Phải ghi nhận rằng các tác giả của 2 bài báo đã dẫn lời của TS Vũ Phương Anh - Giám đốc đảm bảo chất lượng giáo dục Tập đoàn Nguyễn Hoàng - rất chính xác, vì tôi biết rất rõ về TS. Vũ Phương Anh, kể cả lời nói và việc làm. Riêng cụm từ “giám đốc đảm bảo chất lượng giáo dục” cũng đã nói lên sự nghiêm túc vì người khác sẽ dùng cụm từ “Giám đốc KIỂM ĐỊNH chất lượng giáo dục” do họ không phân biệt được sự khác nhau giữa “ĐẢM BẢO chất lượng”và “KIỂM ĐỊNH chất lượng”, mà chỉ sử dụng theo cảm tính.
Tôi đồng ý với TS Vũ Phương Anh: “Trên danh nghĩa hệ thống kiểm định của Việt Nam được cho là theo mô hình kiểm định của Mỹ nhưng thực sự hệ thống kiểm định hiện nay gần như do Bộ GD&ĐT kiểm soát tuyệt đối”. Đúng, như thế thì không phải là “KIỂM ĐỊNH” nữa, mà là cánh tay kéo dài của Bộ GD&ĐT.
Những năm làm việc ở Bộ GD&ĐT, trước khi sang Australia làm Tham tán giáo dục tại Đại sứ quán Việt Nam, tôi đã xây dựng công tác kiểm định theo mô hình của TEQSA, Australia: TEQSA cũng đánh giá, giám sát, quản lý từng trường, từng chương trình. Như vậy sẽ do Bộ GD&ĐT kiểm soát.
Nhưng lãnh đạo Bộ lúc bấy giờ và các đơn vị chức năng không ủng hộ, vì như thế thì vừa đá bóng vừa thổi còi. Thế thì chúng ta theo mô hình của Hoa Kỳ, Bộ GD&ĐT không tham dự trực tiếp vào công tác kiểm định, mà chỉ công nhận hay/và cấp phép hoạt động cho các tổ chức kiểm định theo từng chu kỳ.
Những tổ chức kiểm định không đảm bảo các quy định về lĩnh vực công tác này thì có thể không được cấp phép hoạt động nữa, hoặc bị treo một thời gian. Ở Hoa Kỳ, US Department of Education và CHEA (Council of Higher Education Accreditation) là hai đơn vị KIỂM ĐỊNH các tổ chức kiểm định khác.
Hiện nay, ở Việt Nam, chính Bộ GD&ĐT đang làm công việc của Tổ chức kiểm định các tổ chức kiểm định. Nếu PGS.TS Lê Quang Minh - nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng Bộ GD&ĐT không làm tốt công việc này nên mới đưa ra đề nghị Quốc hội thành lập “trung tâm kiểm định các tổ chức kiểm định”, thì Bộ GD&ĐT nên cân nhắc, nhưng đừng quên ở Hoa Kỳ, US Department of Education (chức năng như Bộ GD&ĐT) và CHEA (một tổ chức độc lập, không thuộc nhà nước) đều làm công việc kiểm định các tổ chức kiểm định.
Về nguyên tắc: Đã là tổ chức kiểm định độc lập thì KHÔNG nằm trong các đại học, trường đại học, phải được quyền tổ chức đào tạo kiểm định viên, được triển khai kiểm định theo quy trình, thậm chí theo tiêu chuẩn kiểm định của mình. Các văn bản quy định của Bộ chỉ là các quy định khung.
Vậy lý do gì mà 4/5 trung tâm kiểm định của Việt Nam lại nằm trong các đại học, trường đại học? Chính các trung tâm kiểm định này, trong đề án thành lập, đã cam kết sau 2 năm sẽ tách ra thành các trung tâm kiểm định độc lập.
Như vậy, anh làm kiểm định, anh không thực hiện cam kết của mình thì anh có đáng tin không. Tương tự, các trường đại học, sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng ở mức từ 80-99% số tiêu chí đạt yêu cầu, có thực hiện các cam kết của nhà trường về việc sẽ tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng hay không?
Chính TS Vũ Phương Anh đã nhấn mạnh "Sự thiếu độc lập của hệ thống kiểm định đã tác động tiêu cực đến tiến độ và hiệu quả của việc triển khai kiểm định trong hệ thống giáo dục đại học". TS Vũ Thị Phương Anh kiến nghị: "Bằng mọi giá phải đảm bảo được sự độc lập hoàn toàn với các quyết định chuyên môn. Thứ hai, nên mạnh dạn chọn mô hình tập trung nhưng tạo điều kiện tham gia của toàn xã hội, thông qua các kênh thông tin minh bạch. Cuối cùng, con người thực hiện đảm bảo chất lượng là quan trọng nhất".
TS. Phạm Thị Ly (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng kiến nghị cần tăng cường tính minh bạch và công khai thông tin ở các trường. Khi bắt buộc các trường phải công khai thông tin của họ với toàn xã hội có thể giám sát nhà trường thuận lợi hơn. Tôi hoàn toàn đồng ý với TS. Phạm Thị Ly.
Theo ông Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện nay các trung tâm kiểm định chất lượng, trong tình trạng vàng thau lẫn lộn. Thậm chí còn có hiện tượng "bao đậu", trung tâm đến kiểm định thấy trường thiếu minh chứng còn bày cho cách đạt. … Đề nghị Bộ GD&ĐT vào cuộc để làm rõ ai, ở đâu “bao đậu”. Không thể để chuyện này tồn tại, dù chỉ một lần, trong kiểm định chất lượng giáo dục.
Khi VietNamNet đặt thêm câu hỏi về vấn đề tính độc lập của trung tâm kiểm định, ông Nguyễn Hội Nghĩa cho rằng, các trung tâm kiểm định là hoàn toàn độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, với quy trình chặt chẽ. Các trung tâm do Bộ GD&ĐT thành lập, bổ nhiệm giám đốc, hội đồng hoàn toàn theo quy định của Bộ.
Ông Nghĩa nói đúng là khi thành lập các trung tâm kiểm định CLGD của Nhà nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bổ nhiệm Giám đốc theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư số: 61/2012/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng GD&ĐT quy định về điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2013.
Tuy nhiên, sau những lần thay đổi giám đốc trung tâm, liệu có tổ chức kiểm định nào do Nhà nước thành lập nhưng giám đốc Trung tâm lại do Giám đốc các ĐH quốc gia và Đại học vùng bổ nhiệm không? Nếu không là tốt. Nếu có là bổ nhiệm sai. Thậm chí cả năm trời, Trung tâm không có giám đốc, mà Phó Giám đốc vẫn là phó và vẫn phải điều hành thì có bất cập không?
Những việc này nên rà soát và xử lý kịp thời để đảm bảo tính ổn định cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
"Các trung tâm là tạm thời đặt tại các trường chứ không phải của các trường. Các đại học không can thiệp vào quy định của các trung tâm, chỉ hỗ trợ hạ tầng, tài chính để các trung tâm tồn tại. Không thể nói trường này đi đánh giá trường kia, vì đoàn đánh giá bao gồm nhiều người từ nhiều trường khác nhau, hội đồng kiểm định cũng vậy"- ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, theo TS. Vũ Phương Anh, đa số các trung tâm kiểm định hiện nay đều là một bộ phận của trường đại học, với sự phụ thuộc rất lớn về TÀI CHÍNH và NHÂN SỰ. Chính dự thiếu độc lập của hệ thống kiểm định đã tác động tiêu cực đến tiến độ và hiệu quả của việc triển khai kiểm định trong hệ thống giáo dục đại học.
Vậy ông Nguyễn Hội Nghĩa đúng hay bà Vũ Phương Anh đúng? Không một chút thiên vị, tôi tin vào lời phát biểu của TS Vũ Phương Anh và Bộ GD&ĐT cần quan tâm đến việc này. Các trung tâm kiểm định thuộc các đại học phải tách thành đơn vị độc lập như họ đã cam kết trong đề án thành lập trung tâm. Đừng bao biện nữa.
Tất nhiên, tôi cũng đồng ý với ông Lê Quang Minh là không nên mở thêm các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, nhưng ở vế “thuộc các đại học, trường đại học” vì đã có 4/5 trung tâm không chịu tách ra thành trung tâm kiểm định độc lập như đã cam kết, nếu thành lập thêm sẽ có 5/6 trung tâm KHÔNG độc lập.
Đã đến lúc tất cả các trung tâm phải là các đơn vị độc lập, không thể nằm trong các đại học, trường đại học như hiện nay. Nên sẽ xóa bỏ các trung tâm kiểm định thuộc các Đại học, nếu họ không tách ra thành các trung tâm độc lập theo quy định tại Luật GD ĐH sửa đổi năm 2018, đồng thời thành lập thêm các tổ chức kiểm định ngoài công lập.
“Thấy kết quả xếp hạng các trường ĐH ở Việt Nam tôi cũng hết hồn. Với kết quả xếp hạng như vậy và việc kiểm định như đang làm hiện nay thì coi chừng chúng ta đang hướng dư luận, hướng học sinh vào những trường không đúng như kết quả được công bố” - Ông Lê Quang Minh nói.
Về kiểm định, tôi đã trao đổi ở trên. Về xếp hạng, đấy là sân chơi riêng, nó chỉ để marketing cho các trường, không phải là thước đo chất lượng. Cũng nên xem xếp hạng ở bảng nào? “Bảng bóng đá thôn” hay “Bảng bóng đá quốc gia”? Họ nhất ở bảng nào là quyền của họ. Nhất bảng bóng đá thôn ở vùng hẻo lánh cũng tốt, ít nhất họ đã nỗ lực để hơn các đối thủ của họ. Còn việc chấp nhận các kết quả đó như thế nào là do nhà quản lý.
Xếp hạng chỉ để ghi nhận một cách tương đối các đối thủ có những điểm chung nhưng trổi hơn hay đuối hơn theo tiêu chí/ bộ tiêu chí so sánh nào đó. Do vậy, cũng không nên miệt thị mọi sự xếp hạng. Cái chính là người ra quyết định (cơ quan quản lý) phải có lý trí của mình. Tôi không phê phán các trường nếu họ tham gia vào các “sân chơi”mà họ thích. Còn người ra quyết định sai thì không phải lỗi của các trường, mà là lỗi của nhà quản lý.
Cần phải khẳng định rằng mô hình kiểm định của Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều của mô hình kiểm định (accreditation) của Hoa Kỳ, không phải là Audit của châu Âu như một số người từng nghĩ. Dự án Giáo dục đại học Việt Nam - Hà Lan, phần QA (đảm bảo chất lượng), là để hỗ trợ ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Vinh, ĐH Đà Nẵng và ĐH Thái Nguyên xây dựng và phát triển các trung tâm đảm bảo chất lượng của 4 ĐH, trường ĐH này để theo kịp 2 các trung tâm đảm bảo chất lượng của 2 ĐH quốc gia. Hà Lan lúc đó chỉ chú trọng công tác đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH, không phải là kiểm định.
Tóm lại, đến nay, công tác kiểm định vẫn còn sơ khai, mọi người chưa hiểu, mặc dù 3 trung tâm kiểm định (2 trung tâm của ĐH quốc gia và 1 trung tâm của ĐH Vùng) đã được thành lập từ năm 2014 và 2 trung tâm khác được thành lập sau đó, nhưng vẫn chưa làm cho cán bộ, giảng viên của 2 ĐH Quốc gia và các trường đại học hiểu và khác tin tưởng. Nhất là việc 4 trung tâm kiểm định cam kết sau 2 năm tách ra thành trung tâm kiểm định độc lập những đến nay vẫn không thực hiện. Vậy có nên tin những ai không giữ lời cam kết?