Bổ sung, hoàn thiện 30 chính sách đặc thù giúp Đà Nẵng phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 31/5, trong phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội xem xét về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Một góc TP Đà Nẵng nhìn từ trên cao
Một góc TP Đà Nẵng nhìn từ trên cao

30 chính sách đặc thù dành cho Đà Nẵng

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trình bày tại Quốc hội, thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 45/2024/UBTVQH15 ngày 15/4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội.

Mục tiêu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 để sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách nhằm thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù giúp Đà Nẵng khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng, góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết, kết luận của Trung ương.

vt_nang nong 14.png
Một góc biển du lịch Đà Nẵng

Các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết được xây dựng nêu bật những kết quả hiện có trong quá trình thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2020/QH14; đồng thời điều chỉnh, bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị và đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đối với dự thảo Nghị quyết 119/2020/QH14, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã đánh giá việc thực hiện 119/2020/QH14, đồng thời chỉ ra các bất cập như: Quy định hiện hành chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh cần có cơ chế đặc thù; một số quy định không còn phù hợp thực tiễn...

Để tạo tiền đề cho phát triển Đà Nẵng thì cần nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện một bước các cơ chế, chính sách đặc thù cho những năm tiếp theo và trình Quốc hội xem xét, quyết định Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 119/2020/QH14 bảo đảm cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền.

vt_cang lien chieu 0.png
Dự án cảng biển Liên Chiểu (Đà Nẵng)

Cũng theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đã cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5, song phạm vi chính sách được đề xuất là khá rộng, trên nhiều lĩnh vực; một số chính sách mới, có tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, đến đời sống kinh tế-xã hội, quan hệ đối ngoại; chứa đựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành.

Vì vậy, để có căn cứ vững chắc cho việc xem xét, quyết định, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội yêu cầu cần có báo cáo đánh giá tác động cần đánh giá cụ thể hơn cả về mặt tích cực và cả những thách thức, nhất là đối với các chính sách tác động đến thu, chi ngân sách Nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách; đồng thời, làm rõ hơn về kết quả đầu ra của từng chính sách.

Cơ chế đặc thù cần đi đôi với năng lực thực hiện

Về quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội lưu ý rằng, Nghị quyết cần tập trung để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đã và đang cản trở tiến trình phát triển của Đà Nẵng; góp phần khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh, song phải bảo đảm việc xây dựng chính sách không hợp thức hóa những sai phạm; bảo đảm tính minh bạch, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước.

Đặc biệt, Nghị quyết sửa đổi phải bảo đảm tính đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW; đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tiễn và bảo đảm hiệu quả khi thực hiện; có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Nhất là cơ chế đột phá cần đi đôi với năng lực thực hiện, khả năng quản lý, điều hành, kiểm soát và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện.

vt-duong-pho-tet-57-4295.png
Cơ chế đặc thù sẽ tạo động lực để Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ

Ngoài ra, Nghị quyết sửa đổi phải thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ riêng đối với Đà Nẵng mà cần mang lại hiệu ứng tích cực đối với Vùng và cả nước; hạn chế các chính sách tác động tiêu cực đến vai trò chủ đạo của ngân sách Nhà nước trong trung và dài hạn.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng yêu cầu các chính sách mới dành cho Đà Nẵng phải có tính kế thừa và tích hợp một số chính sách tương đồng chính sách đặc thù của một số tỉnh, thành đã được Quốc hội cho phép áp dụng (Khánh Hòa, TP HCM…). Bên cạnh đó, cần có các chính sách thực sự mang tính đặc thù riêng biệt, tương thích với đặc điểm riêng về vị trí địa lý, lợi thế về tiềm năng kinh tế, con người để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển TP Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 43 và quy hoạch của TP được Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, cần rà soát, tính toán và giải trình cụ thể để làm rõ hơn về sự cần thiết và tính khả thi khi áp dụng cho TP Đà Nẵng.