Các nhà khoa học đã phát triển một phương pháp xét nghiệm máu đơn giản và giá cả phải chăng để giúp phát hiện các trường hợp ung thư tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nghiên cứu này đánh dấu bước tiến mới nhất trong việc tăng cường phòng ngừa bệnh tật ở nhóm dân số già.
Theo các nhà nghiên cứu tại Thượng Hải (Trung Quốc), phương pháp này có thể phát hiện nhiều loại bệnh chỉ trong vòng vài phút và có thể làm giảm tỷ lệ chẩn đoán sai đối với ung thư đại trực tràng, dạ dày và tuyến tụy.
Công cuộc tìm kiếm các phương pháp chẩn đoán ung thư đáng tin cậy với chi phí thấp đang ngày càng được thúc đẩy, khi tuổi thọ của người dân trên toàn cầu dài hơn làm tăng tỷ lệ mắc bệnh mãn tính ở bên ngoài các quốc gia giàu có.
“Phương pháp này rất thực tế và có thể đạt được độ chính xác chẩn đoán cao, ngay cả khi được thực hiện bởi các nhân viên y tế địa phương tại những cơ sở có nguồn lực hạn chế”, các nhà khoa học Thượng Hải viết trong bài báo đăng tải trên tạp chí Nature Sustainability hôm 22/4.
Theo bài viết, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chiếm khoảng 70% số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới, trong khi các nước này thường thiếu khả năng chẩn đoán chính xác như ở các quốc gia giàu có hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chưa đến 30% các quốc gia có thu nhập thấp sẵn có các cơ sở như vậy, điều này đồng nghĩa với việc là tỷ lệ người mắc ung thư không được phát hiện là cao.
Công cụ do các nhà nghiên cứu ở Thượng Hải phát triển sử dụng các đốm huyết thanh khô, có thể được vận chuyển đến các cơ sở trung tâm để phân tích, từ đó giúp giảm nhu cầu về các cơ sở chuyên dụng và bảo quản lạnh được sử dụng trong xét nghiệm máu ung thư truyền thống.
Các thí nghiệm cho thấy, việc ứng dụng kỹ thuật này ở những khu vực kém phát triển hơn có thể làm giảm tỷ lệ trường hợp ung thư dạ dày không được chẩn đoán từ 77,57% xuống còn 57,22%, ung thư đại trực tràng từ 84,3% xuống còn 29,2% và ung thư tuyến tụy từ 34,56% xuống còn 9,3%, theo các nhà nghiên cứu.
Họ cho biết thêm, phương pháp chẩn đoán mới sẽ có chi phí thấp hơn so với các phương pháp truyền thống vì các hóa chất cần sử dụng không đắt.
Giới khoa học ngày càng tập trung hơn vào việc chẩn đoán các bệnh phổ biến ở người lớn tuổi, trong bối cảnh nhân khẩu học toàn cầu thay đổi. Một nghiên cứu được công bố trong tháng này dự báo rằng số ca tử vong do ung thư tuyến tiền liệt sẽ tăng gần gấp đôi trong 20 năm tới, tập trung ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chủ yếu do tuổi thọ của nam giới ở những quốc gia này dài hơn.
Hector Keun, giáo sư hóa sinh tại ĐH Hoàng gia London, cho biết công trình của các nhà khoa học Thượng Hải nhấn mạnh “nhu cầu quan trọng” trong chẩn đoán ung thư nhưng còn “rất sớm” để bàn về tầm ảnh hưởng của nó.
“Cần có thêm các thử nghiệm ‘thực tế’ về phương pháp này để hiểu rõ hơn về tầm tác động của nó trước sự thay đổi về dân số nói chung”, ông nói.
Các nhà phân tích nói rằng những cải thiện về khả năng chẩn đoán sẽ cần phải tương đồng với khả năng điều trị. Nếu các cơ sở điều trị không có sẵn hoặc không đủ khả năng chi trả, việc chẩn đoán cũng sẽ chỉ mang lại lợi ích hạn chế - và có thể làm tăng thêm gánh nặng tâm lý cho bệnh nhân.
Nick James, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh và là người đứng đầu công trình nghiên cứu về ung thư tuyến tiền liệt, cho biết: “Chẩn đoán sớm cần phải được kết nối với điều trị, nếu không sẽ vô nghĩa. Ngoài ra, nếu việc chẩn đoán được thực hiện trên quy mô lớn, nó sẽ làm thay đổi nhu cầu điều trị”.
Thỏa thuận hợp tác 500 triệu USD ứng dụng AI vào sản xuất thuốc điều trị ung thư vú
WHO: Chất tạo ngọt có trong các loại đồ uống ăn kiêng "có thể gây ung thư"
Các nhà khoa học châu Âu phát hiện liệu pháp khiến tế bào ung thư chết do áp lực
Theo FT