Trung Quốc khiến ông Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF?

VietTimes -- Sáng ngày 21.10 theo giờ Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty) mà Mỹ đã ký với Liên Xô năm 1987 với lý do Nga vi phạm những điều khoản quy định của hiệp ước. Phía Nga đã lập tức lên tiếng phê phán Mỹ rút khỏi INF vì nuôi ảo tưởng thiết lập một “thế giới đơn cực”. Nhưng trong sự kiện này, chuyện không chỉ đơn giản là mối quan hệ Mỹ - Nga…
Ông Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF gây nên phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga.
Ông Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF gây nên phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga.

Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung hay còn được gọi là Hiệp ước Tên lửa tầm trung (viết tắt: INF). Đây là Hiệp ước giữa Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết về việc loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn của hai bên, được ký vào tháng 12 năm 1987 giữa hai Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Theo truyền thông Mỹ, ông Donald Trump sau khi tham dự một cuộc mít-tinh tranh cử tại bang Nevada đã nói với các nhà báo trên chiếc Air Force One: “Chúng ta tuân thủ hiệp ước, nhưng bất hạnh thay, người Nga thì không. Cho nên chúng ta sẽ chấm dứt việc thực thi và rút khỏi hiệp ước”. Ông Trump phê phán Nga đã vi phạm INF rất nhiều năm và nói: “Tôi không biết vì sao cựu tổng thống Obama lại không đàm phán lại hoặc rút khỏi hiệp ước này. Nhưng chúng ta sẽ không để cho họ tiếp tục vi phạm hiệp ước và đồng thời chế tạo vũ khí. Chúng ta không cho phép (Nga) làm như thế nữa”.

Tên lửa 9M729 – loại tên lửa mà Mỹ cáo buộc vi phạm, trong khi Nga nói vẫn phù hợp với quy định của INF.
Tên lửa 9M729 – loại tên lửa mà Mỹ cáo buộc vi phạm, trong khi Nga nói vẫn phù hợp với quy định của INF. 

Theo hãng tin AP, Mỹ cho rằng Nga đã nghiên cứu, sản xuất và bố trí loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729 vi phạm những quy định trong hiệp ước. Về việc này, phía Nga từng lên tiếng phủ nhận việc họ vi phạm Hiệp ước INF. Trái lại, Nga còn cáo buộc Mỹ bố trí hệ thống tên lửa phòng thủ ở Đông Âu lấy cớ đối phó với Iran. Những tên lửa này có thể chuyển thành tên lửa hành trình tầm trung được sử dụng để tấn công Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18.10 đã tuyên bố mạnh mẽ nếu Nga bị tập kích bằng tên lửa, sẽ tiến hành trả đũa bằng vũ khí hạt nhân. Ông nói: “Những kẻ phát động tiến công nước Nga chỉ có đường chết, thậm chí không có thời gian để hối hận”. Tuy nhiên, ông Putin bổ sung, Nga chỉ sử dụng đòn đánh hạt nhân trong tình hình hệ thống cảnh giới phát hiện tên lửa đã rời bệ phóng nhằm hướng Nga bay tới.

INF là hiệp ước ký giữa hai nước về việc phá hủy các tên lửa đạn đạo tầm trung trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước gồm 17 điều, quy định hai bên phải tiêu hủy toàn bộ tên lửa đạn đạo tầm trung (tầm bắn trên 1.000 đến 5.500km), tên lửa đạn đạo tầm ngắn (500 đến 1.000km) cùng bệ phóng và các thiết bị phụ trợ đang có. Hai bên không được sản xuất và thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn nữa, đồng thời hai bên có quyền giám sát lẫn nhau.

Được biết trước đây, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton đã đề nghị Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp ước INF và sẽ  chính thức nêu lên kế hoạch này trong chuyến thăm Nga tới đây. Tờ The New York Times ngày 19.10 đưa tin, ông John Bolton khi tới Moscow vào tuần sau có thể sẽ thông báo với các nhà lãnh đạo Nga về kế hoạch này.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Xô R.Reagan và M.Gorbachov sau khi ký Hiệp ước INF tháng 12.1987.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Xô R.Reagan và M.Gorbachov sau khi ký Hiệp ước INF tháng 12.1987. 

Một trong những nguyên nhân dẫn tới quyết định quan trọng này của Mỹ là bởi “Trung Quốc đang ra sức nghiên cứu, phát triển và bố trí những vũ khí tương tự mà không chịu bất cứ sự trói buộc nào, đe dọa tới an ninh của Mỹ”. Trang tin Đông Phương viết, tuy chỉ có hai bên Mỹ và Nga ký kết Hiệp ước INF, nhưng ông Trump đã gắn quyết định rút khỏi hiệp ước với Trung Quốc. Ông Trump nói: “Chúng ta sẽ nghiên cứu, phát triển những vũ khí đó (tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm gần) trừ phi người Nga và Trung Quốc tới đàm phán. Tất cả mọi người chúng ta đều cần thông minh một chút. Nếu không nghiên cứu phát triển loại vũ khí này, nếu chỉ mình chúng ta tuân thủ hiệp ước thì đó là điều không thể chấp nhận”.

Ông Trump mô tả tên lửa tầm trung là “loại vũ khí hạt nhân đáng sợ”, nhưng nhấn mạnh Mỹ có nguồn tiền lớn để phát triển sức mạnh quân sự: “Chỉ cần có ai tiếp tục vi phạm hiệp ước thì chúng ta sẽ không phải là bên duy nhất tuân thủ hiệp ước đó”.

Có chung quan điểm kéo Trung Quốc vào cuộc là ông Tom Cotton, Chủ tịch Tiểu ban hoạch định kế hoạch tác chiến không – bộ thuộc Ủy ban quân vụ Thượng nghị viện – người đang có tin đồn sẽ thay thế Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trong tương lai. Tom Cotton nói: “Hiện nay, người Nga đang công khai lừa dối và vi phạm hiệp ước này, Trung Quốc đang tích trữ những loại vũ khí này với quy mô lớn vì họ căn bản không chịu bất cứ ràng buộc gì”.

Ông Abraham Denmark, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách vấn đề Đông Á dưới thời Tổng thống Obama hôm 19.10 cũng cho rằng: Trung Quốc không phải là bên tham gia Hiệp ước INF nên đang phát triển và bố trí tên lửa tiên tiến có tầm bắn xa hơn. Việc rút khỏi hiệp ước sẽ “nới lỏng sự trói buộc”, giúp quân đội Mỹ bố trí những hệ thống vũ khí hiệu quả hơn để đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc.

Một số đồng minh của Mỹ như Đức thì tỏ ra lo ngại việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF sẽ làm cuộc chạy đua vũ khí gay gắt thêm, không có lợi cho hòa bình thế giới và trong khu vực.

Ông Frants Klintsevich, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh Liên bang Nga tuyên bố, Mỹ không có bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh sự vi phạm của Nga đối với Hiệp ước INF.
Ông Frants Klintsevich, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh Liên bang Nga tuyên bố, Mỹ không có bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh sự vi phạm của Nga đối với Hiệp ước INF.  

Phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, sáng 21.10, ông Frants Klintsevich, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh Liên bang Nga tuyên bố, Mỹ không có bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh sự vi phạm của Nga đối với Hiệp ước INF và Washington đang tìm cách lôi kéo Moscow vào một cuộc chạy đua vũ trang. Ông nói: "quyết định này được Mỹ đưa ra không tính đến lợi ích của các quốc gia đồng minh ở châu Âu – những nước từng phản kháng trực tiếp đối với chiến lược chuyển động đột ngột mà Mỹ liên tục theo đuổi trên chính trường quốc tế trong những năm qua”. Frants Klintsevich trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn TASS: “Họ muốn lôi kéo chúng ta (Nga) vào một cuộc chạy đua vũ trang, giống như cuộc chạy đua vũ trang xảy ra trước đây với Liên bang Xô viết. Điều đó không đem lại lợi ích gì. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng đất nước chúng ta sẽ luôn có thể đảm bảo an ninh trong mọi hoàn cảnh”.

Chiều ngày 21.10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của Mỹ về việc Nga vi phạm Hiệp ước INF. Ông nói: “Chúng ta đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, những lời buộc tội của Mỹ về việc Nga vi phạm hiệp ước này là hoàn toàn không có cơ sở”. Ông Ryabkov nói, Mỹ đã nhiều năm nay cố kiếm cách củng cố những cáo buộc ngụy tạo chống lại Nga và tuyên bố, nếu Mỹ tiếp tục đơn phương rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, Nga sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa, kể cả các biện pháp quân sự. Ông nói: “Đây là một bước đi nguy hiểm…Tôi khẳng định hành động này của Mỹ không những không nhận được sự đồng tình của cộng đồng quốc tế mà còn bị lên án mạnh mẽ”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov: nếu Mỹ tiếp tục đơn phương rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, Nga sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa, kể cả các biện pháp quân sự.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov: nếu Mỹ tiếp tục đơn phương rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, Nga sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa, kể cả các biện pháp quân sự.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Dmitry Peskov khẳng định: Nga chưa bao giờ vi phạm INF và vẫn sẽ tiếp tục tuân thủ hiệp định trong tương lai. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga nói các tên lửa 9M729 – loại tên lửa mà Mỹ cáo buộc vi phạm – vẫn phù hợp với quy định của INF và chưa được nâng cấp hay thử nghiệm nâng cấp lên phạm vi bị cấm. Ông cho rằng Mỹ chưa cung cấp được bất cứ bằng chứng nào cho thấy Nga vi phạm quy định với việc triển khai các tên lửa này.

Được biết, Hiệp ước Mỹ - Xô về Lực lượng hạt nhân tầm trung được hai nhà lãnh đạo Ronald Regan và Mikhail Gorbachev ký tại Washington tháng 12.1987 quy định: hai bên đồng ý phá hủy tất cả các tên lửa tầm gần (xạ trình từ 500 đến 1.000km) và tên lửa tầm trung (trên 1.000 đến 5.500km), bao gồm các tên lửa thông thường và mang đầu đạn hạt nhân cùng các bệ phóng đặt trên đất liền. Tính đến nay, hai bên đã phá hủy 2.692 quả tên lửa thuộc hai loại này.