Chiến lược mới của Mỹ đối với Triều Tiên có thể bao gồm hành động quân sự

VietTimes -- Hiện nay, Mỹ và Triều Tiên khó có cơ hội đàm phán, Mỹ tỏ thái độ rất cứng rắn, có thể đưa Triều Tiên quay trở lại danh sách các nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, trong chiến lược mới thậm chí có thể tấn công quân sự trực tiếp vào nước này.
Bà Choe Son-hui, Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Ảnh: VOA
Bà Choe Son-hui, Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Ảnh: VOA

Hủy bỏ đàm phán phi chính thức
Hãng tin Reuters Anh dẫn báo Mỹ cho biết cuộc đàm phán phi chính thức giữa cựu quan chức Mỹ với Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đã bị gián đoạn, bởi vì Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cấp visa cho bà Choe Son-hui.
Theo kế hoạch, cuộc đàm phán này lẽ ra được tổ chức ở New York từ ngày 1 đến ngày 2 tháng 3 và là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ sở dĩ đưa ra quyết định từ chối cấp visa cho quan chức Triều Tiên có thể là do Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo vào ngày 12 tháng 2 năm 2017 và ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul bị sát hại. Vụ sát hại này đã khiến cho Bình Nhưỡng bị báo chí phương Tây lên án, cho rằng do đặc vụ Triều Tiên tiến hành.
Tuy nhiên, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phủ nhận có kế hoạch cho cuộc tiếp xúc gặp gỡ nói trên, cho hay: “Chính phủ Mỹ không có kế hoạch tiến hành hội đàm cấp 2 (track two) ở New York”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Triều Tiên và chương trình hạt nhân của họ là “mối đe dọa lớn nhất hiện nay”. Trong cuộc phỏng vấn ngày 23 tháng 2 của hãng tin Reuters Anh, ông Donald Trump hình dung việc Triều Tiên phóng tên lửa ngày 12 tháng 2 là một hành động “rất nguy hiểm”, “không thể chấp nhận”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul. Ảnh: Sina
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul. Ảnh: Sina

Khi được hỏi về khả năng gặp gỡ ông Kim Jong-ul, ông Donald Trump cho biết: “Tôi chưa từng nói là sẽ không gặp. Nhưng có thể sẽ tương đối muộn, ít nhất là nhìn vào tình hình hiện nay. Mỹ rất tức giận với mọi hành động của ông Kim Jong-ul. Nói thẳng ra, những việc này cần được xử lý thận trọng trong thời kỳ chính quyền Barack Obama”.
Triều Tiên có thể “quay lại” danh sách tài trợ cho khủng bố
Theo tờ Sputniknews (Nga) ngày 25 tháng 2, Chính phủ Mỹ đang cân nhắc đưa Triều Tiên quay trở lại danh sách các nước “tài trợ” cho chủ nghĩa khủng bố, do bị nghi ngờ cho người đã sử dụng chất độc thần kinh VX để sát hại ông Kim Jong-nam.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiết lộ trên tờ Nikkei Nhật Bản ngày 1 tháng 3 rằng: “Hiện nay, Mỹ có thái độ cứng rắn chưa từng có đối với Triều Tiên. Khả năng ngăn chặn đối với Triều Tiên được tăng cường”.
Nếu Triều Tiên lại bị đưa vào danh sách các nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố thì việc ba nước Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc kêu gọi tiến hành trừng phạt ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ có “sức nặng” hơn.
Triều Tiên từng bị Mỹ đưa vào danh sách các nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Năm 2008, cựu Tổng thống George Bush tuyên bố Triều Tiên không còn bị liệt vào danh sách các nước tài trợ cho khủng bố. Bởi vì, khi đó, Triều Tiên cho phép các chuyên gia của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế đến thanh tra tất cả các cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10 tháng 2 năm 2017. Ảnh: The Telegraph
Thủ tướng Nhật Bản hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10 tháng 2 năm 2017. Ảnh: The Telegraph

Mỹ có thể tấn công quân sự đối với Triều Tiên
Tờ Nhật báo phố Wall Mỹ ngày 2 tháng 3 tiết lộ, Chính phủ Mỹ đã tiến hành thảo luận về chiến lược đối với vấn đề Triều Tiên, trong đó có cả phương án “sử dụng sức mạnh quân sự hoặc lật đổ chính quyền Triều Tiên để loại bỏ mối đe dọa vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên”. Phương án này sẽ làm cho một số đồng minh của Mỹ ở châu Á rơi vào căng thẳng.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có biện pháp trấn an đồng minh, cho biết Mỹ sẽ không từ bỏ các thỏa thuận đặt nền tảng cho chính sách của Mỹ ở châu Á. Mặc dù vậy, một số nước đã sẵn sàng với sự thay đổi về chính sách của Mỹ.
Ông Donald Trump từng cam kết, Mỹ sẽ ngăn chặn bất cứ hành vi phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nào của Triều Tiên trong tương lai. Đến nay, Mỹ lại phát đi tín hiệu hết sức cứng rắn nêu trên.
Có quan chức Mỹ tiết lộ, vào tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận về tất cả các phương án ứng phó với vấn đề Triều Tiên.
Nhật Bản biết rõ những phương án này, trong đó bao gồm khả năng tiến hành tấn công quân sự của Mỹ đối với Triều Tiên – phương án này có thể được thực hiện trong trường hợp Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nhật Bản cho rằng nếu Triều Tiên chuẩn bị tiến hành vụ thử như vậy thì tình hình sẽ đáng lo ngại.
Hai tuần trước, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Kathleen Troia McFarland đã có cuộc gặp với các quan chức an ninh quốc gia, yêu cầu họ xây dựng một kế hoạch đối phó Triều Tiên. Một quan chức cho biết Mỹ sẽ áp dụng cả những biện pháp không chính thống.

Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận quy mô lớn ở gần biên giới Triều Tiên vào tháng 6 năm 2012 (ảnh tư liệu)
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận quy mô lớn ở gần biên giới Triều Tiên vào tháng 6 năm 2012 (ảnh tư liệu)

Yêu cầu này bao gồm mọi phương án có thể lựa chọn như Mỹ thừa nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hay áp dụng hành động quân sự đối với Triều Tiên. Gợi ý của bà Kathleen Troia McFarland là yêu cầu đánh giá lại một cách toàn diện đối với chính sách Triều Tiên của Mỹ.
Ngày 28 tháng 2, các quan chức an ninh quốc gia Mỹ cung cấp các kiến nghị chobà Kathleen Troia McFarland. Trước khi trình lên cho ông Donald Trump xem xét, những phương án này cần được cân nhắc kỹ lưỡng.