Nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố tạo ra được 2 đứa trẻ chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới, có khả năng miễn nhiễm HIV suốt cuộc đời

VietTimes – Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã sử dụng kỹ thuật CRISPR để chỉnh sửa gene phôi người, cho ra đời hai bé gái sinh đôi khỏe mạnh.
Có thể chỉnh sửa gene người để chống lại một số bệnh tật? (ảnh minh họa: New Atlas)
Có thể chỉnh sửa gene người để chống lại một số bệnh tật? (ảnh minh họa: New Atlas)

Hai bé gái được can thiệp chỉnh sửa gene từ khi còn là phôi thai được các nhà khoa học Trung Quốc đặt tên là “Lulu" và "Nana”.

Nghiên cứu này được hé lộ lần đầu tiên bởi trang MIT Technology Review. Trang này đã dẫn lại tài liệu y khoa được lưu trữ tại CCTR – một tổ chức hỗ trợ đăng ký các thử nghiệm y tế tại Trung Quốc.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu là ông Jiankui He (Hạ Kiến Khuê), một chuyên gia đang làm việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam, thành phố Thẩm Quyến.

Tài liệu y khoa cho thấy nhóm nghiên cứu đã tiến hành sửa đổi gene CCR5 - tác nhân mở cửa cho virus HIV (gây bệnh AIDS) xâm nhập vào tế bào. Để sửa được gene CCR5, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật gọi là CRISPR/Cas9. Kỹ thuật này cho phép “cắt và dán” gene một cách chính xác, giúp các nhà khoa học loại bỏ và thay thế các phần DNA trong phôi gần như theo ý muốn.

Bằng cách sử dụng kỹ thuật CRISPR, các nhà nghiên cứu hy vọng hai đứa trẻ miễn dịch với HIV suốt cuộc đời.

Video dưới đây là phần trình bày của ông Hạ Kiến Khuê, được đăng tải trên YouTube. Ông Khuê đã trình bày những bước đột phá trong chỉnh sửa gene hai bé gái. Ông khẳng định “cặp song sinh này khỏe mạnh như bất kỳ đứa trẻ nào khác”, và việc chỉnh sửa gene rất an toàn bởi các nhà khoa học chỉ can thiệp vào gene CCR5.

Hãng tin AP đã tiến hành phỏng vấn ông Hạ Kiến Khuê về công trình này. Tên tuổi của cặp vợ chồng tham gia thí nghiệm và hai đứa trẻ đã không được tiết lộ. Trả lời AP, ông Khuê đã trình bày chi tiết quá trình lấy tinh trùng và trứng từ cha mẹ, tạo phôi bằng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sau đó sử dụng kỹ thuật CRISPR để chỉnh sửa gene CCR5. Phôi thai sau đó đã được đưa vào tử cung người mẹ và phát triển bình thường. Kết quả là cặp song sinh “Lulu” và “Nana” ra đời khỏe mạnh.

Theo AP, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chỉnh sửa phôi thai từ 7 cặp vợ chồng, nhưng chỉ có một cặp thành công.

Tuy nhiên, điều quan trọng là nghiên cứu này vẫn chưa được một tổ chức có uy tín nào đứng ra kiểm chứng, cũng như chưa từng được công bố trên bất kỳ tạp chí y khoa nào. Điều này khiến cho video của ông Hạ Kiến Khuê giống như là một sự tiếp thị về những đột phá công nghệ hơn là một công trình khoa học được xem xét kỹ lưỡng. Dù việc chia sẻ công trình như thế này của giới khoa học không phải là hiếm, nhưng chúng ta cũng chưa nên tin tưởng hoàn toàn vào những thành tựu mà ông Khuê công bố.

Hơn thế nữa, thử nghiệm này của ông Khuê đã vấp phải sự chỉ trích của một số nhà khoa học. Họ cho rằng việc chỉnh sửa gene CCR5, can thiệp vào hệ miễn dịch có thể giúp hai đứa trẻ miễn nhiễm với HIV, nhưng chúng có thể dễ dàng mắc các bệnh nguy hiểm khác như dịch Tây sông Nile hoặc dịch bệnh thông thường như Cúm.   

Một đứa trẻ 5 tháng tuổi trong bào thai (ảnh: Neil Bromhall)
 Một đứa trẻ 5 tháng tuổi trong bào thai (ảnh: Neil Bromhall)

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học Trung Quốc tiến hành chỉnh sửa bộ gene người. Năm 2015, một số nhà khoa học ở Quảng Châu thông báo rằng họ đã chỉnh sửa thành công phôi thai. Năm 2016, Vương quốc Anh cũng đã sử dụng kỹ thuật CRISPR để chỉnh sửa phôi người hiến tặng nhằm hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của con người. Nhật Bản cũng đã tiến hành những nghiên cứu tương tự vào tháng 10 năm nay.

Nhưng vẫn còn đó những mối lo ngại về khía cạnh đạo đức của việc chỉnh sửa bộ gene người. Một số quốc gia đã cấm hoàn toàn công nghệ này.

Khi công nghệ CRISPR tiếp tục được triển khai tại nhiều nước, người ta lại liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của tiến sỹ Ian Malcolm trong phim Công viên Khủng long rằng: “Chúng ta chỉ quan tâm đến việc chúng ta có thể làm, mà quên mất việc đặt ra câu hỏi chúng ta có nên làm hay không?”

Theo CNET