UAV cảm tử là loại máy bay không người lái chiến đấu (UCAV) sử dụng một lần, còn hay được gọi là vũ khí tuần kích (loitering munition) thường được dùng cho nhiệm vụ chế áp phòng không (tiêu diệt phương tiện phòng không đối phương) và tấn công điểm chính xác để sát thương sinh lực bằng cách lao thẳng vào mục tiêu.
Một trong những nét khác biệt của hoạt động giao tranh tái diễn sau 22 năm trên tuyến tiếp xúc giữa Nagorny Karabakh và các lực lượng Azerbaijan là việc lần đầu tiên sử dụng UAV trong cuộc xung đột này. Và sự bất ngờ chủ yếu là sử dụng UAV chiến đấu (UCAV) khiến phía Armenia chịu tổn thất về sinh lực.
Sáng 2/4/2016, mấy giờ sau khi chiến sự quy mô lớn bùng nổ, thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Armenia, ông Artsrun Ovannisyan mà trang Facebook cá nhân của ông gần như là nguồn tin chính từ mặt trận trong những ngày gần đây, đã đăng tải các bức ảnh một UAV Azerbaijan bị bắn rơi. Còn sau đó thì có tin cho hay, tại vùng chiến sự, một UCAV đã tấn công một xe buýt chở lính tình nguyện Armeina. Ban đầu, có tin 5 người, sau đó là 7 người đã thiệt mạng trong cuộc không kích. Thông tin về cuộc tấn công của UCAV vào một xe buýt trên hướng Martakert do thư ký báo chí chính phủ Cộng hòa Nagorny Karabakh, ông Artak Beglaryan cung cấp.
UAV của Azerbaijan bị bắn rơi ở Nagorny Karabakh |
Cùng ngày, được biết một xe buýt khác, lần này là chở các phóng viên, cũng bị UCAV tấn công, nhưng nó đã rơi cách xe vài chục mét nên không có thương vong. Chỉ sau đó mới có tin cho hay, UAV giết người này là UAV trinh sát-tiến công Harop do công ty Israel Aerospace Industries (IAI) của Israel sản xuất và trên mạng xuất hiện cả đoạn video quay cảnh UAV tấn công các vị trí của Armenia. Các nguồn tin Azerbaijan đã đưa tin về việc “tiêu diệt 2 sở chỉ huy Armenia” bằng UAV.
UCAV Israel này có những nét khác biệt ở cánh và phần mũi thấy rõ trên hình ảnh. Đây thực sự là vũ khí kamikaze và khác với UAV nổi tiếng Predator của Mỹ phóng tên lửa Hellfire, Harop tự dẫn vào mục tiêu và tiêu diệt mục tiêu bằng cách lao thẳng vào nó.
Нarop là mẫu UAV sử dụng một lần, có trọng lượng cất cánh 135 kg, trang bị hệ dẫn quang-điện tử sử dụng module quang điện tử IAI Tamam POP-200 và thiết bị truyền video cho phép người điều khiển dẫn UAV vào mục tiêu.
Harop được phóng lên không từ thùng phóng cơ động chuyên dụng lắp trên xe tải với số lượng 12 chiếc. Để tấn công mục tiêu mặt đất, UAV được trang bị phần chiến đấu 15 kg (có nguồn nói 23 kg, 32 kg), bay trên không nhờ động cơ cánh quạt và có thể tuần thám trên không liên tục đến 6 giờ để sục sạo tìm mục tiêu. Harop có thể hoạt động ở độ cao lớn nên mở rộng được tầm quan sát, giảm độ bộc lộ và giảm xác suất bị tiêu diệt cho UAV. Ngay khi mục tiêu bị phát hiện và lựa chọn, UAV lao xuống mục tiêu và nổ tung.
Nếu trong khi bay không tìm thấy mục tiêu, Harop quay trở về địa điểm xuất phát. Đây có lẽ là lần tác chiến đầu tiên của UAV cảm tử trong một cuộc xung đột vũ trang thực tế. Theo thông tin của IAI, Harop có thể điều khiển từ xa hay tự dẫn vào mục tiêu nhờ radar của mình hay theo bức xạ vô tuyến điện từ mặt đất.
Harop là vũ khí lý tưởng để chế áp phòng không đối phương vì UAV có kích thước nhỏ nên có thể tránh được sự phát hiện của radar mặt đất. Harop là mẫu nâng cấp của UAV Harpy vốn dùng để tiêu diệt radar, được trang bị hệ dẫn radar thụ động và không có khả năng điều khiển từ xa.
Dẫu sao cũng có thể khẳng định chắc chắn rằng, trong những ngày gần đây, trong lĩnh vực khoa học quân sự đã xuất hiện và thử nghiệm một loại vũ khí hoàn toàn mới, nhưng không thể chắc chắn những nước nào có các UAV này. Tháng 6/2015, IAI, công ty sản xuất các UAV này cho biết, họ đã bán hàng trặm hệ thống như thế cho các khách hàng khác nhau và các UAV này có tiềm năng tiêu thụ rất tốt. Các khách hàng được biết đến mua Harop ngoài Azerbaijan là Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.
“Ngày nay thì không một cuộc xung đột nào diễn ra mà không sử dụng UAV. Toàn bộ thông tin, toàn bộ tin tức trinh sát có được là nhờ các phương tiện này. Trong 10-15 năm nữa, đây là một trong những xu hướng chính trong lĩnh vực phát triển các hệ thống vũ khí”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga phụ trách trang bị Yuri Borisov khẳng định hôm 7/4/2016.
Theo tờ The Washington Post, trong những tháng gần đây, các UAV của Israel đã bị phát hiện ở Ukraine và Syria. Azerbaijan quan tâm đến UAV Israel từ năm 2011, còn sự hợp tác song phương trong lĩnh vực quan sự thì bắt đầu từ năm 2004 khi vũ khí Israel sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu được cung cấp cho Baku. Năm 2011, Azerbaijan lên kế hoạch mua từ Israel 60 UAV Aerostar và Orbiter.
Tính đến ngày 7/4/2016, báo chí Armenia đưa tin về 6 UAV Azerbaijan bị tiêu diệt. Trước đó, các blog Armenia, một nông dân chăn nuôi đã trở thành anh hùng khi câu chuyện của anh được nhà báo Khachatur Melkumyan từ Stepnakert kể lại. Theo đó, anh chàng nông dân đã lưu ý đến một phương tiện bay trên Martakert. Anh nghĩ rằng, trong thời chiến thì UAV Armenia không thể bay trên thành phố nên đã dùng súng săn bắn và bắn rơi UAV này.
Những câu chuyện nông dân bắn rơi máy bay hiện đại bằng súng săn thực ra cũng xuất hiện trong các cuộc xung đột cục bộ trước đó. Năm 2003, vào lúc cao trào của chiến tranh Iraq, có tin nông dân Ali Abid Minqash bắn rơi trực thăng tiến công AH-64 Apache bằng súng săn. Đích thân Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã cảm ơn và biểu dương anh nông dân này, nhưng sau đó anh ta thú nhận rằng, toàn bộ câu chuyện là hư cấu và anh ta đơn giản là chỉ tìm thấy chiếc trực thăng trên cánh đồng của mình.
Trên Internet cũng đăng tải đoạn video được cho là ghi hình ảnh các xe tăng Т-72 của quân đội Cộng hòa Nagorny Karabakh bị tiêu diệt bởi hệ thống tên lửa chống tăng Spike của hãng Rafael, Israel. Đây có lẽ là hệ thống Spike-NLOS với tầm bắn đến 25 km. Trước đó không có tin Azebaijan mua biến thể mặt đất Spike-NLOS mặc dù họ đã mua biến thể trên hạm MLS NLOS để trang bị cho các tàu tên lửa nhỏ và tàu tuần tra của nước này.
Theo VND