Mỹ không biết chính xác những gì đang xảy ra ở Ukraine, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố như vậy ngày 6/2 khi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Fox News.
Trên thực tế, tất cả những gì đang xảy ra ở Donbass phản ánh tình hình chính trị đầy mâu thuẫn ở Kiev, bình luận viên của Sputnik Zakhar Vinogradov cho biết. Đây là hậu quả cuộc xung đột trong nội bộ chính quyền tổng thống Petro Poroshenko, người đang mất dần sự ủng hộ của giới tinh hoa chính trị và các phong trào dân tộc trong nước.
Theo tạp chí uy tín của Mỹ Foreign Policy, các nhà chức trách Ukraine đang đổi lỗi cho lực lượng dân quân của hai Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk cũng như cho Nga về đợt căng thẳng mới ở vùng Donbass, nhưng chính bản thân họ liên quan kích động xung đột. "Ukraine ngày càng thường xuyên tiến hành các cuộc xâm nhập vào "vùng xám" - khu vực dọc ranh giới không thuộc về bên nào… Mới đây phía ly khai cũng bắt đầu đánh chiếm khu vực không thuộc về ai. Kết quả là "vùng xám" trở thành thùng thuốc nổ”, bài báo đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 6/2 đã chỉ ra điều này.
Các nghị sĩ phe Tổ quốc và Khối Petro Poroshenko thêm thuốc nổ vào thùng thuốc súng này khi yêu cầu ban bố tình trạng thiết quân luật ở Donbass.
Tất cả những gì đang xảy ra ở Donbass và Kiev ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của Ukraine và thỏa thuận Minsk cũng như đến số phận của tổng thống Petro Poroshenko, chuyên gia Nga nhận định. Trong hai năm liền Poroshenko cố gắng khá tích cực đóng băng cuộc xung đột, nhưng bây giờ chính sách này vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía những nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, các cựu chiến binh ATO và phần lớn tầng lớp thượng lưu chính trị.
Tình trạng như vậy không thể kéo dài mãi. Trên thực tế, các nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan và các cựu chiến binh ATO đã phá hoại kế hoạch này và ép buộc tổng thống hành động cứng rắn ở phía Đông. Bây giờ, theo nguồn tin của Sputnik ở Kiev có hai kế hoạch khác.
Kế hoạch A bắt đầu thực hiện các thỏa thuận Minsk và dần dần đảm bảo sự tái nhập Donbass bằng các phương tiện chính trị và ngoại giao. Có vẻ tổng thống Mỹ Trump và tổng thống Ukraine Poroshenko đã đạt được thoả thuận như vậy trong thời gian cuộc điện đàm đêm ngày 4 sáng ngày 5/2. Tuy nhiên, nếu Poroshenko có ý định thực hiện kế hoạch này, thì ông sẽ vấp phải sự kháng cự dữ dội của giới chính trị thượng lưu Ukraine, cũng như của các cựu chiến binh ATO và các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Kế hoạch B của Poroshenkolà tiếp tục leo thang căng thẳng ở Donbass, mà điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến việc ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn bộ lãnh thổ hoặc tại một số khu vực của Ukraine. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Poroshenko có thể mất hoàn toàn sự hỗ trợ của tân tổng thống Mỹ và giới chính trị EU.
Trong trường hợp ban bố tình trạng thiết quân luật, như cựu thủ tướng Ukraine Serhiy Arbuzov khẳng định, "Ukraine sẽ bị mất ngay cả những khoản đầu tư ít ỏi vẫn đang đổ vào nước, sẽ bị mất các khoản tín dụng của nước ngoài. IMF không cung cấp hỗ trợ tài chính cho đất nước trong tình trạng chiến tranh. Và nếu không có sự hỗ trợ của IMF thì Ukraine bị rơi vào nguy cơ tuyên bố phá sản, sẽ khiến dòng vốn chạy khỏi nước, những người dân đang tham gia hoạt động kinh tế cũng sẽ tìm cách chạy ra nước ngoài. Trên thực tế, trong hoàn cảnh hiện nay việc ban bố thiết quân luật sánh được với sự sụp đổ của nhà nước Ukraine”.
Chuyên gia Zakhar Vinogradov kết luận, tổng thống Hoa Kỳ cũng như nhiều người ở phương Tây chưa hiểu rõ bản chất sâu xa nhất của cuộc xung đột chính trị ở Ukraine. Poroshenko và ê kíp của ông đang đối đầu không phải với Nga, như họ tuyên bố chính thức, mà đối đầu với giới tinh hoa chính trị và các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang chống lại Poroshenko. Tuy nhiên, ông Poroshenko không thể nói một cách công khai về điều đó. Bởi vì bản thân ông chịu trách nhiệm về tình trạng này.
Theo Sputnik