Cần dừng hẳn việc thăm người bệnh điều trị nội trú để tránh lây truyền và nhiễm khuẩn bệnh viện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều người đến thăm bệnh nhân trong các bệnh viện ở Đà Nẵng đã vô tình trở thành bệnh nhân COVID-19, rồi lây cho nhiều người khác, khiến dịch lan rất nhanh. Bài học đau lòng này hẳn đủ để các bệnh viện thấy cần chấm dứt việc thăm hỏi người bệnh đang điều trị nội trú, cần “biến” chủ trương tạm ngưng trong thời chống dịch thành quy định lâu dài, để không chỉ kiểm soát dịch bệnh ở thời điểm hiện tại, mà còn có thể xóa bỏ hẳn một tập quán phản khoa học, rất có hại cho việc khám chữa bệnh cứu người, tồn tại từ bao lâu nay.

Một nguồn lây từ bệnh viện ra cộng đồng

Trước nỗi lo sợ dịch COVID-19 bùng phát, từ cuối tháng 3/2020, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo không cho thăm hỏi người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn. Hàng loạt BV ở Huế, Đà Nẵng, TP.HCM cũng dừng cho thăm hỏi. Khi dịch bùng phát trở lại, giữa tháng 8/2020, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế dừng việc cho thân nhân thăm hỏi người bệnh nội trú.

Quyết định này được người dân hoàn toàn ủng hộ và thực hiện nghiêm túc, cho thấy tính đúng đắn của nó. Tuy nhiên, thiết nghĩ, việc dừng hoạt động thăm hỏi người bệnh nội trú không chỉ thực hiện vào lúc có dịch, mà đã đến lúc cần đưa thành quy định cả trong điều kiện bình thường, nhằm xóa bỏ thói quen không an toàn lâu nay là cứ ai ốm nằm viện là người thân, bạn bè, đồng nghiệp nườm nượp đến thăm, bất kể người đó mắc bệnh truyền nhiễm và nằm ở khu vực truyền nhiễm.

Việc thăm người ốm tại BV không nên duy trì, vì BV vốn là ổ bệnh, có nguy cơ lây truyền rất cao. Thực tế ở Đà Nẵng và Quảng Nam đã chứng minh điều này.

Thế nhưng, lâu nay, ở tất cả các BV, từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh, huyện, kể cả BV lao phổi, hay các khoa truyền nhiễm - nơi tập trung đủ các loại bệnh lây truyền - vẫn luôn có đông người đến thăm bệnh nhân, và đáng nói là họ thường không có một biện pháp phòng hộ nào, kể cả khẩu trang.

Việc thăm người ốm tại BV không nên duy trì, vì BV vốn là ổ bệnh, có nguy cơ lây truyền rất cao (Ảnh chụp tại BV Bạch Mai, HN)
Việc thăm người ốm tại BV không nên duy trì, vì BV vốn là ổ bệnh, có nguy cơ lây truyền rất cao (Ảnh chụp tại BV Bạch Mai, HN)

Trong khi đó, không chỉ có COVID-19, mà theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), các BV thường xuyên phải đối phó với các bệnh dịch có nguy cơ lây nhiễm cao như cúm A (H5N1, H1N1, H7N9,..), lao phổi, các vi khuẩn đa kháng thuốc kháng sinh v.v. Hiện nay, việc xuất hiện nhiều bệnh dịch mới nổi, có tỷ lệ tử vong cao, nguy cơ lây lan thành dịch, tái dịch trong cộng đồng, đặc biệt là trong BV, như COVID-19, MERS-CoV, Ebola, sởi, dịch hạch v.v. thì sự an toàn của bệnh nhân, của nhân viên y tế và cộng đồng luôn bị đe dọa.

Ở nước ta, các dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm, nên người bình thường đến BV là bước vào chỗ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh. Thế mà nhiều người vẫn hồn nhiên đến BV, kể cả là BV lao phổi, khoa truyền nhiễm, mà không có đồ bảo hộ, rồi lại về thẳng nhà, đến cơ quan, nơi công cộng mà không tắm rửa, thay đồ. Vì vậy, việc để người dân đến BV thăm bệnh nhân điều trị nội trú sẽ tạo nên những thách thức lớn trong việc ngăn ngừa bệnh dịch ở BV lẫn trong cộng đồng.

Cần cắt 1 nguồn gây nhiễm khuẩn BV

Việc không để người ngoài vào thăm bệnh nhân điều trị nội trú còn tránh được nhiễm khuẩn BV từ chính người đến thăm, nhất là tránh cho người bệnh đang nằm cấp cửu, trẻ sơ sinh, người cao tuổi đang điều trị. Bởi trong nhiều nguồn gây nhiễm khuẩn BV, có một nguồn từ người đến thăm, đến chăm bệnh nhân. Mà nhiễm khuẩn BV đang là vấn đề lớn của ngành y tế. Vụ 150 trẻ tử vong do nhiễm khuẩn BV trong vụ sởi năm 2014 và vụ 4 bé sinh non tử vong ở BV Sản Nhi Bắc Ninh do sốc nhiễm khuẩn, cùng 19 bé sinh non khác cũng phải chuyển lên tuyến trên, là những ví dụ điển hình về nhiễm khuẩn BV khiến bệnh nhi bị lây chéo.

Theo một nghiên cứu của BV Trung ương Quân đội 108, thì ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV chiếm tới 7%, khiến cho việc điều trị kháng sinh kéo dài  7 - 10 ngày sau phẫu thuật là phổ biến, tốn kém cho người bệnh, nhưng nguy hiểm nhất là gây nên tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Còn một nghiên cứu ở BV Chợ Rẫy cũng cho thấy, nhiễm khuẩn BV kéo dài thời gian điều trị là 15 ngày với viện phí phát sinh ước tính khoảng 3 triệu đồng/ca. Với những ca ghép tạng, thì nhiễm khuẩn BV có thể khiến những nỗ lực của các bác sĩ đổ “xuống sông xuống bể”.

Rõ ràng là nhiễm khuẩn BV làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng chi phí dùng thuốc v.v. và tạo nên gánh nặng cho người dân cũng như cho BV. Vậy thì sao lại không “cắt” một nguồn lây mà ai cũng biết rất rõ là từ những người đến thăm bệnh nhân ở BV?

Bên cạnh đó, việc không để người ngoài vào thăm bệnh nhân đang điều trị sẽ giúp các BV giữ gìn an ninh tốt hơn, tránh bọn xấu giả người đi thăm bệnh nhân để trộm cắp, lừa đảo như đã từng diễn ra ở nhiều BV trên cả nước. Điều này sẽ giúp giảm tải và giảm cả chi phí cho BV trong việc đảm bảo an ninh cho người bệnh và nhân viên y tế.

Người dân đã và đang thực hiện tốt việc không đến thăm bệnh nhân đang điều trị tại BV, vấn đề còn lại là các BV có tiếp tục duy trì tốt việc này hay không mà thôi!