Chống dịch COVID-19 - “người xoe tròn, kẻ bóp bẹp”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đỉnh dịch đang ở ngay trước mặt, cách chúng ta chỉ chừng 10 ngày nữa với dự báo của Bộ Y tế về số người mắc ít nhất là gấp đôi hiện nay và mức cao có thể gấp 4-5 lần con số đang có trong 7 tháng qua. Thế nhưng, vẫn có nhiều người không nhận thức hết được mức độ của dịch, không thấy bài học kinh nghiệm từ Đà Nẵng, nên vẫn chủ quan, thậm chí, thờ ơ và thiếu ý thức đến đáng trách.

Thách thức rất lớn

Đây đang là khoảng thời gian đầy thách thức trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta, khi sau hơn 3 tháng giữ “sạch lưới”, thì giờ đây chúng ta phải đối mặt với làn sóng dịch mới, có tốc độ lây nhanh gấp 3 lần so với giai đoạn trước. Chỉ trong vòng 2 tuần phát hiện ca bệnh đầu tiên ở Đà Nẵng giai đoạn này, số ca mắc trong cộng đồng đã gia tăng chóng mặt với 330 người mắc, cao gấp 4 lần số mắc của cả 7 tháng trước. Dịch lần này cũng được dự báo nguy hiểm hơn giai đoạn trước cả về tính chất lẫn quy mô.

Tình hình dịch cũng phức tạp hơn nhiều, khi 7 tháng trước không có ca tử vong, chỉ có 2 nhân viên y tế lây nhiễm, còn giai đoạn này vừa mới chính thức “khai hỏa” 10 ngày, đã có 10 ca tử vong, nhiều bệnh nhân diễn biến nặng; lây lan sang người nhà bệnh nhân, người cao tuổi. Đặc biệt, đã có hơn chục nhân viên y tế bị lây nhiễm, đặt ra những thách thức trong điều trị bệnh. Bởi thiếu nguồn nhân lực quan trọng này, sẽ ảnh hưởng lớn tới việc ngăn chặn dịch. Bài học này đã thấy ở Vũ Hán (Trung Quốc) khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng nổ.

Vì thế, Bộ Y tế đang nỗ lực hết mình với những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có để đỡ gánh nặng này cho Đà Nẵng. Đó là tung những lực lượng tinh nhuệ nhất và đông đảo nhất vào điểm nóng Đà Nẵng và Quảng Nam để ứng phó với dịch. Hiện có khoảng 1.000 chuyên gia của các lĩnh vực đang ở 2 địa phương này, cùng với trang thiết bị y tế cần thiết để chống dịch.

Các chuyên gia hàng đầu lại liên tục hội chẩn từ xa để hỗ trợ tối đa cho việc điều trị bệnh nhân nặng ở vùng dịch. Nhưng như GS. Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, Tổ trưởng Tổ hội chẩn chuyên môn chăm sóc điều trị ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng của Bộ Y tế - cho biết, y tế địa phương vẫn có vai trò quan trọng, vì các chuyên gia chỉ có thể hội chẩn từ xa, hỗ trợ cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng, còn bác sĩ trực tiếp điều trị mới là người theo dõi, nắm bắt các diễn biến bệnh của bệnh nhân để đưa ra các quyết định xử lý kịp thời.

Thế nhưng, Đà Nẵng đã “thất thủ” ngay khi phát hiện ra ca bệnh vào nửa tháng trước, ở mức độ lo ngại hơn cả Bệnh viện Bạch Mai vào tháng 3/2020. Một số bệnh viện ở Đà Nẵng được xác định chính là nguồn lây, phát tán ra cộng đồng. Khó khăn lại khó khăn thêm khi các bệnh viện bị phong tỏa, nhân viên y tế bị cách ly, khiến Đà Nẵng rơi vào thế đã yếu lại còn thiếu.

Lại nữa, không như TP.HCM và Hà Nội đã sẵn sàng các bệnh viện dã chiến ngay khi dịch chưa tới, thì chỉ khi đối mặt với dịch ở mức độ cao, Đà Nẵng mới triển khai bệnh viện dã chiến trong tình thế bị động. Các phương án chuẩn bị về nhân lực, thuốc men, thiết bị y tế rất mỏng manh. Phương châm “4 tại chỗ” mà Chính phủ và Bộ Y tế đề ra đã không thể thực hiện được ở nơi này, buộc Bộ Y tế và nhiều bệnh viện khác phải căng sức để hỗ trợ mọi mặt.

Bên cạnh Đà Nẵng, Bộ Y tế cũng phải hỗ trợ Hà Nội, sau khi Thủ đô phát hiện ca dương tính đầu tiên mà trước đó test nhanh đã cho âm tính. Bộ Y tế đã huy động 4 đơn vị lớn là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tập trung lấy mẫu, xét nghiệm cho 75.000 người ở Hà Nội từ Đà Nẵng trở về, bắt đầu từ chiều 8/8. Nhân lực, sinh phẩm, thiết bị được tập trung cho Hà Nội, nhằm có thể giữ vững “phòng tuyến” quan trọng này.

Không như giai đoạn trước là thực hiện giãn cách toàn xã hội, lần này, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện được mục tiêu kép là chống dịch hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế. Vì thế việc cách ly, phong tỏa chỉ thực hiện ở diện hẹp cũng là thách thức cho việc chống dịch. Thực tế, sau Đà Nẵng, chỉ 2 tuần qua, đã có thêm 13 tỉnh, thành khác có dịch với số lây nhiễm ở cộng đồng ngày một nhiều, mà Bộ Y tế còn dự báo số người mắc và số địa phương có dịch sẽ tiếp tục tăng.

Nhiều chuyên gia của các bệnh viện lớn vào Đà Nẵng, Quảng Nam chi viện chống dịch
Nhiều chuyên gia của các bệnh viện lớn vào Đà Nẵng, Quảng Nam chi viện chống dịch

Sau vụ tiêu cực trong mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội và một số tỉnh khác, việc mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế ở nhiều địa phương gần như “án binh bất động”, cho dù rất thiếu. Có tỉnh báo cáo Bộ Y tế vẫn còn nợ các đơn vị cung cấp khoảng 100 tỷ đồng vì không “dám” triển khai mua sắm, đấu thầu do sợ phạm luật.

Nguy cơ cao từ sự chủ quan

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng có lẽ, thách thức lớn nhất trong phòng, chống dịch lần này là thái độ chủ quan của nhiều người. Sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm cộng đồng  và 100% ca mắc dù nặng nhất như bệnh nhân 91 cũng đều qua khỏi, nhiều người, kể cả nhân viên y tế đã có phần chủ quan, coi thường những lời khuyến cáo. Việc các bệnh viện ở Đà Nẵng trở thành những ổ dịch, hay có bệnh nhân có triệu chứng khá điển hình, mà đến bệnh viện thứ 6 mới phát hiện ra mắc COVID-19, đã cho thấy rõ sự chủ quan ở các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, mặc dù số ca mắc trong cộng đồng đang gia tăng nhanh, nhưng nhiều người từ Đà Nẵng về vẫn không tự cách ly như khuyến cáo của ngành y tế, thậm chí, một số F0 khai báo thiếu trung thực, gây khó khăn cho việc quản lý F1, F2. Bất chấp rất nhiều lần Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long liên tục kêu gọi các địa phương phải tăng tốc truy vết F1, mà chỉ riêng ngày 8/8, đã có hơn 10 người F1 trở thành F0, nhiều F1 cố tình che giấu việc đã tiếp xúc với F0, không tự giác cách ly, tiếp tục có mặt ở những nơi đông người, mà không nghĩ đến nếu không may họ trở thành F0 thì hậu quả sẽ lớn nhường nào.

Nặng thì nhiều người phải nhập viện điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, rồi rất nhiều người phải cách ly theo; nhẹ thì cũng gây tốn kém cho xét nghiệm, lãng phí rất lớn trong khi sinh phẩm phục vụ chống dịch ở nước ta đang không dư thừa. Nhiều người vẫn thản nhiên tụ tập ăn uống, giao lưu, không đeo khẩu trang nơi công cộng, có thái độ vô văn hóa khi được nhắc nhở đeo khẩu trang…

Nhưng đáng trách hơn nữa là ở một số nơi, cơ quan y tế không làm hết vai trò của mình. Trong một cuộc họp gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chỉ ra, việc đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch cho thấy có hiện tượng các đơn vị y tế không làm tốt công tác quản lý Nhà nước, khi ngại ngần kiểm tra việc phòng, chống dịch của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn.

Mới đây, trên địa bàn Hà Nội cũng có đơn vị xuất hiện 1 ca dương tính và có rất nhiều F1, F2, nhưng y tế địa phương đã không nắm bắt kịp thời và khi có thông tin cũng chưa thực hiện đúng quy định phòng dịch, để đưa các F1 cách ly ngay, khiến chính những người trong đơn vị đó rất hoang mang và lo âu vì nguy cơ bùng phát dịch.

Cái sự nể nang này bắt nguồn từ nhận thức không đúng của cán bộ phòng dịch về tình hình dịch COVID-19, không đặt nhiệm vụ chống dịch lên hàng đầu. Điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu và có thể trở thành nguy cơ khiến dịch bùng phát. Thiết nghĩ, Bộ Y tế cũng cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm những nơi không làm hết trách nhiệm, để tránh cảnh “trên nóng dưới lạnh” và “người xoe tròn, kẻ bóp bẹp”.