Nội dung được đề cập tại Chỉ thị 01/CT-BTTTT về việc định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trong năm 2021. Theo đó, Bộ yêu cầu toàn ngành TT&TT thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến ngành TT&TT.
Trong lĩnh vực Bưu chính, Bộ TT&TT đề ra mục tiêu chuyển dịch sang dịch vụ bưu chính số, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Bưu chính chuyển phát trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số. Nền tảng mã địa chỉ gắn với bản đồ số (Vpostcode) sẽ tiếp tục được khai thác, nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động vận chuyển hàng hóa trong thương mại điện tử và logistics. Ngành bưu chính phấn đấu trong năm sau sẽ có 100% điểm bưu chính tại các xã có người phục vụ.
Về Viễn thông, Bộ yêu cầu chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, thúc đẩy triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Vietnam theo đúng lộ trình. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đạt mục tiêu phủ trên 60% hộ gia đình, 100% xã phường. Việc phát triển Internet tốc độ cao, hạ tầng số an toàn sẽ đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu lớn. Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai các phương án bảo đảm thông tin liên lạc tại các thời điểm trước, trong và sau khi diễn ra các sự kiện lớn của Đất nước.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ TT&TT đề ra mục tiêu đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân. Đồng thời, Bộ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục chú trọng cải thiện xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, sớm hoàn thành việc xây dựng Chiến lược phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.
Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết Bộ TT&TT năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. |
Đối với lĩnh vực An toàn, an ninh mạng, Bộ TT&TT đề ra mục tiêu phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam, phấn đấu trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng. Theo đó, Bộ đề nghị các đơn vị tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thông tin mạng, đồng thời xây dựng niềm tin để người dân, doanh nghiệp và Chính phủ sẵn sàng dịch chuyển lên môi trường số. Đến hết năm 2021, Việt Nam phấn đấu lọt nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu GCI của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU. Đặc biệt, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nhằm đẩy mạnh hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Trong lĩnh vực Công nghiệp ICT, Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam. Việt Nam phải trở thành quốc gia công nghệ, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm, không chỉ cho thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu, Bộ đã đưa ra kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội.
Về Báo chí - Truyền thông, Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan báo chí phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, lan toả năng lượng tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin xã hội và khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Toàn ngàn truyền thông tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xác định danh tính người sử dụng dịch vụ. Qua đó, các cơ quan quản lý phấn đấu xử lý 100% thông tin vi phạm, gồm các thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc, mạo danh, tin giả. Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng như các nhiệm vụ quan trọng khác trong năm 2021 được Đảng và Nhà nước giao phó. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đưa ra định hướng phát triển và quản lý đối với các loại hình truyền thông khác như sách, trang thông tin điện tử, mạng xã hội.