Căng thẳng với Trung Quốc, Ấn Độ điều Su-30MKI chặn biên giới
VietTimes -- Căng thẳng ở cao nguyên Doklam đang tăng nhiệt khi Trung Quốc xây dựng một khu phức hợp quân sự khổng lồ chỉ cách biên giới Ấn Độ 10km. Ấn Độ đang điều chiến đấu cơ ra gần khu vực chiến lược này với mục đích ngăn chặn Trung Quốc.
Do căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, không quân Ấn Độ đã đưa 4 chiếc máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKI tới Hasimara - căn cứ không quân gần nhất của Ấn Độ với vùng cao nguyên Doklam đang tranh chấp với Trung Quốc. Những hình ảnh vệ tinh chụp được những chiếc máy bay này vào tháng 10.2017 nhưng có thể chúng đã có mặt tại căn cứ sớm hơn.
Hình ảnh vào tháng 8.2017 cho thấy các công nhân đang xây mái che trên cả hai đầu của đường băng để chống vệ tinh theo dõi. Theo vị trí căn cứ trong khu vực, những chiếc máy bay này có thể tới từ thành phố Tezpur nơi cả một phi đội máy bay đã được Ấn Độ triển khai.
Một loại máy bay chiến đấu khác cũng được đưa tới khu vực chiến lược này là MIG-27MK/UPG. Đây là máy bay cường kích thuộc biên chế của phi đội số 22. Số lượng MIG-27ML/UPG hoạt động tại căn cứ không quân đã giảm đi vào năm 2016 do phi đội 18 bị giải tán.
Những chiếc máy bay cũ không thực hiện nhiệm vụ tác chiến được đậu ở phía nam đường băng. Thông tin từ nội địa Ấn Độ vào tháng 12.2017 cho biết phi đội 22 cũng sẽ thôi thực hiện nhiệm vụ. Nhưng những chiếc máy bay này vẫn được nhìn thấy trong khu vực đỗ chính tại căn cứ không quân vào tháng 1.2018.
Hình ảnh vệ tinh của căn cứ Hasimara vào tháng 12.2017.
Căn cứ Hasimara sẽ nhận được những chiến đấu cơ mới khi có thông tin trên báo chí Ấn Độ về những phi đội máy bay Dassault Rafale - một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ có cánh tam giác do Pháp sản xuất. Tuy nhiên, Rafale sẽ chưa có mặt tại Ấn Độ cho tới năm 2019. Khi những chiếc Rafale tới nơi, máy bay SU-30MKI sẽ tiếp tục nhiệm vụ bù đắp những thiếu sót trong tác chiến của các loại vũ khí trong căn cứ không quân. Hình ảnh vệ tinh cho thấy những chiếc Su-30MKI vẫn đậu trong sân bay vào tháng 12.2017.
Cùng lúc, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng như đào hào, dựng doanh trại và bãi đáp trực thăng tại khu phức hợp quân sự của quân đội Trung Quốc (PLA). Khu phức hợp này chỉ cách cao nguyên Doklam khoảng 10 km về phía Đông. PLA dường như cũng đang đào các ụ súng nhưng hiện tại chưa thấy có bất kỳ vũ khí hạng nặng nào được bố trí tại đây. Ngoài ra, binh sĩ Trung Quốc cùng các phương tiện thiết giáp đã được tăng cường trong khu vực, trong đó có một trung đoàn cơ giới toàn diện gồm xe chiến đấu bộ binh ZBL-09. Hình ảnh vệ tinh cho thấy ZBL-09 có thể được trang bị lựu pháo.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy những cấu trúc xây dựng của Trung Quốc chỉ cách căn cứ quân sự của Ấn Độ tại Sikkim 81m.
Trước thông tin trên, ngày 17.1, Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ Bipin Rawat coi động thái này của phía Trung Quốc chỉ là tạm thời. Ông phát biểu: “Về vấn đề Doklam, binh sĩ PLA ở đó nhưng không phải với số lượng lớn như lúc ban đầu. Họ đã tiến hành một số hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng nhưng chỉ là tạm thời. Chúng tôi cũng ở đó. Nếu họ đến, chúng tôi sẽ đương đầu với họ”.
Căng thẳng Trung - Ấn bùng lên từ giữa tháng 6.2017, khi quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở Doklam giữa Bhutan và Trung Quốc để xây dựng các công trình giao thông. Phản đối bất thành, Bhutan đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn chặn các động thái từ phía Bắc Kinh. Ấn Độ sau đó triển khai vài trăm binh sĩ tới Doklam, khiến Trung Quốc phản đối kịch liệt. Binh sĩ hai bên rút quân ngày 28.8.2017 sau hàng loạt cuộc đàm phán bí mật, dự án xây dựng của Trung Quốc cũng bị hủy. Tuy nhiên, hai tháng sau, truyền thông Ấn Độ đưa tin Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 1.000 quân tại đó.