Nói đến thành công trong chuyển đổi số phải nhắc đến Đà Nẵng - thành phố biển xinh đẹp không chỉ đứng đầu về chuyển đổi số cả nước, mà còn được các chuyên gia đánh giá là thành tựu chuyển đổi số ở đây mang tầm quốc tế.
VietTimes dõi theo những thành công trong chuyển đổi số của Đà Nẵng và thực sự rất vui mừng trước những thành quả mà thành phố đạt được. Thành tựu chuyển đổi số của Đà Nẵng sẽ góp phần cổ vũ, động viên cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù bộn bề công việc, nhưng Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số TP Đà Nẵng - vẫn ra Hà Nội dự Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2023 (VDA 2023). Điều này thêm một lần minh chứng cho mối quan tâm sâu sắc với chuyển đổi số của lãnh đạo thành phố “Hoa khôi về chuyển đổi số”.
Trong khoảng thời gian rất ngắn Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có mặt ở Hà Nội, để thay mặt chính quyền, Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng nhận Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023 lần thứ 4 liên tiếp, ông đã dành riêng cho VietTimes một cuộc trò chuyện.
- PV: Với những kết quả trong chuyển đổi số của Đà Nẵng, người dân thành phố đã được hưởng lợi rất nhiều, từ y tế đến giáo dục, giao thông, du lịch vv… để nâng cao chất lượng sống. Phương châm “lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi số” của Đà Nẵng quả thật rất ấn tượng. Trong những thành tựu chuyển số đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, ông hài lòng nhất về điều gì?
Ông Lê Trung Chinh: Chuyển đổi số của Đà Nẵng có 3 trụ cột là Chính quyền số, Xã hội số và Kinh tế số. Chúng tôi thấy Xã hội số đã đáp ứng được một phần nhu cầu của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, được nhân dân đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền thành phố đã đem lại những lợi ích tốt nhất để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tôi nhấn mạnh Xã hội số vì trụ cột này hướng về người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, Nền tảng công dân số là một trong những giải pháp để thúc đẩy người dân tham gia vào quá trình hình thành Xã hội số. Nền tảng công dân số không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình sử dụng dịch vụ của người dân, mà còn giúp cơ quan nhà nước có định hướng, đầu mối để nâng cấp, phát triển các dịch vụ số của mình một cách phù hợp, dễ dàng nhất.
Đà Nẵng ưu tiên cung cấp Nền tảng chuyển đổi số Quốc gia là bởi thành phố chú trọng việc để người dân được tiếp cận, sử dụng đầy đủ dịch vụ trực tuyến và theo dõi, đóng góp ý kiến cho các dịch vụ số, từ đó tạo động lực cho các cơ quan cung cấp dịch vụ phải xây dựng ứng dụng có trách nhiệm, có trọng tâm và tính thực tế cao nhất. Từ đó thúc đẩy 2 trụ cột Chính quyền số và Kinh tế số phát triển bền vững hơn.
- Đã 4 năm liên tiếp, Ban Tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam rất vui mừng khi được vinh danh những giải pháp của Đà Nẵng vì sự xứng đáng của nó. Xin ông vui lòng cho biết thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp gì?
Ông Lê Trung Chinh: Trên tinh thần của ba trụ cột là Chính quyền số, Xã hội số và Kinh tế số, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có những chương trình hành động rất cụ thể để triển khai hiệu quả ba trụ cột này: Thứ nhất, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng. Thứ hai là đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn lực; xây dựng dữ liệu số để phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như việc điều hành của lãnh đạo thành phố.
- Dấu ấn của lãnh đạo TP Đà Nẵng trong những thành tựu chuyển đổi số ở địa phương rất đậm nét. Thành công của chuyển đổi số, theo ông, có phải quyết định từ nhận thức của lãnh đạo chính quyền? Đà Nẵng đã làm thế nào để có được sự đồng thuận cao trong lãnh đạo về chuyển đổi số, thay vì những rào cản như nhiều nơi khác, để dẫn đến thành công hôm nay?
Ông Lê Trung Chinh: Kết quả chuyển đổi số hôm nay là kết quả bước đầu và thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực để làm tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Lãnh đạo thành phố rất quan tâm cũng như cả hệ thống chính trị đều quan tâm đến chuyển đổi số, xem đây là một trong những vấn đề quan trọng phát triển của thành phố trong tương lai.
Tôi nghĩ rằng, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp là mục tiêu lớn nhất, nên chúng tôi luôn quan tâm đến việc phải tạo ra sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Tất cả đều chung tay xây dựng và phát triển chuyển đổi số.
- Ông có thể cho biết khát vọng mà Đà Nẵng hướng tới từ chuyển đổi số là gì?
Ông Lê Trung Chinh: Khát vọng của Đà Nẵng là phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến người dân và doanh nghiệp, làm sao để người dân và doanh nghiệp thực sự được hưởng thụ những thành quả của chuyển đổi số. Công tác chuyển đổi số góp phần quan trọng, chiếm tỉ lệ cao trong việc trong tăng trưởng và phát triển kinh tế -xã hội của thành phố. Đó là mục tiêu hướng đến của chúng tôi.
- Ban Tổ chức Giải thưởng đã rất xúc động khi giữa bộn bề công việc, người đứng đầu một thành phố lớn của cả nước vẫn đích thân bay ra Hà Nội dự Lễ trao giải VDA 2023. Ông cảm nhận như thế nào về lễ trao giải hôm nay?
Ông Lê Trung Chinh: Chúng tôi đánh giá cao việc Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số, khi đây là nguồn động viên, khích lệ đối với chúng tôi trong phát triển chuyển đổi số, đồng thời, cũng đặt ra cho chúng tôi những thách thức mới trong công tác này.
Chúng tôi hứa sẽ nỗ lực cao nhất, để làm sao công tác chuyển đổi số thực sự tạo sự lan toả và hưởng ứng trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị của thành phố.
- Đà Nẵng từng 4 năm liên tiếp được trao Giải thưởng Chuyển đổi số ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”. Ông có nghĩ rằng, nền tảng đã có sẽ là tiền đề để sang năm, Đà Nẵng tiếp tục giành được Giải thưởng Chuyển đổi số của Hội Truyền thông số Việt Nam?
Ông Lê Trung Chinh: Mong muốn thì bao giờ cũng thường trực, tuy nhiên, chúng tôi phải không ngừng nỗ lực, bởi vì xã hội luôn phát triển, nên cũng không cho phép chúng tôi đứng im.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hằng - Hồ Xuân Mai (thực hiện)
Văn Lâm (trình bày)