Cán bộ sốt, ho nên ở nhà, làm việc online phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh về việc cán bộ bị sốt, ho nên ở nhà làm việc online, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đầu tuần.
Ông Nguyễn Thành Phong trong cuộc họp sáng 24-5. Ảnh Huyền Mai
Ông Nguyễn Thành Phong trong cuộc họp sáng 24-5. Ảnh Huyền Mai

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng nay 24/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, hiện nay TP.HCM đang lưu hành 2 biến chủng virus SARS-CoV-2 được cho là có khả năng lây lan nhanh, gồm biến chủng Ấn Độ và biến chủng Anh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh tại thành phố.

Đặc biệt là, vẫn chưa tìm ra chính xác nguồn lây cho chùm ca bệnh liên quan đến quán Bánh canh cá lóc O Thanh hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (P.5, Q.3), vì gia đình chỉ có 1 người đi Đà Nẵng đã 2 tháng trước và người này âm tính với COVID-19.

“Chính vì vậy, chính quyền và người dân toàn Thành phố tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục nâng cao mức cảnh giác với dịch bệnh và nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và UBND thành phố” – Ông Phong yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở nên ở nhà và làm theo hướng dẫn của ngành y tế, cần thiết thì kết nối trực tuyến để làm việc tại nhà.

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu, kể từ ngày 25/5/2021, người đến các cơ quan, đơn vị liên hệ công tác phải khai báo y tế. Mỗi cơ quan, đơn vị phải thành lập 1 Tổ Covid-19 để kiểm soát khách ra/vào cơ quan.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế báo cáo thông tin - Ảnh: Huyền Mai

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế báo cáo thông tin - Ảnh: Huyền Mai

Tổ chức giãn cách mật độ mua sắm tại các khu chợ đêm, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đêm, chợ đầu mối… hạn chế tối đa việc tập trung đông người. Đẩy mạnh hậu kiểm trong công tác phòng, chống dịch tại các điểm nguy cơ đã được ngành y tế xác định như: chung cư, nhà ga, bến xe, chợ,…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đó nhấn mạnh việc mỗi người dân phải tự giác, chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Khuyến cáo những người trên 60 tuổi hạn chế đi ra đường, đến nơi đông người.

Nhân viên y tế, bệnh nhân, người thăm nuôi phải cài đặt phần mềm Bluezone nếu có điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, bệnh viện cần trang bị thêm các thiết bị để tăng cường phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký lịch khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa…

Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất phối hợp với chính quyền địa phương và cơ sở y tế nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc của các cơ sở sản xuất theo hướng giãn cách các ca làm việc, giảm mật độ tụ tập đông người vào buổi sáng, giờ tan ca; diễn tập các tình huống và triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Công an TP.HCM chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các quận - huyện, TP Thủ Đức rà soát lại số lao động nước ngoài được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, vào làm việc tại các doanh nghiệp, không để lọt trường hợp nhập cảnh trái phép.

Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo chỉ đạo ngành y tế chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch bệnh Covid-19; đảm bảo năng lực xét nghiệm 35.000 – 40.000 mẫu đơn/24 giờ; đảm bảo năng lực cách ly tập trung với tổng công suất 10.481 giường và chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai thêm cơ sở cách ly tập trung trong tình huống dịch bệnh lan rộng với khả năng 30.000 người; đảm bảo năng lực cách ly điều trị cho 5.000 người bệnh Covid-19.