.
Rõ ràng, chính những người trong “khu tự trị” đã sớm thấy rằng họ vẫn cần có chính quyền dưới một hình thức nào đó, để kiểm soát tình trạng hỗn loạn do chính họ gây ra.
Một số người đã bị bắn, một người đã tử vong. Cuối cùng, sau ba tuần, bà Thị trưởng đã ra lệnh dỡ bỏ khu vực này. Nhiều người đã rời đi, nhưng không phải tất cả. Một số trong những người còn ở lại đang có vũ khí và rất chống đối.
Bạo loạn, đốt phá vẫn tiếp tục diễn ra trên các thành phố lớn của nước Mỹ nhiều tuần sau cái chết của George Floyd (Ảnh: Getty)
|
Một số người biểu tình hiện đã quay sang chiếm giữ các vị trí ở các khu vực khác của Seattle và đang tìm cách “lan tỏa tình yêu” khắp thành phố. Thị trưởng không muốn làm phật ý ai nên không ra lệnh bắt giữ khi những hành động này diễn ra. Chỉ đến ngày hôm qua, lệnh bắt giữ mới được bà Thị trưởng đưa ra.
Những người đứng đầu các cuộc biểu tình đã gửi thông điệp đến những người ủng hộ họ: “Hãy bỏ phiếu bầu ứng cử viên Dân chủ Joe Biden làm Tổng thống và bà Jenny Durkin làm Thị trưởng”.
Trong khi đó, những kẻ bạo loạn ở Portland, Oregon cũng đã cố gắng thiết lập một khu tự trị kiểu Khu tự trị Seattle, nhưng đã bị cảnh sát ngăn cản. Khi không thể làm như vậy, những kẻ bạo loạn mà chủ yếu là những thành viên người da trắng của Antifa đã quyết định đốt cháy khu vực mục tiêu: Đó là khu dân cư của người da màu là chủ yếu.
Có vẻ như chẳng có gì liên quan giữa Phong trào Black Lives Matter (BLM) và tổ chức Antifa. Hoặc nếu có thì BLM sẽ chỉ là con tốt thí để Antifa thực hiện sự nghiệp riêng của mình.
Những kẻ bạo loạn ở Washington, DC, cũng đã cố gắng thiết lập một khu vực như vậy. Tổng thống Trump đã ra lệnh dập tắt ngay lập tức.
Đảng Dân chủ dung túng tình trạng vô pháp luật và bạo lực
Phe Dân chủ và đội ngũ chóp bu đã hoàn toàn im lặng trước tình trạng bạo lực và vô pháp luật. Khi họ lên tiếng thì đó cũng chỉ là những tuyên bố ủng hộ những kẻ bạo loạn.
Thống đốc tiểu bang New York Andrew Cuomo, từng được coi là một ứng cử viên tổng thống có triển vọng, đã tuyên bố: “Đây là một sự biểu đạt lành mạnh (việc giật đổ tượng đài) của những người có quan điểm rằng: hãy…ghi nhớ những tội lỗi và sai lầm mà đất nước này đã phạm phải và đừng ca tụng những điều đó.”
Đảng Dân chủ, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đã đưa ra một nghị quyết lên án bạo lực và vô pháp luật. Nhưng chính lãnh đạo phe thiểu số của đảng Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer lại ngăn chặn một nghị quyết tương tự của đảng Cộng hòa tại Thượng viện.
Trước đó, Lãnh đạo đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell đã ngăn chặn nghị quyết ông Schumer đưa ra với nội dung đổ lỗi cho Tổng thống Trump về tình trạng bạo lực và vô pháp luật.
Người biểu tình tham gia phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen cũng quan trọng). Ảnh: CNN.
|
Ngay khi bạo loạn vừa nổ ra, Thị trưởng Washington D.C, Muriel Bowser, thuộc đảng Dân chủ, đã không chỉ cho phép người biểu tình phun sơn dòng chữ “Black Lives Matter” trên con phố gần Nhà Trắng mà còn đổi tên khu vực giao cắt ngã tư thành quảng trường “Black Lives Matter”.
Trong cuộc đua để giành chiếc ghế Thị trưởng Portland thuộc tiểu bang Oregon, thị trưởng đương nhiệm Ted Wheeler đã cho phép Antifa được tự tung tự tác và gây bạo loạn trong thành phố mà không có bất kỳ hành động xử lý nào.
Đối thủ đua tranh của ông Wheeler lại chính là một thành viên của Antifa. Dù nói thế nào đi nữa, Portland dường như đang muốn có một chính quyền thân thiện với Antifa.
Thêm vào đó, người khởi tố vụ giết hại George Floyd, Tổng Chưởng lý Minnesota, ông Keith Ellison, thuộc đảng Dân chủ, cũng là một người ủng hộ mạnh mẽ cho Antifa và các phương thức hoạt động của tổ chức này.
Cách tiếp cận bằng Luật pháp và Trật tự của ông Trump
Ông Biden, tuân thủ đúng đường lối của đảng Dân chủ, gần đây hầu như không đả động gì đến bạo động. Trong khi đó, ông Trump đã quyết định sẽ tranh cử với hình ảnh của một Tổng thống của “Luật pháp và Trật tự”.
Khi những kẻ bạo loạn bắt đầu kéo đổ và làm vấy bẩn các bức tượng, ông Trump đã tuyên bố Antifa là một tổ chức khủng bố. Mới đây, ông đã điều động Vệ binh Quốc gia bảo vệ tượng đài và tài sản công cộng ở Washington.
Ông đã ký sắc lệnh hành pháp kêu gọi các công tố viên liên bang đưa ra mức án tù cao nhất cho những kẻ bạo loạn. Ông cũng đe dọa các thành phố do đảng Dân chủ kiểm soát rằng nếu lãnh đạo của các thành phố này không ngăn chặn được bạo loạn thì chính ông sẽ ra tay. Cho đến nay, ông vẫn chưa phải điều động đến quân đội để thực hiện lời đe dọa này.
Ông Trump đã chỉ đạo Bộ An ninh Nội địa gây áp lực lên Facebook, Twitter và Google, yêu cầu các mạng xã hội này ngăn chặn những kẻ bạo loạn sử dụng các nền tảng này để điều phối hoạt động và ủng hộ bạo lực và tình trạng vô pháp luật.
Thậm chí, ông còn đăng hình ảnh những kẻ bạo loạn đang bị FBI truy nã lên tài khoản Twitter của mình. Tài khoản của ông hiện đang có 60 triệu người theo dõi.
Ông Trump cũng ban hành Sắc lệnh hành pháp chỉ đạo các tiểu bang và các thành phố cải cách hệ thống cảnh sát, đồng thời tôn trọng và hỗ trợ các sĩ quan cảnh sát.
Chiến lược của ông Trump có khả năng sẽ phản tác dụng. Báo chí và phe Dân chủ đang đổ lỗi cho ông về tình bạo loạn và cho rằng ông đang hành xử kiểu độc tài khi điều động quân đội để xử lý bất ổn. Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho kết quả rằng ông Trump có khả năng sẽ thua trong trận chiến này.
Cải cách cảnh sát – đảng Dân chủ tự làm bẽ mặt mình
Những kẻ cực đoan trong các cuộc biểu tình yêu cầu chính quyền tiểu bang và địa phương “Giải thể cảnh sát”. Điều này khiến đảng Dân chủ rơi vào thế kẹt: Làm thế nào để họ giữ được các sở cảnh sát mà vẫn ủng hộ những kẻ cực đoan.
Có vẻ như hầu hầu hết các thành viên phe Dân chủ đều chấp nhận khẩu hiệu “Giải thể cảnh sát” mặc dù miệng vẫn nói rằng điều này không hẳn có nghĩa là giải tán hoàn toàn cảnh sát.
Người biểu tình vây chặt phố Wall, trung tâm tài chính của nước Mỹ trong phong trào Chiếm lấy phố Wall (Ảnh: Getty)
|
Giải thể cảnh sát, trong đó phải kể đến thành phố Minneapolis, nơi xảy ra vụ giết hại George Floyd. Toàn bộ các hoạt động của cảnh sát sẽ do các nhân viên xã hội và chuyên gia tâm lý phi vũ trang đảm nhận.
Trong thời gian còn đang tranh cãi về việc giải thể cảnh sát, thành phố Minneapolis đã chi 4.500 đô la mỗi ngày cho dịch vụ an ninh tư nhân nhằm bảo vệ các thành viên Hội đồng thành phố. Không thể tin nổi!
Đảng Cộng hòa và Tổng thống đã đề xuất dự luật cải tổ cảnh sát. Phe Dân chủ đưa ra các biện pháp cực đoan hơn nhiều. Thay vào việc cố gắng đạt được sự đồng thuận đối với ít nhất là một số đề xuất thì đảng Dân chủ lại chọn cách khiến cho việc đạt được thỏa thuận trở nên không tưởng.
Rõ ràng, đảng Dân chủ đã chọn cải cách cảnh sát làm vấn đề tranh cử thay vì giải quyết vấn đề. Trong 4 năm qua, đảng này đã tìm mọi cách để ông Trump không thể thành công trong lĩnh vực hành pháp. Nhưng công bằng mà nói thì dưới thời của ông Obama, đảng Cộng hòa cũng đã sử dụng các chiến thuật tương tự.
Nhưng những gì đảng Dân chủ đã làm quả là đáng hổ thẹn. Tại Hạ viện, các nghị sỹ Dân chủ không hợp tác với các đồng nghiệp của phe Cộng hòa và dự luật của họ đưa ra chỉ đơn thuần đại diện cho các chính sách của phe Dân chủ.
Tại Thượng viện, đảng Cộng hòa soạn thảo dự luật cải cách cảnh sát và đề xuất thảo luận công khai. Tuy nhiên, lãnh đạo phe thiểu số của đảng Dân chủ, ông Chuck Schumer lại ngăn chặn cuộc tranh luận này tại Thượng viện, khiến người dân Mỹ không có bất kỳ cơ hội nào để cân nhắc các chính sách đang được đề xuất.
Tệ hơn nữa: Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tim Scott đã dành nhiều tháng qua để chắp bút dự luật này. Ông có uy tín rất lớn trong dự luật này bởi bản thân ông là người da màu và là một trong số những Thượng nghị sỹ giỏi nhất tại Quốc hội.
Nhưng ông cũng là mục tiêu bị tấn công khi nghị sỹ đảng Dân chủ Dick Durbin đã gọi ông là đại diện cho những người da màu cúi đầu trước ý chí của các nghị sỹ Cộng hòa da trắng.
Chưa hài lòng với cuộc tấn công phân biệt chủng tộc nhắm vào ông Scott, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi còn cho rằng dự luật của ông Scott sẽ giúp “đảng Cộng hòa thoát tội giết người (giết hại George Floyd)”. Điều trớ trêu ở đây là Thượng nghị sỹ Scott đã đồng ý đưa vào dự luật này những đề xuất sửa đổi và bổ sung của phe Dân chủ nhưng dự luật của ông vẫn bị bác bỏ.
Hậu quả
Cho dù cách giải thích của Nhà báo Tucker Carlson có đúng hay không thì…
Người thua cuộc thực sự trong những cuộc bạo loạn kéo dài hàng tháng này vẫn là những người da màu khao khát sự bình đẳng, tôn trọng và có cơ hội được sống ở một đất nước bảo vệ nhân quyền.
Thay vào đó, họ bị gạt sang bên lề trong khi các nhóm tự xưng là đại diện cho họ lại ngang nhiên đốt phá chính các khu dân cư của họ, phá hủy các cơ sở kinh doanh và nhà cửa của họ, và tước đi của họ sự an toàn. Điều trớ trêu là phần nhiều trong số đám đông tự nhận “đang giúp đỡ” cộng đồng da màu đó lại là người da trắng.
Những người mất mát nhiều nhất sau các cuộc bạo loạn chính là người dân Mỹ. Những kẻ cực đoan đang tìm mọi cách phá hủy nền dân chủ Mỹ, xóa bỏ lịch sử Mỹ, từ bỏ các nguyên tắc sáng lập của nước Mỹ và loại bỏ các quyền tự do của người dân Mỹ để ủng hộ cho một xã hội mơ hồ và phi thực, hoàn toàn xa lạ với tất cả mọi mặt của đời sống Mỹ.
Đáng buồn là ngọn lửa đang đốt phá nước Mỹ không phải do kẻ thù bên ngoài nhen nhóm mà do chính những những thế lực trong lòng nước Mỹ châm ngòi và thổi bùng./.