BS CKII. Khổng Minh Tuấn: CDC Hà Nội làm việc không có ngày nghỉ, trên 100% công suất trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo ông Khổng Minh Tuấn -Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội), trong đợt dịch COVID-19 thứ 4, ông cùng các đồng nghiệp luôn căng mình làm việc không có ngày nghỉ, trên 100% công suất.
BS CKII. Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (Ảnh - Nguyễn Nhiên)
BS CKII. Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (Ảnh - Nguyễn Nhiên)

Sinh hoạt cá nhân bị đảo lộn

Gần như không có ngày nghỉ, liên tục phải làm việc với trên 100% công suất đến sinh hoạt cá nhân cũng bị đảo lộn, BS CKII. Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội đã quen với trạng thái bình thường mới này.

Theo ông Tuấn, trong hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, thách thức hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở. Hà Nội và cả nước đã trải qua vô vàn những khó khăn, vất vả trong cuộc chiến chống lại "kẻ thù vô hình" với nhiều biến chủng vô cùng nguy hiểm, nhất là khi đợt dịch thứ 4 bùng phát với sự xuất hiện của biến chủng Delta.

Với những chủng gây bệnh đầu tiên của virus SARS-CoV-2, tỉ lệ nhiễm bệnh tại Hà Nội là rất thấp. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện biến chủng Delta thì số F0 đã gia tăng nhanh chóng và dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Nhân viên y tế phun khử khuẩn phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Đợt dịch thứ tư tại Hà Nội đã kéo dài từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay, với tổng số ca mắc là hơn 200.000 ca, chiếm tỉ lệ tới hơn 99% tổng số ca bệnh từ khi COVID-19 xuất hiện. Đặc điểm của đợt dịch này là kéo dài liên tục trong 10 tháng qua, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm; dịch diễn ra trên diện rộng, tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 579 xã phường của Thủ đô đều xuất hiện bệnh nhân; số ca tử vong do COVID-19 bắt đầu xuất hiện và gia tăng.

Cùng với sự gia tăng và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khối lượng công việc của cán bộ y tế cũng tăng lên gấp đôi. Ngoài công tác điều tra, khoanh vùng, truy vết và xét nghiệm, cán bộ y tế các tuyến còn phải tập trung cao độ cho công tác tiêm vaccine COVID-19.

Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng bằng khen cho 21 tập thể, cá nhân thuộc Bộ Quốc phòng và TP. Hà Nội đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có BS CKII. Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội.

BS CKII. Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội- nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (Ảnh - BSCC)

BS CKII. Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội- nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (Ảnh - BSCC)

Có thể thấy, hơn 2 năm chống dịch vừa qua là những tháng ngày gian khó, vất vả đối với ngành y tế nói riêng và toàn xã hội nói chung. Mỗi khi có một biến chủng mới, một đợt dịch mới là căng thẳng và áp lực lại đè nặng lên những cán bộ y tế ở tất cả các tuyến, từ thành phố đến địa phương.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội tâm sự: “Bản thân tôi mặc dù đã học đúng chuyên ngành Vệ sinh dịch tễ, có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng khi đối diện với dịch COVID-19, trực tiếp bắt tay vào việc vẫn thấy căng thẳng, lo lắng và nhiều trăn trở, nhiều áp lực, khi đây là một dịch bệnh mới và phức tạp.”

“Nếu không đưa ra được phương pháp và cách làm đúng thì việc phòng chống dịch sẽ không có hiệu quả, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Các hoạt động điều tra, truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly cứ liên tiếp diễn ra khiến chúng tôi luôn trong tình trạng ''báo động", gần như không có ngày nghỉ, liên tục phải làm việc với trên 100% công suất” – ông Tuấn nói.

Nhân viên y tế phân loại mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - BY)

Nhân viên y tế phân loại mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - BY)

Cùng với sự gia tăng và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cho đến thời điểm này khối lượng công việc của cán bộ y tế cũng tăng lên gấp đôi. Ngoài công tác điều tra, khoanh vùng, truy vết và xét nghiệm, cán bộ y tế các tuyến còn phải tập trung cao độ cho công tác tiêm vaccine COVID-19. Sinh hoạt cá nhân cũng bị đảo lộn, các bữa ăn đều diễn ra trong khoảng thời gian quá trưa và 9-10h đêm.

Đặc biệt giai đoạn căng thẳng nhất của CDC Hà Nội là trong 20 ngày đầu tháng 9 năm 2021. Thời điểm này đồng thời triển khai hai chiến dịch thần tốc, chưa từng có trong tiền lệ: Chiến dịch xét nghiệm diện rộng và chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trên địa bàn toàn thành phố.

Hà Nội rút ra kinh nghiệm gì từ tâm dịch ở TP. HCM?

Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, từ thực tế công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam, Hà Nội đã kịp thời đúc rút kinh nghiệm và xây dựng các phương án phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả.

Có 3 bài học lớn mà CDC Hà Nội đã đúc rút được và đã kịp thời áp dụng trong công tác chống dịch tại Thủ đô như sau:

Thứ nhất phải có hệ thống giám sát, cảnh báo chuyên nghiệp, chuyên sâu, có khả năng dự báo chính xác diễn biến và nguy cơ bùng phát dịch trên từng đối tượng, trên từng lĩnh vực hoạt động, từng khu vực dân cư.

Thay vì việc xét nghiệm diện rộng tràn lan như trước đây, đến giai đoạn này CDC Hà Nội đã chuyển hướng sang xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, xét nghiệm có chu kỳ 3-5 ngày/lần đối với khu vực phong tỏa, xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng có nguy cơ cao, khu vực nguy cơ cao; phối hợp giữa kỹ thuật PCR với xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên; trả kết quả xét nghiệm trong thời gian nhanh nhất có thể nhằm phát hiện sớm các ổ dịch tiềm tàng để ngăn chặn kịp thời.

Các bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 nặng (Ảnh - Minh Thuý)

Các bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 nặng (Ảnh - Minh Thuý)

Thứ hai, đó là phải củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng từ thành phố đến xã, phường; lấy các đội cơ động phản ứng nhanh làm nòng cốt; huy động sự tham gia vào cuộc của người dân.

Tại CDC Hà Nội, trước đây chỉ thành lập 5 đội cơ động phòng chống dịch, thì nay tăng lên 15 đội. Ở các quận huyện, trước đây chỉ thành lập 2 đội cơ động phòng chống dịch/quận, huyện, thì nay tăng lên 5 đội/quận, huyện; các thành viên trong đội liên tục được tập huấn, đào tạo để có kiến thức vững vàng và kỹ năng thành thục, linh hoạt các giải pháp trong truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị phù hợp tình hình thực tiễn.

Ngoài ra, các tổ COVID-19 cộng đồng, tổ giám sát liên gia cũng được thành lập với sự tham gia của cán bộ thôn xóm, tổ dân phố và tình nguyện viên.

Với lực lượng hùng hậu như vậy, Hà Nội đã rất chủ động khi số ca mắc COVID-19 tăng vọt.

Người dân khi có nguy cơ lây nhiễm hay khi được xác định là bệnh nhân được tiếp cận y tế trong thời gian sớm nhất để tư vấn, hỗ trợ và điều trị kịp thời, từ đó giảm tỷ lệ diễn biến nặng cũng như giảm tỷ lệ tử vong.

Thứ ba, đó là chuẩn bị sẵn sàng cho công tác tiêm chủng khi có đủ vaccine COVID-19.

Theo thống kê của CDC Hà Nội, số ca mắc mới từ 18h ngày 25/2 đến 18h ngày 26/2 là 10.783 ca bệnh (3.709 ca cộng đồng; 7.074 ca đã cách ly).

Bệnh nhân phân bố tại 537 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày gồm: Long Biên 541; Mê Linh 531; Thạch Thất 478; Quốc Oai 385; Hai Bà Trưng 331.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 250.757 ca.