Mỹ và Nga đang bị mắc kẹt trong xung đột địa chính trị đe dọa có thể biến thành một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp – ngay cả khi không nước nào muốn xảy ra điều này. Tóm lại, chiến lược hiện tại của Mỹ đối với Nga không hiệu quả, thay vào đó đang làm Mỹ bó chân, bó tay. Chiến lược này khiến Nga trở nên “hung hăng” hơn bên ngoài và ít dân chủ hơn trong nội địa. Những mối nguy hiểm đang leo thang.
Các công cụ ngoại giao để ngăn chặn xung đột vũ trang từ thời Chiến Tranh Lạnh đã bị bỏ mặc. Việc kiểm soát vũ khí và xác minh các định chế kiểm soát giúp cung cấp một chiến lược ổn định và ngăn chặn chạy đua vũ trang tốn kém đang trong mối nguy bị sụp đổ. Mỹ đã áp hàng chục lệnh trừng phạt với Nga nhưng không có một tác động rõ ràng nào trong cách xử lý chính sách ngoại giao.
Các cuộc hội đàm chính thức và đàm phán phần lớn bị ngưng lại, trong khi tương tác giữa công dân hai nước bị hạ xuống điểm mà cả dư luận hai bên đều không thể hiểu nhau. Trong khi đó, Nga về thực tế đã định hình một hiệp ước thân thiện với Trung Quốc, đối thủ chính của Mỹ trên thế giới. Nga đang trở nên táo bạo hơn trong việc thách thức Mỹ và các đồng minh trong khi mở rộng các hiệp định thương mại an ninh trong khu vực và trên toàn cầu.
Để xét lại chiến lược của Mỹ với Nga, cần phải xác định rõ những lợi ích chiến lược lâu dài của bản thân nước Mỹ. Lợi ích tối cao của Mỹ chính là an ninh quốc gia. Nga vẫn là đất nước duy nhất có thể hủy diệt Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Moscow đang phát triển một thế hệ mới các vũ khí siêu thanh được thiết kế để tránh khỏi hệ thống phòng thủ của Mỹ và đánh vào các mục tiêu với rất ít (hoặc không có) cảnh báo.
Nga có thể ảnh hưởng tới an ninh Mỹ, bao gồm cả việc thay đổi lối sống Mỹ, thậm chí phá hủy các vũ khí tiên tiến thông qua tấn công mạng máy tính của Mỹ. Nga cũng có thể khai thác mạng xã hội để hủy hoại nền dân chủ Mỹ thông qua các chiến dịch tạo thông tin sai lệch, khiến người ta có thể liên tưởng tới các chiến dịch can thiệp chính trị từ thời Liên Xô. Tất nhiên, Mỹ có thể gây tổn hại tới Nga nhưng điều này sẽ đưa hai nước vào tình thế "đảm bảo hủy diệt lẫn nhau".
Nga cũng có những lợi ích chiến lược riêng dù Mỹ có chấp nhận hay bỏ qua điều đó. Để phục vụ lợi ích an ninh của mình, Mỹ cần phải hiểu được điều gì là động cơ thúc đẩy hành động của Nga. Khách quan phân tích những gì Nga đang nhắm tới sẽ giúp xác định rõ Mỹ nên theo đuổi những mục tiêu nào hay đáp trả thế nào với các hành động của Kremlin trong tương lai.
Tiến trình đánh giá lại đã làm rõ: Mỹ cần nhiều công cụ hơn và một chiến lược linh hoạt hơn để đáp trả với các mối nguy, thách thức và thậm chí cả những cơ hội có thể có từ Nga. Mặc dù, việc đối đầu đôi khi là cần thiết nhưng Mỹ cần phải thêm 2 yếu tố chính nữa là: cạnh tranh và hợp tác.
Đối đầu - cạnh tranh - hợp tác là 3 lựa chọn chính sách hợp lý tùy theo tình huống. Nhưng lợi ích của mỗi sự lựa chọn phải được đo lường trên cái giá phải trả và hậu quả có thể xảy ra. Thường xuyên, những lựa chọn gần đây của Mỹ được đưa ra dựa trên việc cho rằng chúng không gây hậu quả tới dư luận và không gây hại cho những lợi ích quan trọng của Mỹ. Ví dụ như sau:
- Mỹ đã bỏ mặc các định chế kiểm soát vũ khí hao mòn thậm chí biến mất và muốn trả tiền để hiện đại hoác các vũ khí hạt nhân chiến thuật - chiến lược cùng các hệ thống vũ khí thông thường với mục đích cùng lúc đối đầu với những cuộc xung đột tiềm tàng tại châu Âu và châu Á? Liệu Mỹ có khả năng để kiểm soát việc phát triển vũ khí của Nga nếu chính Mỹ từ chối việc thẩm tra các thỏa thuận?
- Nếu Mỹ tiếp tục trừng phạt các cá nhân và thực thể Nga, liệu Mỹ có sẵn sàng ưu tiên cho những lĩnh vực đang hợp tác và đối thoại phục vụ cho cả lợi ích của Mỹ và Nga như thám hiểm không gian và xử lý vấn đề cạnh tranh trên Bắc Băng Dương? Liệu giới kinh doanh Mỹ có muốn chịu thua các đối thủ cạnh tranh nước ngoài trong những hợp đồng sinh lợi với các thực thể Nga? Liệu lợi ích từ các lệnh trừng phạt có khiến Mỹ phải trả giá?
- Nếu Mỹ không duy trì đều đặn các mức độ đối thoại — quân đội với quân đội, chính trị với chính trị và các cuộc đàm phán với chính phủ Nga — liệu Mỹ có khả năng ngăn chặn một cuộc xung đột không mong muốn trong thời gian khủng hoảng? Nếu Mỹ cắt bỏ giao lưu văn hóa và giáo dục với Nga thì liệu sự thiếu hiểu biết lẫn nhau có thể dẫn tới sự thù địch không bị ngăn trở?
Với những điều vừa đề cập trên, Mỹ cần có chiến lược bao gồm các yếu tố sau:
- Tiếp tục nhấn mạnh sự ổn định chiến lược thông qua việc thẩm tra các hiệp định kiểm soát vũ khí và những nỗ lực chung để ngăn chặn sự phát triển của vũ khí hạt nhân.
- Thúc đẩy năng lực phòng thủ và tấn công không gian mạng, kết hợp cùng đối thoại với Nga và các nước khác để khuyến khích sự ổn định chiến lược trong lĩnh vực không gian mạng.
- Khôi phục sự tiếp xúc giữa quan chức với quan chứ, công dân với công dân để đảm bảo những kênh đối thoại tồn tại nhằm xử lý cạnh tranh giữa hai nước và thúc đẩy sự thấu hiểu lẫn nhau.
Quan hệ Mỹ - Nga sẽ không cải thiện một cách đột ngột trong tương lai gần. Nhưng Mỹ cần có một bước đi mới nhằm đảm bảo sự cạnh tranh đang gia tăng với Nga không đi chệch hướng và đe dọa những lợi ích an ninh cốt lõi của Mỹ. Mỹ cần một chiến lược vững chắc, song song kết hợp những yếu tố đối đầu, cạnh tranh và hợp tác. Một chiến lược căn cứ vào việc hiểu rõ cái giá phải trả và những hậu quả tiềm tàng đối với mỗi chính sách được lựa chọn.
Những điều trên không phải là nỗ lực để trở thành "bạn" của nước Nga. Chiến lược này cũng không làm Nga thích Mỹ. Nó dựa trên việc đẩy mạnh an ninh quốc gia. Dù thích hay không, xây dựng những con đường tới với Nga là một phần để đảm bảo an ninh cho Mỹ.