Đúng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – bày tỏ trong lần đầu gặp Du Tử Lê: “Chúng ta mang cảm giác về sự gặp nhau này là của một người đi vắng rất lâu, nay đã trở về. Điều đó cho thấy rằng thi ca đã đi đúng con đường của nó, dù sớm hay muộn, vẫn trở về nơi nó cất lời.”
Thú vui ngồi vỉa hè
Tôi thấy mình may mắn khi được gặp Du Tử Lê trong lần hiếm hoi ông có mặt ở Hà Nội. Sự giản dị, nụ cười thân thương và đặc biệt là phông tri thức sâu rộng của ông để lại ấn tượng đặc biệt, như nhà thơ Bằng Việt nhận xét: “Du Tử Lê là một người nhã nhặn, khiêm tốn, một trí thức lớn, tiềm ẩn một vốn hiểu biết sâu rộng.”
Về Hà Nội, thi sĩ Du Tử Lê vẫn thích thú khi được ngồi vỉa hè. Nhìn ông già bé nhỏ, gương mặt hiền lành ngồi bên hàng chè chén, khó có thể nghĩ đó là một trong “7 vì sao Bắc đẩu" của nửa thế kỷ thi ca Việt Nam, một thi nhân nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
Bên cửa sổ một quán cà phê nằm trên con phố Ấu Triệu, ông rủ rỉ trò chuyện với chúng tôi bằng âm giọng Bắc khá chuẩn, tuy ông xa quê đã suýt soát 6 thập kỷ. Thỉnh thoảng, ông hóm hỉnh buông một câu đùa, kèm nụ cười cởi mở, tựa hồ như ông không thể đã ở tuổi ngoài 70 với nhiều trọng bệnh: bị ung thư ruột phải mổ 2 lần, cùng 2 u nhỏ trong phổi...
Du Tử Lê là người giữ kỷ lục về số thơ được phổ nhạc với hơn 300 bài, trong đó, nhiều bài được 6 nhạc sĩ cùng phổ như “Ơn em”, “Ca khúc của Lê”. Tôi hỏi ông có khi nào các nhạc sĩ giải thích lý do thích phổ nhạc thơ ông không, thì ông bảo, chẳng ai giải thích. Nhưng ông có hỏi vì sao lại phổ bài nhiều người đã phổ thì họ nói, muốn cho bài thơ một cái nhìn khác, một giai điệu khác. Người đầu tiên phổ bài “Ơn em” là Phạm Duy và giữ nguyên nhan đề “Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau”, sau đó, Từ Công Phụng nói có thể cho bài thơ một góc nhìn khác và phổ tiếp.
Du Tử Lê (ảnh: Nguyễn Đình Toán) |
“Bài thơ cũng giống bức tranh, cảm nhận buồn hay vui, thích hay không tùy góc độ đứng và ngắm nhìn. Mỗi tác phẩm đều có định mệnh riêng, giống như con người và định mệnh “Ơn em” của Từ Công Phụng may mắn hơn, tốt đẹp hơn bài của Phạm Duy” – Du Tử Lê chia sẻ.
Thi sĩ Du Tử Lê qua đời lúc 8h6’ tối thứ hai 7-10 (giờ Mỹ) tại nhà riêng ở Garden Grove (Mỹ), hưởng thọ 77 tuổi. Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942, tại Kim Bảng, Hà Nam. Ông làm thơ rất sớm và là nhà thơ có tiếng tại miền Nam từ trước 1975. Du Tử Lê định cư tại Mỹ sau ngày 30-4-1975. Ông là một trong sáu nhà thơ Việt Nam thế kỷ 20 có thơ dịch trong tuyển tập World Poetry - An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time . Ông từng thuyết trình về sáng tạo thơ ca tại các trường đại học ở Mỹ, Pháp, Đức và Úc. |
Phá cách thơ lục bát
Một điều rất lạ trong thơ lục bát của Du Tử Lê là nhiều khi, ông không tuân theo vần luật nghiêm cẩn của thơ, nhưng vẫn có sức hấp dẫn với độc giả. Trong cuộc trò chuyện, tôi có đem thắc mắc ấy ra để hỏi ông đó là sự cố ý hay chỉ là do cảm xúc đưa đẩy, thì Du Tử Lê cười và kể rằng năm 1966, khi ông đăng bài thơ đầu tiên, cũng có người bạn bảo: “Lục bát gì kỳ vậy?”
Rồi ông giải thích: “Lục bát có 2 loại vần: vần ôm đòi hỏi chặt chẽ, còn vần rộng không nhất thiết phải chặt chẽ. Lục bát truyền thống đi theo nhịp đều đều, êm ả, nên có thể dùng để ru con. Nhưng tôi thấy mình không thể đánh lừa người đọc bằng sự du dương của lục bát, vì thời của tôi rất gập ghềnh, bấp bênh và bất trắc, không biết ngày mai còn sống hay không, nên tôi nghĩ, sao không phá nhịp đi cũ để cho nó một nhịp khác, gập ghềnh và bất trắc như đời sống? Tôi loại trừ âm trắc ở chữ thứ 4 trong câu 6, đổi hẳn nhịp đi, để có những câu thơ chỉ toàn âm bằng, diễn tả một điều gì sâu lắng, hay những điều mà chỉ thi ca mới cho phép.”
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi của Việt Nam đã dự buổi ra mắt tập thơ của thi sĩ Du Tử Lê tại Hà Nội (ảnh: Thanh Hằng) |
Nỗ lực thay đổi luật lệ thơ lục bát của Du Tử Lê mãi sau này mới được chấp nhận. Năm 1991, Nguyễn Hưng Quốc là người đầu tiên nhìn ra sự đổi mới lục bát của Du Tử Lê: “Đổi mới của Du Tử Lê là điều chúng ta không thể không công nhận. Lục bát kể từ sau Du Tử Lê là lục bát khác.” (cuốn “Nghĩ về thơ”)
Bút danh Du Tử Lê mang nghĩa gì?
Những bài thơ tình của Du Tử Lê mang đến cảm giác ông luôn trải qua những cảm xúc lộng lẫy của yên bình và hạnh phúc. Nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy. Theo Du Tử Lê, ông có một tuổi thơ đầy mặc cảm, không hề có bạn. Vì ngày nhỏ, ông có bàn tay 6 ngón. Lũ bạn nhỏ luôn trêu chọc, ông giấu tay trong túi mà vẫn bị chúng kéo ra, giơ lên. Vì thế, ông chỉ loanh quanh ở nhà với mẹ, chị vú, chị gái và chơi những trò chơi của con gái: đánh chuyền, ô ăn quan… rất giỏi.
13 tuổi gia đình cho đi hướng đạo để ông đỡ tự ty, nên nhút nhát mới thu hẹp. “Chính vì sống cách biệt trong mặc cảm, mà tôi đọc sách rất sớm. Bất cứ cuốn nào có trong nhà, kể cả “Lạnh lùng”, “Cô giáo Minh”, tôi đều đọc, mặc dù không hiểu nhưng vẫn thấy hay. Và viết là một lối thoát giải tỏa tâm lý, dồn nén trong con người” – Du Tử Lê tâm sự.
Cũng như nhiều người, tôi tò mò về bút danh Du Tử Lê của ông, thì được ông kể, khi ông lớn lên, gia đình rất thất vọng, vì thời đó, trong nhà có đứa con yêu văn chương, âm nhạc, giống như một tai họa, bất hạnh cho gia đình. Anh trai ông đã nặng lời để buộc ông từ bỏ văn chương. Giận anh, ông “chống lại” bằng cách bỏ nhà đi từ năm 14 tuổi, sống nhờ bạn bè.
“Tôi thích một bài thơ Đường, nhan đề là “Du Tử ngâm”. Du Tử là đứa con xa mẹ và tôi họ Lê nên “Du Tử Lê” có nghĩa là đứa con xa mẹ dòng họ Lê. Và chính thức dùng bút hiệu Du Tử Lê. Vì tôi yêu mẹ tôi lắm. Góa bụa khi rất trẻ, bà ở vậy nuôi các con. Khi tôi bắt đầu nổi tiếng, được báo chí, họ hàng nhắc tới thì mẹ tôi chỉ thốt lên: “Ôi giời ơi, văn chương gì chú ấy, người thì lẻo khẻo, mà chỉ thấy hút thuốc lá nhiều” – Du Tử Lê nhớ lại và cười rất hiền.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và nhà thơ Du Tử Lê (ảnh: Thanh Hằng) |
“Khúc Thụy du”ra đời trong hoàn cảnh nào?
Đến bất cứ đâu, đều có thể nghe những vang âm của “Khúc Thụy du” bay lên. Nhưng không phải ai cũng biết bài thơ của ông ra đời và bước vào âm nhạc thế nào.
Buổi sáng đó ở Hà Nội, Du Tử Lê đã kể cho tôi nghe về hoàn cảnh ra đời của bài thơ nổi tiếng ấy: Vào đầu năm 1968, mối tình của ông với cô sinh viên trường Dược tên Thụy Châu vừa chớm nở, thì chiến trận xảy ra. Là phóng viên chiến trường nên ông phải đi theo dõi một trận đánh ở ngoại ô Sài Gòn. Nơi đó, người dân bỏ đi tránh đạn, chó mèo từ những căn nhà hoang tràn ra đường kiếm ăn, gặm cả xương người, khiến Du Tử Lê cực kỳ ám ảnh.
Tháng 4-1968, khi tờ Văn được xuất bản trở lại, tòa soạn đề nghị ông gửi thơ để đăng và ông đã viết về điều đã ám ảnh đó. “Khúc Thụy du” không phải là bài thơ tình, mà tình yêu chỉ là câu hỏi nhỏ “trong hoàn cảnh chiến tranh thì số phận những người trẻ yêu nhau, định mệnh sẽ ra sao? Định mệnh lớn hơn là con người sống như thế nào, tìm được cái gì, đem được cái gì khi cái chết cận kề?”
Thi sĩ Du Tử Lê (ảnh: Thanh Hằng) |
“Khi tôi tái bản cuốn thơ, nhạc sĩ Anh Bằng mua rồi phổ nhạc bài “Khúc Thụy du”. Ông đến tìm tôi và nói: “Tôi mới phổ bài thơ của anh, anh muốn ai sẽ hát bài đó,” thì tôi mới biết bài thơ đã được phổ nhạc. Nhưng Anh Bằng chỉ chọn những câu thơ về tình yêu. Lúc ấy, tôi không biết Anh Bằng là ai, nhưng về sau, chúng tôi trở thành bạn thân”- Du Tử Lê nhớ lại.
Mặc dù bài hát “Khúc Thụy du” rất nổi tiếng, Du Tử Lê vẫn bảo ông chỉ ưng ý về giai điệu, chứ không hài lòng về nội dung. Trong một cuộc phỏng vấn của Trung tâm Asia, khi ca khúc đã nổi danh, Du Tử Lê đã nói ông không nghĩ thơ của ông thích hợp với Anh Bằng, vì trong cái nhìn của ông, Anh Bằng thích hợp với những bản nhạc, bài thơ có tính chất phổ thông, còn “Khúc Thụy du” không phải là thơ tình, mà tình yêu chỉ là một gam màu nhạt trong tổng thể của bài thơ. Tuy nhiên, ông cũng cám ơn Anh Bằng đã chắp thêm đôi cánh cho bài thơ đến với mọi người nhiều hơn.
Mê về cội gốc
Nổi tiếng ở nước ngoài, nhưng Du Tử Lê vẫn quay về Việt Nam in những bài thơ xinh xắn về “thuở mới lớn”, như một sự gạn đục khơi trong với cội nguồn. Bởi ông bảo, mặc dù xa xứ bao năm, ông vẫn không nguôi nỗi nhớ quê hương và bởi, nhà văn lớn đến mấy, thành công đến mấy, cũng phải được dân tộc, ngôn ngữ của chính họ nhìn nhận, rồi từ đó tỏa ra, mới thực sự là nhà văn.
“Tôi thì ngược lại, do hoàn cảnh đất nước, nên tác phẩm của tôi được thế giới nhìn nhận, nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ. Vì thế, ngoài 70 tuổi tôi vẫn khao khát sách của mình được in chính thức ở quê nhà. Tôi cũng muốn in tập tùy bút, dạng bán hồi ký, ở Việt Nam, để người đọc hiểu hơn những thầm kín suốt cuộc đời tôi, những ê chề tai tiếng và cả những cuộc tình đã qua… Tôi luôn nhớ về Việt Nam với nỗi nhớ khủng khiếp. Tôi mê về Việt Nam, chỉ vì thích ngồi ở lề đường…” – Du Tử Lê giãi bày.