PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về nguy cơ với sức khỏe trong mùa nắng nóng chiều 23/4.
|
Tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 23/4, PGS.TS. Nguyễn Văn Chi cho biết, nhóm người cao tuổi, trẻ em và người phải làm việc trong điều kiện ngoài trời khi nắng nóng, là những người cần hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe trong mùa hè.
“Người từ 60 tuổi trở lên được coi là nhóm người cao tuổi, người già. Họ thường có nhiều bệnh mạn tính trong như huyết áp, đái tháo đường,… Bên cạnh đó, các phản xạ của người già rất kém, sức chống đỡ không tốt. Vì vậy, khi tiết trời nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các yếu tố nguy cơ, các bệnh trong cơ thể bất ổn thì rất dễ bị đột quỵ, mắc bệnh phải nhập viện” – PGS.TS. Nguyễn Văn Chi cho biết.
Nhóm trẻ em thì ngược với nhóm người già, cơ thể còn non nớt, rất nhạy cảm với thời tiết. Nhiều trẻ có sức đề kháng không tốt, dễ bị tác động bởi nắng nóng. Thêm vào đó, trẻ rất hiếu động nên có nhu cầu uống rất nhiều nước, sử dụng nhiều chất dinh dưỡng khi đùa nghịch. Vì vậy trong những ngày nhiệt độ cao, trẻ dễ bị say nắng, sốc nhiệt, cần phải tới bệnh viện điều trị.
Đối với nhóm người dân đang trong độ tuổi lao động, PGS.TS. Nguyễn Văn Chi đánh giá nhóm này có sức chịu đựng tốt, có thể chịu đựng thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt. Song, nhiều người lao động phải làm việc ngoài trời, trong điều kiện nắng nóng vượt quá sức chịu đựng của cơ thể vẫn có thể khiến họ bị hôn mê, đột quỵ.
Từng cấp cứu cho rất nhiều trường hợp bệnh nhân đột quỵ, sốc nhiệt trong điều kiện thời tiết nóng nực, nhiệt độ cao, PGS.TS. Nguyễn Văn Chi nhận định, thời tiết tác động rất lớn tới sức khỏe con người, là yếu tố thuận lợi khiến cho các nguy cơ về sức khỏe phát triển. Vì vậy, ông khuyến cáo, người dân cần biết bảo vệ cơ thể, nếu thời tiết quá nóng, quá nắng không thể làm việc thì phải nghỉ ngơi, tạm dừng công việc. Đặc biệt là những người lao động có điều kiện làm việc đặc thù như cầu thủ bóng đá, công nhân lò cao, người nông dân,…
“Tại Việt Nam, mùa hè luôn rất nóng, vì vậy người dân cần tránh ra ngoài trời vào thời gian nắng nóng cao điểm (từ 12h – 16h hàng ngày), nếu không có việc cần thiết. Khi phải ra ngoài trời nắng nóng, cần có phương tiện dụng cụ để tránh tác động của nhiệt và tử ngoại. Trong các môi trường làm việc cố định, mỗi người cần phải tự tạo điều kiện bảo hộ tốt, có yêu cầu kiểm soát nhiệt độ tại nơi làm việc, chủ động sắp xếp công việc cho phù hợp để đảm bảo sức khỏe” – PGS.TS. Nguyễn Văn Chi khuyến cáo.