Xung đột dữ dội trên biên giới giữa hai nước Armenia và Azerbaijan, máy bay Azerbaijan bị phía Armenia bắn hạ (Ảnh: Đông Phương). |
Armenia đã công bố đoạn băng video, tuyên bố họ đã bắn rơi 2 trực thăng, 3 máy bay không người lái và phá hủy 3 xe tăng của Azerbaijan. Cả hai bên đều nói có dân thường và binh lính thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc xung đột, Armenia nói 1 phụ nữ và trẻ em đã bị chết.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương chiều 27/9, chính phủ Armenia tuyên bố, vào lúc 4 giờ sáng ngày 27, phía Azerbaijan đã tấn công các khu định cư dân sự người Armenia ở Nagorno-Karabakh, bao gồm cả thủ phủ Stepanakert. Một số lượng lớn dân thường kéo đến trại tỵ nạn để trú ẩn, sau đó quân đội Armenia đã bắn hạ các trực thăng và máy bay không người lái của đối phương. Tuy nhiên, phía Azerbaijan phản bác, chỉ ra rằng chính quân đội Armenia đã phát động cuộc tấn công trước, gây ra nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, sau đó Azerbaijan mới phản công bằng xe tăng, đạn pháo phản lực, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái để ngăn chặn cuộc tấn công của kẻ thù và đảm bảo an toàn cho dân chúng. Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo một trực thăng quân sự của họ đã bị bắn hạ, nhưng các phi công may mắn sống sót.
Pháo phản lực của Azerbaijan nã đạn vào vị trí quân đội Armenia (Ảnh: Sohu).
|
Cả hai nước đều nói có các binh sĩ và dân thường tử thương trong vụ xuung đột. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã tuyên bố thực hiện thiết quân luật và tổng động viên quân đội, kêu gọi dân chúng “chuẩn bị bảo vệ tổ quốc thiêng liêng”. Tổng thống Azerbaijan Aliyev tuyên bố, quốc gia đe dọa Azerbaijan chắc chắn sẽ hối hận, nhấn mạnh Nagorno-Karabakh thuộc về Azerbaijan. Các quan chức của Nagorno-Karabakh cũng đã thông báo về việc thực hiện thiết quân luật trong toàn bộ khu vực, yêu cầu tất cả nam giới trong độ tuổi trưởng thành phải nhập ngũ.
Sau khi Liên Xô cũ tan rã năm 1991, Armenia và Azerbaijan đã bùng nổ chiến tranh vì tranh giành khu vực Nagorno-Karabakh. Theo Đông Phương, cộng đồng quốc tế nhìn chung công nhận Nagorno-Karabakh là một phần lãnh thổ của Azerbaijan. Tuy nhiên, do phần lớn dân số của Nagorno-Karabakh là người Armenia nên họ đã tự tuyên bố độc lập và kêu gọi Armenia can thiệp.
Xe tăng Azerbaijan tấn công (Ảnh: Sohu).
|
Trong bốn thập niên qua, hai nước đã vướng vào một cuộc tranh chấp kéo dài về vùng Nagorno-Karabakh. Căng thẳng bùng phát thành xung đột lần cuối là vào năm 2016, với việc hai nước đụng độ dữ dội trong 4 ngày.
Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã cố gắng làm trung gian hòa giải xung đột, thành lập Nhóm OSCE Minsk với các nhà ngoại giao từ Pháp, Nga và Mỹ để có được một lệnh ngừng bắn. Hai bên đã ngồi vào đàm phán từ 1992 nhưng vẫn không đạt được tiến triển thực chất; mặc dù những năm qua không xảy ra xung đột quy mô lớn, nhưng các vụ đụng độ lẻ tẻ vẫn xảy ra.
Xung đột giữa hai nước tại khu vực Nagorno-Karabakh đã bùng phát trở lại trong những tháng gần đây. Giao tranh dữ dội tại biên giới nổ ra hồi đầu tháng 7 đã giết chết ít nhất 16 người của cả hai bên, phía Azerbaijan nói họ bị chết 11 người, trong đó có 1 viên tướng và 5 binh sĩ. Vụ xung đột này đã dẫn đến cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm ở thủ đô Baku của Azerbaijan với lời kêu gọi tổng động viên để tái chiếm khu vực này.
Lính Azerbaijan tại mặt trận (Ảnh: Sohu).
|
Bộ Ngoại giao Nga ngày 27/9 đã kêu gọi hai bên ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán để ổn định tình hình.
Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận của Azerbaijan đã chỉ trích nặng nề Armenia. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ “lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Armenia vào Azerbaijan. Armenia đã coi thường luật pháp quốc tế” và nói: “Armenia đang đùa với lửa, gây nguy hiểm cho hòa bình khu vực”.