Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2017 TP.HCM đã nhập khẩu 7005 bộ máy đào tiền ảo, Hà Nội nhập 2315 bộ và Đà Nẵng nhập 14 bộ. Còn giai đoạn từ 1/1/2017 đến 17/4/2018, TPHCM đã nhập thêm 2009 bộ máy đào tiền ảo, Hà Nội là 4306 bộ.
Tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh tiền ảo đã biến tướng thành kinh doanh đa cấp, trong đó nổi cộm nhất là vụ phát hành tiền ảo iFan lừa đảo nhà đầu tư, khiến tổng số tiền mà họ bị mất lên tới 15 nghìn tỷ đồng. Đứng trước thực trạng như vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất cấm nhập máy đào tiền ảo. Nhưng liệu cấm nhập máy đào có chấm dứt được hoạt động kinh doanh tiền ảo đa cấp?
Tiền ảo nói chung, hay Bitcoin, Litecoin, Ethereum nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật hình sự năm 2015 (đã sửa đổi bổ sung). Về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo trước quốc hội ngày 6/6
Tuy nhiên, các loại máy đào tiền ảo bản chất là máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin, Ethereum không liên quan đến việc sử dụng tiền ảo dưới góc độ là phương tiện thanh toán. Vì vậy, Chính phủ cũng đang “lúng túng” chưa biết xử lý ra sao. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính “chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị máy móc dùng cho mục đích đào tiền ảo. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã giao cho Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét việc tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành.
Các loại máy đào tiền ảo
Về cơ bản, các loại máy đào tiền ảo được chia ra làm 2 loại chính:
+ Máy đào VGA (Video Graphics Array hay Card màn hình)
Máy đào PC dựa vào nhiều card VGA mạnh để đào tiền ảo (ảnh: Forum GeForce)
|
Đây là loại máy đào phổ thông và cũng là loại hình máy đào được ưa chuộng tại Việt Nam. Về bản chất, đây là các bộ máy vi tính (PC) được gắn một hoặc nhiều card màn hình, có cấu hình mạnh, sau đó chạy phần mềm mining (phần mềm đào tiền ảo: 50miner, minergate, guiminer,…). Thành phần cấu thành nên các loại máy này cũng chính là các thành phần cấu thành nên bộ PC thông thường như: CPU, Mainboard (có 6-7 khe PCI để cắm nhiều card VGA), VGA, ổ cứng, RAM (4GB trở lên), PSU (1200W trở lên). Thành phần quan trọng nhất chính là card VGA. VGA càng nhiều và mạnh thì hiệu quả khi đào tiền ảo sẽ càng tăng.
+ Máy đào ASIC
Máy đào ASIC (ảnh: DHgate)
|
ASIC (Application Specific Integrated Circuit) là một thuật ngữ chỉ các vi mạch tích hợp chuyên dụng trong điện tử học. Máy đào ASIC được thiết kế chuyên dụng chỉ nhằm mục đích đào tiền ảo, ngoài ra không làm được việc gì khác. Thành phần của máy đào ASIC là: chip, PSU, bo mạch. Trên mỗi máy đào ASIC sẽ tích hợp nhiều chip do nhà phát triển tạo nên. Ví dụ như máy Antminer L3 hoặc L3+ sẽ bao gồm khoảng 144 đến 288 chip. Trên các máy này cũng tích hợp sẵn các phần mềm đào tiền ảo từ nhà phát triển. Ưu điểm của máy ASIC so với máy VGA là: tốc độ đào cao, tiết kiệm điện, giá thành rẻ hơn, hiệu năng cao hơn. Một số nhà phát triển và phân phối máy ASIC nổi tiếng trên thế giới là Bitmain, Avalon, Baikal...
Các máy ASIC được thiết kế chuyên dụng nên chỉ nhằm mục đích đào tiền ảo và không làm được việc gì khác, khác hẳn với máy đào VGA là một bộ PC điển hình. Mỗi máy đào ASIC sẽ chỉ đào được một hoặc vài loại tiền ảo có cùng thuật toán như: Antminer L3 chuyên đào Litecoin; Antminer S9 chuyên đào Bitcoin. Các máy đào VGA thì sẽ thường dùng để đào các loại tiền ảo khác như: ETH, ETC, EXP, XMR,… do không thể cạnh tranh được về hiệu năng, hiệu suất với các máy ASIC ở một số loại tiền ảo trên.
Ngoài ra, “thợ mỏ” còn có thể đào tiền ảo trên smartphone hoặc trên nền tảng đám mây (hợp đồng với các công ty đào tiền ảo). Trong tương lai, sự bùng nổ của công nghệ sẽ “đẻ” ra thêm nhiều loại máy đào tiền ảo cũng như hoạt động khai thác tiền ảo.
Nên hay không nên?
Chúng ta cần lưu ý là các loại tiền ảo như Bitcoin, Litecoin là những đồng tiền ảo đã được một số nước trên thế giới chấp nhận như là một phương tiện thanh toán (không phải là các đồng tiền lừa đảo như Pincoin hay iFan tại Việt Nam). Tổng giá trị vốn hóa của các loại tiền ảo đã đạt trên 800 tỷ USD, trong đó riêng Bitcoin đạt hơn 200 tỷ USD (số liệu tháng 10/2017).
Văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc quản lý nhập khẩu máy đào tiền ảo
|
Việc sở hữu tiền ảo có thể có từ nhiều cách như: giao dịch trên sàn (bittrex, coindesk,binance,…); đào tiền ảo (máy đào, hợp đồng đào). Do đó, vấn đề quản lý tiền ảo nếu thực hiện bằng biện pháp hành chính là tạm ngừng nhập khẩu các máy đào tiền ảo không mang lại hiệu quả và đạt được các mục tiêu đề ra.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa ra ý kiến cho rằng để công tác quản lý tiền ảo được hiệu quả cao, cần có sự đánh giá toàn diện từ nhu cầu đến hình thái của tiền ảo để đưa ra biện pháp quản lý. Việc quản lý tiền ảo nên tập trung vào các nội dung như: cách thức sở hữu, giao dịch, thanh toán, chế tài xử phạt đối với hành vi lừa đảo, gian lận thay vì cấm nhập khẩu các loại máy đào tiền ảo. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kiến nghị Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam.
Như vậy, nếu ví tiền ảo là “con cá”, máy đào là “cần câu”, thì việc mua bán “cá” tại một cái “chợ” sẽ cần các quy định về phương pháp mua bán, thanh toán trên chợ, chế tài đối với những gian thương hơn là cấm nhập khẩu cần câu.
Để có những chính sách thích hợp đối với một công nghệ mới như tiền ảo, nhà nước nên chăng đưa ra những quy định vừa chặt chẽ vừa có tính mở, để có thể quản lý hiệu quả mà vẫn bắt kịp với xu thế mới của thế giới.