Thông tin trên được PGS. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - chia sẻ tại hội nghị trực tuyến đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức vào chiều nay (1/10).
Nâng cao trách nhiệm của bệnh viện
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Hội nghị được tổ chức nhằm bổ sung thêm những tiêu chí an toàn cho bệnh viện sau hơn 2 tháng triển khai Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các bệnh viện tử trung ương đến địa phương, tổ chức xét nghiệm COVID-19 để phát hiện sớm ca bệnh, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Hiện, dịch COVID-19 vẫn đang là nỗi lo của mọi người dân trên toàn thế giới. Bên cạnh việc tích cực phòng, chống dịch, kiểm soát và cách ly người có nguy cơ, người nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt những người Việt Nam, người nước ngoài đến từ vùng dịch, công tác phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng hướng dẫn vô cùng quan trọng để thực hiện chủ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Không để người bệnh tử vong do dịch COVID-19”.
Các điểm cầu kết nối với Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thúy)
|
Với sự tham gia chủ động và tích cực của các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm, hồi sức, hô hấp, xét nghiệm vi sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong nước, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.
Theo ông Sơn, công tác khám, chữa bệnh đã thực hiện tốt và phối hợp với toàn hệ thống cơ sở y tế trên cả nước để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với đó, sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, xét nghiệm,… của các bệnh viện tuyến trên đã thường xuyên liên tục theo dõi sát sao từng ca bệnh tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước để cùng hội chẩn và đưa ra hướng điều trị tối ưu cho người bệnh thông qua hình thức giao ban trực tuyến với các cơ sở có điều trị.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã chủ động ban hành sớm danh mục trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu và phương tiện phòng hộ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thu dung điều trị COVID-19; xây dựng và cập nhật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19; hướng dẫn quản lý chỉ đạo cho các bệnh viện trước mọi tình huống gồm: sàng lọc, phân luồng người bệnh, quản lý cách ly, quản lý điều trị, lập hồ sơ bệnh án, tình huống thực hiện phẫu thuật, thủ thuật cho người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, quản lý người bệnh xuất viện và theo dõi sau xuất viện, quản lý thông tin, báo cáo.
Tăng cường đánh giá, xếp loại bệnh viện
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tap, toàn thế giới đã có 7.000 nhân viên y tế hy sinh, tuy nhiên tại Việt Nam chưa có cán bộ y tế nào tử vong vì COVID-19.
Sau 2 đợt chiến đấu với dịch COVID-19, cả nước chỉ còn 38 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại 9 bệnh viện, trong đó 31 ca không có biểu hiện lâm sàng, 7 ca chỉ có biểu hiện bệnh nhẹ. Tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh từ ngày 257 đến nay là 96,4%.
Thông tin về tình hình triển khai đánh giá Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19, ông Khuê cho hay: Sau khi các Sở Y tế kiểm tra, cả nước có tổng cộng 217 bệnh viện an toàn, 92 bệnh viện an toàn ở mức thấp và 8 bệnh viện không an toàn. Tính đến ngày 30/9, 1.380 bệnh viện/Trung tâm Y tế đã tiến hành tự đánh giá qua phần mềm trực tuyến, vẫn còn 150 Bệnh viện/Trung tâm Y tế chưa tiến hành tự đánh giá hoặc đã đánh giá nhưng không nhập số liệu.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Ảnh: Minh Thúy)
|
Thời gian qua, thực hiện Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn, các bệnh viện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống dịch bệnh, tập huấn cho các nhân viên y tế các quy trình phòng chống dịch, hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, kỹ năng sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân,…
Tuy nhiên, nhiều bệnh viện vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc khi kế hoạch phòng, chống dịch chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, chưa phân ca kíp, chia nhóm làm việc luân phiên; các kịch bản tình huống dịch còn sơ sài, khó để triển khai. Việc tập huấn cho các nhân viên y tế chưa cập nhật theo các công điện của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, việc giám sát, nhắc nhở tuân thủ đeo khẩu trang còn chưa bảo đảm chặt chẽ, nhiều vị trí cần thiết chưa được trang bị bồn rửa tay xà phòng và khăn lau tay dùng 1 lần. Không chỉ vậy, thống biển báo của nhiều bệnh viện còn thiếu hoặc nội dung chưa đúng theo hướng dẫn. Nhiều bệnh viện chưa triển khai được việc đặt lịch khám qua tổng đài, trên website, chưa triển khai được việc lấy mẫu xét nghiệm và X-Quang tại buồng khám sàng lọc và phương án vận chuyển người nghi nhiễm vào Khoa Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng chưa bảo đảm.
Ngoài ra, một số bệnh viện chưa xây dựng hệ thống quản lý an toàn nhân viên y tế bằng công nghệ thông tin để ghi nhận tình hình dịch COVID-19 , chưa quy định nhân viên y tế tự giác theo dõi sức khỏe bản thân và người nhà, đặc biệt là các triệu chứng hô hấp. Không chỉ vậy, nhiều bệnh viện còn sử dụng bàn lấy mẫu, bàn khai báo thông tin bằng vật liệu khó làm vệ sinh bề mặt.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, ông Khuê yêu cầu các bệnh viện/Trung tâm Y tế phải tuân thủ Bộ tiêu chí về bệnh viện an toàn; các bệnh viện/Trung tâm Y tế phải thường xuyên tiến hành đánh giá và cập nhập kết quả lên phần mềm trực tuyến; Sở Y tế các tỉnh sau khi tiến hành đánh giá cập nhật kết quả kịp thời.