Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Mỹ hành động như vậy. Kể từ khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng đến nay, Mỹ đã 7 lần đơn phương rút khỏi các tổ chức quốc tế hoặc các hiệp định, hiệp ước đa phương với lý do các tổ chức hoặc hiệp định, hiệp ước đó “không công bằng, bất lợi cho Mỹ”.
Rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương
Chỉ 3 ngày sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, tổng thống Trump đã nhanh chóng thực hiện chính sách “Ưu tiên nước Mỹ” (American First) của mình bằng cách rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement, TPP). Ông Trump đưa ra quyết định này bởi theo ông “TPP là hiệp định đáng sợ”, là “sát thủ của các cơ hội việc làm của người Mỹ”, “cướp cơ hội việc làm của người Mỹ trao cho các quốc gia có giá nhân công rẻ, làm hại người lao động và ngành chế tạo Mỹ”.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vốn do Mỹ đứng đầu, được khởi xướng và ký kết dưới thời ông Obama làm tổng thống với ý định gắn kết 12 nền kinh tế của 12 quốc gia chiếm 40% quy mô kinh tế của cả thế giới với nhau, trở thành tập đoàn mậu dịch lớn nhất toàn cầu, sẽ chiếm khoảng 1/3 tổng lượng giao dịch thương mại của thế giới.
Ngày 1.6.2017, ông Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
|
Rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Ngày 1.6.2017, ông Donald Trump tuyên bố nước Mỹ rút ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, chấm dứt tất cả sự tham gia liên quan đến Hiệp định Paris năm 2015 về việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ông nói bản hiệp định với việc các quốc gia cam kết ngăn chặn biến đổi khí hậu và việc gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu đã “đem lại vấn đề về tài chính và gánh nặng kinh tế cho Mỹ". Ông Trump cho rằng, Mỹ là nước bị thua thiệt nhất trong Hiệp định này vì các quốc gia khác không chịu gánh vác trách nhiệm, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Trump còn nói, nếu Mỹ không rút khỏi sự ràng buộc của hiệp định này thì đến trước năm 2025 sẽ bị mất tới 2,7 triệu cơ hội việc làm. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố để ngỏ khả năng tái đàm phán để gia nhập lại hiệp định này nhưng với điều kiện là “công bằng với nước Mỹ”.
Quyết định này của ông Trump đã vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ quốc tế cũng như từ giới chính trị, các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp, các nhà khoa học và hoạt động môi trường. Nhiều ý kiến cho rằng, việc rút lui này cho thấy Mỹ suy giảm ảnh hưởng toàn cầu so với Trung Quốc và sự tăng cường vị thế của bà Angela Merkel ở các nước phương Tây.
Điều trớ trêu là, sau quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của ông Donald Trump, chính quyền một loạt tiểu bang như California, New York và Washington lập tức thành lập Liên minh Khí hậu Hoa Kỳ để tiếp tục duy trì hiệp định bất chấp quyết định rút lui của chính phủ liên bang. Sau đó đến lượt các bang Colorado, Connecticut, Hawaii, Massachusetts, Oregon, Rhode Island và Virginia cũng tham gia liên minh này.
Rút khỏi UNESCO
Ngày 12.10.2017, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) với cáo buộc tổ chức quốc tế này “có thiên kiến với Israel”. Khi đó, Tổng thư ký UNESCO bà Irina Bokova đã gọi việc Mỹ rút khỏi tổ chức này là “một tổn thất lớn của mối quan hệ đa phương”. Còn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ “cảm thấy rất lấy làm tiếc” về hành động của Mỹ.
Năm 1984, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, Mỹ cũng đã rút khỏi tổ chức quốc tế có 195 nước thành viên này. Lý do Mỹ đưa ra khi đó là tổ chức này quản lý tài chính yếu kém và có một số chính sách tỏ rõ sự thiên kiến với Mỹ. Đến năm 2002, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush (con) mới tuyên bố gia nhập trở lại.
Tuy nhiên đến năm 2011, sau khi UNESCO công nhận tư cách quốc gia thành viên của Palestin, Tổng thống Obama đã hủy bỏ sự tài trợ kinh phí cho tổ chức này. Trong tuyên bố hôm 12.10.2017 của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngoài cáo buộc UNESCO có "thiên kiến với Israel", còn nói quyết định này thể hiện “mối quan tâm của Mỹ với những khoản nợ quá hạn tại UNESCO và sự cần thiết phải cải cách cơ bản trong tổ chức này”.
Ông Trump tuyên bố rút khỏi UNESCO vì tổ chức này đã có những chính sách chống lại Israel.
|
Từ bỏ Hiệp định hạt nhân với Iran
Vào tháng 7 năm 2015, dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ và 5 nước khác là Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Pháp đã đạt được một hiệp định với Iran. Theo hiệp định này, Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ bãi bỏ phần lớn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Phía Iran thì đồng ý hạn chế kế hoạch hạt nhân của họ và chấp nhận sự kiểm tra chặt chẽ của quốc tế.
Tuy Cơ quan năng lượng hạt nhân quốc tế (International Atomic Energy Agency, IAEA) khẳng định Iran đã tuân thủ thiết thực những cam kết trong hiệp định, nhưng hôm 8.5.2018, ông Donald Trump vẫn đơn phương đưa ra tuyên bố rút khỏi hiệp định này và khôi phục các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Iran. Lý do là vì ông Trump coi hiệp định này là “ngu xuẩn”, “hoang đường”, “một trong những hiệp định tệ hại nhất tôi từng thấy”. Ông cho rằng, hiệp định này đã không ngăn cản Iran phát triển tên lửa đạn đạo, chỉ hạn chế năng lực hạt nhân của Iran chứ không triệt để loại bỏ nó.
Ông Donald Trump cho rằng, ông đang khiến thế giới trở nên an toàn hơn. Tuy nhiên, hành động này đã khiến Mỹ bị cô lập thêm trên trường quốc tế, lòng tin đối với Mỹ bị giảm sút, chữ tín của Washington bị hoài nghi. Cả EU, Nga và Trung Quốc đều lên tiếng phê phán quyết định rút khỏi hiệp định hạt nhân với Iran của ông Trump, chỉ có Israel là ca ngợi.
Theo AP, quyết định này của ông Trump là một “đòn giáng mạnh vào các đồng minh của Hoa Kỳ” và “làm sâu sắc thêm sự cô lập của nước Mỹ trên trường quốc tế”. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích quyết định của ông Trump đối với hiệp định hạt nhân Iran, vốn là di sản ngoại giao của ông. Ông Obama gọi quyết định của ông Trump là “một sai lầm nghiêm trọng”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng đại diện 5 nước khác sau khi ký Hiệp định hạt nhân với Iran năm 2015. Nay ông Trump tuyên bố từ bỏ vì cho rằng, hiệp định này đã không ngăn cản Iran phát triển tên lửa đạn đạo.
|
Rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc
Ngày 19.6.2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley thông báo Mỹ rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc từ thời điểm đó. Mỹ tuyên bố muốn cải cách cái “cơ quan đạo đức giả và vụ lợi”, “tạo ra sự nhạo báng về quyền con người” này nhưng “không có bất cứ quốc gia nào có dũng khí hưởng ứng”.
Một tháng trước khi Mỹ tuyên bố rút lui, Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc quyết định tiến hành điều tra về tình hình giết chóc ở dải Gaza và chỉ trích Israel sử dụng bạo lực quá mức cần thiết. Ban chấp hành gồm 47 nước thành viên này đã thông qua nghị quyết về việc tiến hành cuộc điều tra với 29 phiếu thuận, 14 phiếu trắng, chỉ có 2 nước bỏ phiếu chống là Mỹ và Australia.
Hành động của Mỹ diễn ra khi đang có những lời chỉ trích gay gắt về chính sách của chính quyền Trump về việc cách ly trẻ em và cha mẹ là những người nhập cư qua biên giới Mỹ- Mexico.
Mỹ lúc đầu từ chối tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào 2006 và chỉ bắt đầu tham gia vào 2009 dưới thời Tổng thống Barack Obama rồi được bầu vào lại vào Hội đồng này năm 2012.
Ngày 19.6.2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley thông báo Mỹ rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
|
Rút khỏi Liên minh Bưu chính thế giới
Ngày 17.10, Nhà Trắng đã bất ngờ ra tuyên bố bắt đầu trình tự rút khỏi Liên minh Bưu chính thế giới UPU kéo dài 1 năm và chỉ rõ: quy định hiện hành của UPU đã khiến Mỹ lâm vào tình trạng bị cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến thu nhập của ngành bưu chính Mỹ.
UPU là cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc được thành lập bằng một hiệp ước được ký năm 1874 tại Berne, Thụy Sĩ. Theo giới quan sát, việc từ bỏ thỏa thuận quốc tế này là “đòn đánh” mới nhất của ông Donald Trump nhắm thẳng vào Trung Quốc nhằm gia tăng sức ép thương mại với nước này.
Trong 144 năm qua, hiệp ước UPU đã giúp cộng đồng quốc tế chuẩn hóa các quy định bưu chính nhằm giúp thư tín, bưu kiện, hàng hóa được lưu chuyển trên toàn cầu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một điều khoản được bổ sung vào hiệp ước này năm 1969 lại khiến chính quyền của ông Trump không hài lòng, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang đến hồi khốc liệt. Điều khoản này ưu ái các nước nghèo bằng chính sách ưu đãi cước phí khi quy định các nước đang phát triển có thể chuyển những bưu kiện nhỏ với cước phí thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển như Mỹ.
Điều khoản này nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở các nước nhỏ, giúp họ phát triển kinh tế thông qua hoạt động giao thương toàn cầu. Theo đó, mỗi gói bưu kiện nhỏ gửi từ Trung Quốc tới Mỹ chỉ mất 5 USD cước phí, trong khi gửi từ Mỹ sang Trung Quốc phải mất 19 USD. Quy định này khiến ngành bưu chính Mỹ thiệt hại từ 170 tới 300 triệu USD trong giao dịch với Trung Quốc. Theo ông Trump, điều khoản này còn được Trung Quốc triệt để lợi dụng để tuồn vào Mỹ số lượng lớn những hàng nhái, hàng rởm chất lượng kém, giá rẻ bất chấp việc Mỹ đánh thuế cao khi nhập khẩu.
Quyết định rút khỏi UPU cho thấy quan điểm nhất quán của ông Trump là chống lại những thỏa thuận đa phương bất lợi cho Mỹ và chính quyền của ông sẽ bịt kín mọi lỗ hổng mà Trung Quốc có thể khai thác để gia tăng thâm hụt thương mại với Mỹ. Nó cũng cho thấy ông Trump sẽ không bỏ qua bất cứ công cụ nào có thể sử dụng để gia tăng sức ép với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại.
Với việc ông Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF, quan hệ Mỹ - Nga có thể sẽ xấu đi nghiêm trọng.
|
Rút khỏi Hiệp ước về tên lửa tầm trung (INF) với Nga
Hôm 20.10, ông Donald Trump sau khi tham dự một cuộc mít tinh tranh cử tại bang Nevada đã tuyên bố trước các nhà báo: “Chúng ta tuân thủ hiệp ước, nhưng bất hạnh thay, người Nga thì không. Cho nên chúng ta sẽ chấm dứt việc thực thi và rút khỏi hiệp ước”. Ông Trump phê phán Nga đã vi phạm INF rất nhiều năm và nói: “Tôi không biết vì sao cựu tổng thống Obama lại không đàm phán lại hoặc rút khỏi hiệp ước này. Nhưng chúng ta sẽ không để cho họ tiếp tục vi phạm hiệp ước và đồng thời chế tạo vũ khí. Chúng ta không cho phép (Nga) làm như thế nữa”.
INF là hiệp ước ký giữa hai nước năm 1987 về việc phá hủy các tên lửa đạn đạo tầm trung trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước quy định hai bên phải tiêu hủy toàn bộ tên lửa đạn đạo tầm trung (tầm bắn trên 1.000 đến 5.500km), tên lửa đạn đạo tầm ngắn (500 đến 1.000km) cùng bệ phóng và các thiết bị phụ trợ đang có. Hai bên không được sản xuất và thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn nữa; đồng thời hai bên có quyền giám sát lẫn nhau.
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton khi tới thăm Moscow từ ngày 22.10 có thể sẽ thông báo với các nhà lãnh đạo Nga về kế hoạch này. Một trong những nguyên nhân dẫn tới quyết định này của Mỹ là bởi “Trung Quốc đang ra sức nghiên cứu, phát triển và bố trí những vũ khí tương tự mà không chịu bất cứ sự trói buộc nào, đe dọa tới an ninh của Mỹ”. Ông Trump nói: “Chúng ta sẽ nghiên cứu, phát triển những vũ khí đó (tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm gần) trừ phi người Nga và Trung Quốc tới đàm phán… Nếu không nghiên cứu phát triển loại vũ khí này, nếu chỉ mình chúng ta tuân thủ hiệp ước thì đó là điều không thể chấp nhận”.