Góc nhìn chuyên gia nghiên cứu hệ gene

Chỉnh sửa gene: Cần làm thận trọng, hậu quả có thể đến muộn nhưng thảm khốc!

VietTimes – Chỉ xét riêng góc độ ảnh hưởng xã hội, việc chỉnh sửa hệ gene cần thực hiện rất thận trọng, bởi nếu nhà nghiên cứu thiếu đạo đức, họ có thể chỉnh sửa, tạo ra các cá thể khác biệt mang những biến đổi gene có thể biểu hiện thành tính trạng ngay hoặc biểu hiện ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời và có thể biểu hiện ở các thế hệ sau và những vấn đề khó kiểm soát khác.
PGS.TS.NCVCC. Nguyễn Huy Hoàng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hệ gene (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
PGS.TS.NCVCC. Nguyễn Huy Hoàng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hệ gene (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Đó là nhận định ban đầu của PGS.TS.NCVCC. Nguyễn Huy Hoàng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hệ gene (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khi trao đổi với VietTimes về việc nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố tạo ra được 2 đứa trẻ chỉnh sửa hệ gene đầu tiên trên thế giới, có khả năng miễn nhiễm HIV suốt cuộc đời.

Nghiên cứu chưa đưa ra cơ sở phản biện

Thưa ông, vừa qua một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã sử dụng kỹ thuật CRISPR để chỉnh sửa hệ gene phôi người, cho ra đời hai bé gái sinh đôi khỏe mạnh. Ông đánh giá sự việc này thế nào?

- Theo quan điểm cá nhân tôi về mặt khoa học, thứ nhất, đây là kỹ thuật được nghiên cứu và sử dụng gần 10 năm trở lại đây. Các nhà khoa học trên thế giới nói chung và nhà khoa học của Việt Nam nói riêng đã và đang thực hiện chỉnh sửa hệ gene trên đối tượng thực vật là chủ yếu. Riêng với con người, các nghiên cứu khoa học chỉ thực hiện ở mức độ nhỏ và trong phạm vi hẹp, bởi việc thử nghiệm trên con người cần thực hiện hết sức cẩn trọng, nó liên quan đến đạo đức và phải được hội đồng y đức đánh giá.

Thứ hai, các kết quả nghiên cứu khi được công bố chính thức phải được công khai trên các kênh, phương tiện chính thức của giới nghiên cứu khoa học, như một tạp chí chuyên ngành có ý kiến phản biện, hoặc sản phẩm này phải qua một hội đồng thẩm định, đánh giá xem kết quả có đảm bảo về khoa học không. Riêng trường hợp này chưa đáp ứng được yêu cầu đó.

Đó là chưa kể, việc công bố kết quả nghiên cứu của anh He Jiankui (Hạ Kiến Khuê) đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà khoa học nghiên cứu về gene trên thế giới, khi có nhiều trường hợp bố hoặc mẹ bị nhiễm HIV nhưng đứa con được sinh ra theo cách tự nhiên không nhiễm HIV.

Góc độ chuyên môn, ông đánh giá chỉnh sửa hệ gene từ trong phôi với hai bé gái này có đang ẩn chứa nguy cơ gì không?

- Theo nội dung từ các báo nước ngoài, anh Hạ Kiến Khuê lấy một tế bào trứng và tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó anh ta sử dụng kỹ thuật CRISPR/Cas9 làm mất đoạn gene CCR5. Thực tế, trong quá trình thay đổi đó, có thể gây ra mất một phần hoặc toàn bộ đoạn gene CCR5, (hoặc có thể xảy ra trên một điểm nào đó trong hệ gene mà chưa được phát hiện). Công việc này cần được kiểm chứng lại bằng cách giải toàn bộ hệ gene của cá thể đó. Do đó, nghiên cứu của anh He Jiankui cần đưa ra kết quả kiểm chứng.

Hơn nữa, chúng ta chưa biết kỹ thuật CRISPR ngoài “nhắm trúng đích” vào gene CCR5 còn có thể bám vào vị trí nào khác trên hệ gene hay không? Và liệu có thể chỉnh sửa cả các vị trí khác hay không? Tôi cho rằng việc làm rõ là điều vô cùng cần thiết vì hậu quả sau này có thể làm bất hoạt hoặc kích hoạt các gene khác. Anh He Jiankui liệu có bảo đảm rằng nó không ảnh hưởng đến các gene khác không?

Để có cơ sở kiểm chứng, nhà khoa học phải chứng minh được với những cơ quan chức năng có thẩm quyền và uy tín, rằng việc chỉnh sửa hệ gene hay hệ gene không gây hậu quả gì cho 2 đứa trẻ. Hiện tại rất khó đưa ra kết luận vì 2 bé còn nhỏ, nhiều tính trạng của cá thể sẽ dần dần được hoàn thiện và biểu hiện ra theo thời gian phát triển cơ thể.

Cá nhân tôi tin các nhà khoa học khác đều mong muốn sẽ nhận được lời giải đáp về khoa học, đưa ra được các bằng chứng để chứng minh việc làm của anh ấy là đúng. Đây mới chỉ là vấn đề thực nghiệm, tôi chưa nói về vấn đề y đức.

 

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Hạ Kiến Khuê công bố về sự ra đời của 2 bé sơ sinh đầu tiên trên thế giới mang gene được chỉnh sửa. Nguồn: The He Lab

Ông vừa đề cập, các nhà khoa học về kỹ thuật gene của Việt Nam đã thực hiện chỉnh sửa hệ gene trên nhiều đối tượng thực vật? Xin ông nói rõ hơn?

- Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu chỉnh sửa hệ gene bằng kỹ thuật CRISPR/Cas9, nhưng đa phần mới chỉ tiến hành trên thực vật, chưa có nhiều nghiên cứu trên động vật. Các nghiên cứu hạn chế tối đa trên con người, bởi đây là vấn đề rất lớn. Nếu có được thực hiện thì cũng chỉ dừng lại ở giai đoạn phôi.

Thực tế, hiện nay người ta sử dụng kỹ thuật CRISPR để chỉnh sửa gene ở các bệnh nhân đã xác định rõ nguyên nhân do gene gây ra. Các nhà nghiên cứu quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng, khi làm về chỉnh sửa hệ gene ở bất cứ đối tượng nào, chúng tôi buộc phải ghi lại trình tự nghiên cứu, thử kiểm chứng ảnh hưởng, có đối chứng, v.v. Việc công bố cũng phải được thực hiện rất cẩn trọng, các nghiên cứu của chúng tôi hiện tại ở trên người đang dừng lại ở mức độ xác định nguyên nhân gây bệnh do biến đổi gene.

Nguy cơ ảnh hưởng giống nòi

Ông đánh giá việc chỉnh sửa gene sẽ có ảnh hưởng xã hội như thế nào?

- Đứng ở góc độ ảnh hưởng xã hội, việc chỉnh sửa hệ gene cần thực hiện rất thận trọng. Có thể vì một số nhu cầu nào đó, người ta tìm đến những nhà nghiên cứu không có đạo đức, nhờ họ chỉnh sửa hệ gene. Họ có thể chỉnh sửa được hệ gene bệnh, điều trị được bệnh nhưng để theo dõi ảnh hưởng của việc chỉnh sửa đến toàn bộ hệ gene thì cần phải đọc lại, giải trình tự lại toàn bộ hệ gene, đưa ra đánh giá cả một quá trình. Nhiều bất thường do chỉnh sửa hệ gene có thể không thể hiện ngay nhưng khi lớn lên và kết hôn, các thế hệ F1, F2 có thể biểu hiện bệnh.

Trong cơ thể con người có rất nhiều gene lặn ở trạng thái dị hợp tử không biểu hiện bệnh, nhưng khi kết hôn có thể tạo con mang gene ở trạng thái đồng hợp tử lặn thì biểu hiện bệnh. Chính vì vậy kết hôn cận huyết thống có nguy cơ tạo ra những đứa con biểu hiện bệnh rất nhiều.

Thực tế, việc chỉnh sửa hệ gene để thay đổi màu da, màu tóc, hoặc những khả năng đặc biệt khác... là điều có thể thực hiện được về mặt lý thuyết. Tại Việt Nam, thí nghiệm biến đổi gene đã thực hiện thành công trên vi sinh vật, động vật và thực vật, nhưng chưa có thí nghiệm trên con người, vì những lý do xã hội, lý do đạo đức mà tôi đã nêu trên.

Nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê vẫn cương quyết bảo vệ quan điểm về chỉnh sửa gene trên DNA trẻ sơ sinh tại hội nghị khoa học ở Hong Kong ngày 28/11. Ông Khuê nói: "Tôi thực sự tin rằng không chỉ trường hợp này, mà cho hàng triệu trẻ em vì không có vắc-xin HIV. Bản thân tôi cảm thấy tự hào". Ảnh: The Guardian
Nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê vẫn cương quyết bảo vệ quan điểm về chỉnh sửa gene trên DNA trẻ sơ sinh tại hội nghị khoa học ở Hong Kong ngày 28/11. Ông Khuê nói: "Tôi thực sự tin rằng không chỉ trường hợp này, mà cho hàng triệu trẻ em vì không có vắc-xin HIV. Bản thân tôi cảm thấy tự hào".  Ảnh: The Guardian

Câu chuyện chỉnh sửa gene để thông minh hoặc thay đổi màu da, màu tóc,… mà ông đang đề cập có thể khiến nhiều người liên tưởng đến một xã hội do những người có khả năng đặc biệt nhờ chỉnh sửa gene làm chủ, còn những người sinh ra theo cách bình thường thì chỉ là công dân hạng hai của xã hội. Ông có chia sẻ về bức tranh tương lai này?

- Tôi nghĩ không bao giờ có chuyện đó và tôi tin rằng xã hội sẽ lên án chuyện đó. Trong xã hội, chúng ta sinh ra bình đẳng với nhau, kể cả người này có giỏi hơn người kia. Các sinh vật trên thế giới được hình thành đến nay đều trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên và quá trình này vẫn đang diễn ra. Bản thân loài người cũng vậy, tuy nhiên sau khi xã hội được hình thành và trong quá trình phát triển xã hội, những công nghệ mới trong y học, dược học, sinh học v.v. đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy lùi một số bệnh tật hiểm nghèo nhưng chúng ta cũng vô cùng hạn chế tạo những biến đổi gene trên cơ thể người có thể ảnh hưởng tới các thế hệ sau mà không có sự kiểm soát. 

Chúng ta đã và đang tạo ra biến đổi gene trên vi sinh vật, thực vật, động vật là để phục vụ lại con người. Các nhà khoa học có khả năng tạo ra được những cá thể người đặc biệt nhưng họ sẽ không làm vì nó sẽ dẫn đến mất cân bằng và công bằng trong xã hội. Cá nhân tôi nghĩ vậy.

Trong xã hội, có những người thực sự có khả năng đặc biệt, họ mang những gene tốt như thể lực tốt, thông minh…, nhưng cũng có những người mắc những bệnh di truyền khó chữa trị. Sự phát triển của từng con người còn phụ thuộc vào môi trường, xã hội chứ không chỉ riêng gene tốt. Tôi nghĩ mọi người không muốn tạo ra một xã hội quá chênh lệch. Có thể có những người thực sự có khả năng đặc biệt do đột biến gene hoặc có những gia đình mắc bệnh di truyền qua nhiều thế hệ nhưng người ta vẫn sống mà không cần phải sử dụng đến chỉnh sửa hệ gene. Tất cả những điều đó tạo ra sự đa dạng của con người trong xã hội.

Bên cạnh những ý kiến phản đối rất gay gắt anh Hạ Kiến Khuê vì đã thực hiện việc chỉnh sửa gene từ phôi thai cho hai bé gái, nhiều quan điểm tỏ ra đồng tình vì cho rằng sự hiến mình cho nghiên cứu là điều cần thiết để khoa học bước lên nấc thang mới. Ông có đồng tình?


- Tôi suy nghĩ đến một vấn đề gần giống, đó là nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn nặng chấp nhận rủi ro để thử nghiệm điều trị theo những phương pháp mới chưa được kiểm chứng trên con người trong các nghiên cứu. Họ tự quyết định số phận của họ và tình nguyện hiến mình cho khoa học. Còn trong trường hợp này, khi bố bị bệnh HIV, mẹ bình thường, họ mong muốn tạo ra đứa trẻ không bị nhiễm bệnh HIV, họ đã quyết định sinh ra đứa bé hy vọng không bị bệnh bằng cách này. Tôi cho rằng, chính đạo đức của nhà nghiên cứu mới là vấn đề đáng lưu tâm. Trách nhiệm của nhà nghiên cứu là phải giải thích cho bệnh nhân không chỉ ở góc độ khoa học mà cả ở góc độ đạo đức con người.

Trên góc độ khoa học, nhà nghiên cứu có thể định hướng hay giải thích cho họ không nhất thiết làm bằng phương pháp này. Sau nhiều năm nữa, cứ coi như hai đứa trẻ này kháng được HIV thì liệu còn vấn đề gì khác không? Anh Hạ Kiến Khuê chưa nói được rõ ràng điều đó và có lẽ cũng chưa tính toán được hết những rủi ro có thể xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

CRISPR/Cas9 là gì?

Công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR/Cas9 là một công nghệ tiên tiến trong sinh học phân tử, được kì vọng tạo ra một cuộc cách mạng trong y học, khoa học cơ bản và nông nghiệp.

Hệ thống CRISPR/Cas9 có tác dụng như chiếc kéo sinh học, cho phép các nhà khoa học cắt và nối thông tin di truyền với độ chính xác, hiệu quả và linh hoạt chưa từng có.

Hệ thống gồm hai phần chính: Phần CRIPR là một nhóm các trình tự ADN có nhiệm vụ hướng Cas9 đến đúng vị trí cần thiết trên gene, sau đó Cas9 sẽ thực hiện việc cắt ADN.

Xem thêm: