Sau khi VietTimes đăng bài “Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi): Xóa giấy phép hành nghề vĩnh viễn, thời hạn chỉ còn 5 năm”, Tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề này, đồng thời, đặt ra nhiều câu hỏi như việc thay đổi thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề có thật sự là cần thiết? hay thời gian thực hiện cấp phép hành nghề có thời hạn? khâu tổ chức cấp phép thế nào để không gây xáo trộn, khi hiện có hàng chục ngàn người hành nghề? vv… Để giải đáp những thắc mắc này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Lê Quang Cường - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia - xung quanh việc thay đổi thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề trong dự Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi):
Việt Nam là nước “chậm chân” ở châu Á
Thưa ông! Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) quy định cần thi đánh giá năng lực làm điều kiện cấp giấy phép hành nghề. Điều này dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
GS.TS. Lê Quang Cường: Việc kiểm tra năng lực cơ bản để cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh là thông lệ quốc tế với mục đích tối thượng là đảm bảo an toàn cho người bệnh. Việc này đáng lẽ phải được triển khai từ lâu, tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau mà Việt Nam vẫn chưa thực hiện.
Ở khu vực châu Á, Việt Nam là một trong hai nước cuối cùng chưa quy định phải thi đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề và khi đã cấp thì giấy phép lại có giá trị vĩnh viễn. Ngay cả hai nước bạn cạnh chúng ta như Campuchia cũng đã yêu cầu đánh giá năng lực để cấp giấy phép hành nghề từ hơn 10 năm nay và Lào cũng đã đưa quy định này vào Luật và thử nghiệm thi từ năm nay cho đối tượng là điều dưỡng.
Nhận thấy sự cần thiết này nên Nghị quyết Trung ương 20 đã chỉ đạo cụ thể là cần “Thành lập Hội đồng Y khoa, tổ chức thi đánh giá năng lực, làm điều kiện để cấp giấy phép hành nghề”. Chính vì vậy mà quy định này được đề xuất đưa vào dự Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này.
Với việc cấp giấy phép hành nghề có thời hạn, hiện sẽ có rất nhiều người buộc phải thi. Bộ Y tế sẽ tổ chức thực hiện như thế nào và thời gian thực hiện từ bao giờ, để không gây xáo trộn xã hội, thưa ông?
GS.TS. Lê Quang Cường: Từ trước đến nay chúng ta không cấp lại giấy phép hành nghề, cũng chưa có việc thi để cấp giấy phép hành nghề. Nếu tất cả nhân viên y tế đang hành nghề hiện nay phải thi thì việc dư luận băn khoăn là có cơ sở.
Về việc này Ban soạn thảo Luật Khám, chữa bệnh cũng đã rất lưu tâm. Để việc vận hành hệ thống nhân lực của hệ thống y tế không bị xáo trộn, dự kiến nếu Luật Khám, chữa bệnh được Quốc hội thông qua, lần thi chính thức đầu tiên sẽ chỉ tổ chức sau 6 năm nữa, tức là khóa học sinh năm tới bắt đầu vào trường, khi tốt nghiệp sẽ cần qua kỳ thi này để nhận giấy phép hành nghề.
Tất cả những người đang hành nghề và sẽ hành nghề trong 5 năm tới vẫn thực hiện theo qui định cũ (tức là không thi). Tuy nhiên, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất khi cấp lại giấy phép hành nghề, người thầy thuốc cần có các minh chứng về việc cập nhật những kiến thức nhất định, mục đích cũng chỉ để đảm bảo năng lực khám, chữa bệnh phù hợp với sự thay đổi của mô hình bệnh tật. Khi cấp lại sẽ không cần thi.
Đây cũng là cách thức các nước phát triển đang triển khai. Dựa trên hệ thống IT rất tốt, cơ quan quản lý dễ dàng xác định các minh chứng về các hội thảo, lớp học… của các hồ sơ xin cấp lại giấy phép, khi đủ điểm theo quy định, giấy phép được gia hạn tự động.
Việc cấp giấy phép hành nghề có thời hạn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh |
Việc tổ chức thi đơn giản, có thể với số lượng lớn
Việc tổ chức thi cấp giấy phép hành nghề dự kiến sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?
GS.TS. Lê Quang Cường: Thi cấp giấy phép hành nghề sẽ có 2 phần: lý thuyết và thực hành.
Thi lý thuyết trong cấp giấy phép hành nghề không phải như thi ở các trường là thầy ngồi hỏi, mà là thi trên máy tính. Có một ngân hàng câu hỏi cho các nhóm năng lực khác nhau. Tại mỗi đợt thi, Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ rút ra khoảng hơn trăm câu.
Về việc này, đã có ý kiến đặt ra là tại sao ở các trường đại học đã thi rồi mà giờ còn thi lại ? Chúng tôi xin trả lời: Thi giấy phép hành nghề là thi giải quyết tình huống, không đơn thuần là thuộc bài. Các câu hỏi trong kỳ thi đánh giá năng lực sẽ tập trung vào những tình huống bệnh lý cơ bản, thường gặp ở thực tế Việt Nam với mong muốn người thầy thuốc mới ra trường có thể tự xử lý đúng, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Thông qua kết quả kiểm tra năng lực học sinh trường mình đào tạo, các cơ sở đào tạo sẽ rút kinh nghiệm trong xây dựng chương trình để học sinh có thể ngày càng xử trí các tình huống trên thực tế tốt hơn. Đây cũng là một ý nghĩa của các kỳ thi đánh giá năng lực.
Việc tổ chức thi cũng không quá phức tạp khi thi trên máy tính. Ở những nước tương đồng với Việt Nam thì ngân hàng câu hỏi do Hội đồng Y khoa Quốc gia quản lý. Khi tổ chức thi có thể chọn, thuê các trường đại học có cơ sở khảo thí, hệ thống máy tính tốt, đưa câu hỏi vào các máy tính (mỗi người thi một máy). Hết giờ máy tự động báo người thi giải quyết được bao nhiêu tình huống và sẽ đạt hay không đạt. Mỗi lần thi lý thuyết khoảng 3 tiếng. Có thể tổ chức thi ở cả 3 miền Bắc - Trung -Nam, một năm có thể có 2 kỳ thi. Với cách tổ chức thi như vậy, người thi không phải đi lại nhiều, tương đối thuận tiện.
Liên quan đến thi thực hành, dự kiến cũng sẽ tận dụng thuê hoặc trưng dụng các cơ sở có trung tâm mô phỏng đủ điều kiện để tiến hành. Tuy nhiên phần thi thực hành sẽ thực hiện chậm hơn một bước.
Việc cấp giấy phép hành nghề sẽ buộc các thầy thuốc phải thường xuyên cập nhật kiến thức để phục vụ người bệnh tốt hơn |
Với việc tổ chức thi cấp giấy phép hành nghề, Bộ Y tế và Hội đồng Y khoa Quốc gia hy vọng sẽ cái thiện được chất lượng khám, chữa bệnh?
GS.TS. Lê Quang Cường: Việc thi đánh giá năng lực có 2 ý nghĩa: Đánh giá năng lực cơ bản người bác sĩ cần phải đạt được trước khi ra làm việc độc lập. Vì hiện chưa ai đánh giá được những sự cố xảy ra là do đâu, nên hy vọng việc thi này sẽ hạn chế được sự cố. Ý nghĩa thứ 2 nhân văn hơn, sâu xa hơn là thông qua kết quả thi, phản hồi lại cho cơ sở đào tạo rằng trường đã tạo ra những con người có đủ năng lực đó chưa, từ đó, điều chỉnh cách giảng dạy. Tức là, cung cấp lại cho các cơ sở đào tạo biết là thiếu cái gì và cái gì cần bổ sung, cái gì chưa cần đào tạo ngay.
Với cách tư duy như trên, ông có sợ rằng, các trường đại học y khoa sẽ cho rằng, Hội đồng Y khoa Quốc gia đang muốn chi phối toàn bộ chương trình giảng dạy của các trường đại học y - kể cả những trường đã có tên tuổi cả trăm năm - trong cả nước hay không? Nhất là thực tế, Hội đồng Y khoa Quốc gia không thể và không đủ khả năng để làm việc đó?
GS.TS. Lê Quang Cường: Ý nghĩ đó là có và thậm chí, họ không chỉ sợ bị chi phối mà còn ngại sinh viên bị trượt nhiều ảnh hưởng đến uy tín nhà trường. Trường nào cũng mong muốn sinh viên của mình đào tạo chăm sóc người bệnh tốt, nhưng không có cái gương để soi, thì làm sao biết chỗ nào mình chưa được để sửa?
Để tháo gỡ những băn khoăn nêu trên, dự kiến Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ có các đại diện của các trường lớn tham gia, để biết những loại năng lực nào phải tập trung đào tạo. Tất cả chúng ta làm là vì cái chung, đó là chất lượng khám, chữa bệnh và an toàn người bệnh. Từ trước nay không thi, vẫn khám chữa bệnh. Nay chỉ cần nói đến thi thì đã có động lực học tốt hơn. Khi thi, tùy theo nhu cầu nhân lực để quyết định cho từng giai đoạn. Bộ câu hỏi thi giống như bộ sàng, mắt sàng ngày càng nhỏ lại thì chất lượng ngày càng được nâng cao lên. Độ “khó” sẽ nâng dần, tránh được việc shock khi thi cử, trường trượt nhiều trường trượt ít.
Có thể xảy ra trường hợp thế này: Các trường đại học y nói rằng chúng tôi lấy tiêu chí an toàn người bệnh, còn Hội đồng Y khoa cũng nói thế, thì ai sẽ làm trọng tài giữa 2 nơi này?
GS.TS. Lê Quang Cường: Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ gồm tập hợp gồm đại diện các cơ sở đào tạo, đại diện các cơ sở sử dụng nhân lực, cơ quan quản lý, y tế công lập và tư nhân … để thống nhất chúng ta phải đạt chuẩn thế nào.
Việc thi cấp giấy phép hành nghề cũng nhằm phản hồi để các trường đại học y biết về chất lượng đào tạo |
Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ xây dựng chuẩn năng lực
Nhiều người đang đặt câu hỏi về việc Hội đồng Y khoa sẽ do cấp nào quản lý, thưa ông?
GS.TS. Lê Quang Cường: Về nguyên tắc cơ sở chịu trách nhiệm đánh giá năng lực (ở Việt Nam là Hội đồng Y khoa Quốc gia) là độc lập khỏi cơ quan quản lý. Họ có thể là tổ chức tư nhân được Nhà nước ủy quyền, có thể là một Viện thuộc Chính phủ… Ở Việt Nam do xu hướng hiện nay là tinh giản biên chế, hạn chế phát sinh tổ chức (tất nhiên khi cần vẫn phải thành lập tổ chức mới) nên theo tôi, mô hình theo Hội đồng Giáo sư Nhà nước hiện nay là phù hợp hơn cả.
Đó là một Hội đồng gồm nhiều thành phần có quyền lợi liên quan, không hưởng lương, có vai trò tham dự vào các quyết sách quan trọng. Bộ phận văn phòng khoảng 15 người vận hành các công việc của Hội đồng. Nhóm này cần được hỗ trợ kinh phí thường xuyên vì họ đang thực hiện một dịch vụ công. Khi triển khai, sẽ có các cơ chế tài chính phù hợp để hoạt động này được duy trì ổn định.
Ông có thể cho biết ngân hàng câu hỏi sẽ được xây dựng thế nào, thưa ông?
GS.TS. Lê Quang Cường: Ngân hàng câu hỏi sẽ dựa trên mô hình bệnh tật của Việt Nam,những năng lực cơ bản một người thầy thuốc phải có, những thông tin phản hồi hiện nay những tai biến gì hay xảy ra.. Nội dung câu hỏi sẽ do các giáo sư, thày thuốc có kinh nghiệm đề xuất. Một nhóm kỹ thuật chuẩn hóa câu hỏi sẽ được đào tạo để hoàn thành các câu hỏi này theo đúng qui định.
Ngân hàng câu hỏi sẽ do Hội đồng Y khoa Quốc gia kiểm duyệt?
GS.TS. Lê Quang Cường: Hội đồng Y khoa Quốc gia gồm 27-29 người, do Thủ tướng quy định, gồm đại diện các cơ sở đào tạo chính, các cơ sở sử dụng nhân lực chính của y tế công và y tế tư, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Y tế vv…. để thông qua các chuẩn năng lực, như chuẩn năng lực của bác sĩ, của điều dưỡng, của nữ hộ sinh vv…và các trường sẽ dựa trên chuẩn năng lực đó xây dựng chương trình đào tạo, để khi thi sẽ đạt chuẩn năng lực.
Sẽ có 2 nhóm xây dựng câu hỏi. Một đội chuyên môn là các giáo sư của từng chuyên ngành sẽ đưa ra các câu hỏi của chuyên ngành đó, các đội kỹ thuật sẽ điều chỉnh các câu hỏi cho chặt chẽ. Dựa trên cơ sở đó người ta sẽ xây dựng câu hỏi và đưa vào Ngân hàng câu hỏi.
Ông có cho rằng, vấn đề quan trọng nhất để chuẩn bị cho 6 năm sau, là ngay từ bây giờ, giữa Hội đồng Y khoa quốc gia và các trường đại học sức khỏe phải ngồi lại, thảo luận trên tinh thần hợp tác và thống nhất về chuẩn năng lực?
GS.TS. Lê Quang Cường: Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ có đại diện của các trường đại học y khoa nòng cốt của Hội đồng Hiệu trưởng tham gia, là Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Huế và Đại học Y TP.Hồ Chí Minh; các bệnh viện (BV) lớn như BV Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế; Hiệp hội Y tế tư nhân, BV Vinmec cũng có đại diện tham gia. Họ sẽ là những thành viên thống nhất các chuẩn năng lực để trình Bộ Y tế ban hành, làm cơ sở để các trường phát triển chương trình đào tạo.
Cám ơn ông đã trao đổi!